23 tuổi ung thư giai đoạn muộn: Cảnh báo nguy cơ khi ăn đồ nướng

Dù đã có nhiều khuyến cáo về nguy cơ gây ung thư của thực phẩm nướng nhưng nhiều người còn rất bàng quan. Trường hợp cô gái 23 tuổi đã mắc ung thư này là 1 hồi chuông cảnh báo.

Bác sĩ cảnh báo tình trạng ung thư trẻ hóa

Trường hợp của bệnh nhân 23 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu được các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhắc đi nhắc lại như là một trường hợp điển hình của xu hướng ung thư đang dần trẻ hóa.

Bệnh nhân này thấy cơ thể có những biểu hiện khác lại như ăn uống kém, hay bị nôn ói, ăn không tiêu, đau bụng vùng thượng vị, sụt cân nhanh… Nghi ngờ mình bị viêm loét dạ dày, cô tự mua thuốc về điều trị nhưng các triệu chứng trên càng ngày càng nặng.

Khi đi khám ở BV tuyến dưới, bác sĩ nghi ngờ cô bị ung thư nên chuyển đến cơ sở y tế khác tại TP HCM kiểm tra nhưng kết quả chẩn đoán là loét dạ dày, không phát hiện ung thư.

Để yên tâm, cô lại tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Tại đây, cô được chỉ định nội soi dạ dày và giải phẫu bệnh 2 lần vẫn cho kết quả u lành tính. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn nghi ngờ cô bị ung thư dạ dày .

Đồng thời, bệnh nhân này còn bị hẹp môn vị khiến thức ăn vào dạ dày không thoát được gây nôn ói. Chính vì thế, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cho trường hợp này.

Bệnh nhân 23 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang được điều trị tại BV Đại học Y Dược TP HCM

Khi mổ nội soi, bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân đã có khối u ở hang vị đã thâm nhiễm đến thanh mạc và gây bán hẹp môn vị dạ dày. Ê kíp phẫu thuật tiến hành cắt 3/4 dưới dạ dày, nạo ra khoảng 40 u hạch nhỏ trong đó có 8 hạch đã di căn. Sau khi nạo hạch triệt để, bác sĩ lấy ruột non nối với phần dạ dày còn lại.

Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy bệnh nhân này đã bị ung thư dạ dày xâm lấn đến lớp thanh mạc và có di căn hạch, đang ở giai đoạn 3B rất nặng. Dự kiến khi sức khỏe ổn định, người bệnh sẽ được chỉ định hóa trị để điều trị ung thư, song tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh rất dè dặt, chỉ khoảng 50%.

Theo ThS.BS Võ Duy Long, khoa Ngoại Tiêu hóa, bệnh viện Đại học Y Dược đây là 1 trường hợp điển hình gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ung thư trẻ hóa.

Theo thống kê, năm 2014, tỉ lệ người bệnh dưới 40 tuổi đến khám và điều trị tại bệnh viện được xác định mắc bệnh ung thư dạ dày chiếm khoảng 16%. Tuy nhiên, sang năm 2015, số bệnh nhân dưới 40 tuổi bị ung thư dạ dày được ghi nhận tại bệnh viện đã lên tới 22%.

Nguyên nhân gây ung thư khiến nhiều người giật mình

Các bác sĩ cho biết, khi điều tra thói quen sinh hoạt và tiểu sử bệnh của bệnh nhân 23 tuổi nói trên, cô nói rằng trong gia đình mình không ai mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, có 1 chi tiết rất đáng chú ý là cô nói rằng cô có thói quen ăn rất mặn và hay ăn đồ nướng.

Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm nướng đem lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe, nhất là đem lại nguy cơ bị ung thư.

Theo PGS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm), việc nướng thực phẩm dù trực tiếp hay gián tiếp (thông qua chảo bơ, mỡ), nướng bằng gas hay bằng than hoa… đều sinh ra chất AGE.

Chất này theo thức ăn đi vào các tế bào, mạch máu, các mô của cơ thể người, làm tổn thương tổ chức mô lành. Ở chỗ nào có protein, AGE sẽ làm biến tính protein, điều này rất nguy hiểm bởi cơ thể con người được chủ yếu cấu tạo từ protein…

Ngoài AGE, thực phẩm bị nướng cháy còn tạo ra các chất trung gian hóa học như axit amin thơm, amin dị vòng… có thể gây đột biến tế bào và ung thư trên người.

PGS Trần Đáng cho biết, những thực phẩm nướng trên than hoa, tưởng an toàn hơn so với nướng gas nhưng thực ra cũng không kém phần độc hại, vì ngoài những yếu tố gây ung thư kể trên, chúng còn sinh ra chất bột nướng. “Chất bột nướng sẽ tạo thành hydrat cacbon bị cháy ở nhiệt độ cao, tạo ra acrylamide. Đây cũng là chất gây ung thư”, ông Đáng khẳng định.

Theo ThS.BS Võ Duy Long, nguyên nhân gây ung thư dạ dày mặc dù chưa được xác định rõ nhưng các yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận là chế độ ăn nhiều muối, đồ ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì.

Ngoài ra, những yếu tố khác như người bệnh bị nhiễm virus HP, viêm loét dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A, nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường.

Theo Thái Phong (aFamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận