Tetrodotoxin là một chất độc mạnh có trong cá nóc và một số loài khác như bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu, kỳ nhông. Khi ăn cá nóc, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp nặng. Vì thế, đề phòng ngộ độc tốt nhất là không bắt và ăn cá nóc. Nếu ăn nhầm, có triệu chứng ngộ độc phải kịp thời đưa đến bệnh viện ngay.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Sau khi ăn cá nóc (tươi, khô, ruốt) triệu chứng xuất hiện sau 10 – 30 phút: tê miệng, lưỡi, hai môi, đau đầu, nôn, nói khó, tê ở ngón, bàn tay chân, yếu và mệt, tử vong do liệt cơ hô hấp hoặc suy tuần hoàn cấp.
Các dấu hiệu khác: tim chậm, rối loạn nhịp, hạ huyết áp, hạ nhiệt độ, tăng tiết nước bọt, tim, ngừng thở, mất phản xạ gân xương và trương lực cơ.
Các dấu hiệu lâm sàng có thể mất đi sau 24 giờ nếu bệnh nhân được cứu sống.
Xét nghiệm
Máu: điện giải, urê, creatinin, đường, thăng bằng kiềm toan.
Điện tâm đồ.
Theo dõi SpO2 và EtCO2 hoặc chức năng phổi (Vt, áp lực âm thở vào).
Phát hiện độc chất tetrodotoxin trong dịch cơ thể hoặc trong mẫu bệnh phẩm.
Nguyên nhân gây bệnh
Chất độc trong cá nóc được gọi là tetrodotoxin (TTX) là chất độc không protein, tan trong nước và không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay làm khô, chất độc bị bất hoạt trong môi trường acid và kiềm mạnh.
TTX tập trung ở trứng cá, ruột, gan và tinh hoàn của cá. Chất độc này còn tìm thấy trong một số loài vật khác như: bạch tuộc có vòng xanh ở tua, kỳ nhông.
Chất độ TTX tác dụng chọn chẹn dòng natri trong cơ chế bơm K – Na và kênh natri ở tấm vận động, do đó TTX gây ra liệt cơ, liệt hô hấp.
Điều trị
Trước khi vào bệnh viện
Nếu bệnh nhân còn tỉnh với triệu chứng nhẹ: cho uống than hoạt 1 – 2g/kg và sorbitol 1g/kg cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.
Nếu bệnh nhân có tím, rối loạn ý thức: thổi ngạt, bóp bóng Ambu, rồi đưa đến cơ sở bệnh viện gần nhất.
Trong bệnh viện
Nếu đã xuất hiện triệu chứng tim, rối loạn ý thức
Không gây nôn.
Đặt ống nội khí quản, có bóng chèn để đảm bảo đường dẫn khí, hỗ trợ hô hấp bằng ambu, máy thở.
Đặt ống thông rửa dạ dày nếu mới ăn cá trong vòng 1 giờ đầu, rồi cho than hoạt 1 – 2g/kg.
Truyền dịch Glucose 5% và NaCl 0,9% để duy trì huyết áp.
Điều trị các triệu chứng nặng (nếu có).
Hạ huyết áp:
Truyền dịch 1 – 2 lít dung dịch NaCl 0,9% qua đường tĩnh mạch và đặt bệnh nhân nghiêng trái, đầu thấp. Cần theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm tránh quá tải.
Nếu truyền dịch không làm tăng huyết áp cần cho: Dopamin 2 – 5mg/kg/phút và tăng liều dần, nếu không hiệu quả có thể thêm Norepinephrin 0,1 – 0,2mg/kg/phút.
Co giật: là triệu chứng hiếm gặp, điều trị co giật bằng diazepam 10mg tĩnh mạch, nếu không đáp ứng cho phenobarbital hay phenytoin sau khi đã đặt nội khí quản, thông khí hỗ trợ.