[Chứng trạng] Thấp nhiệt

Khái niệm

Chứng Thấp nhiệt là tên gọi khái quát về bệnh biến cảm nhiễm phải tà khí thấp nhiệt uế trọc, hoặc Tỳ Vị không mạnh, thấp nhiệt nung nấu ở trong hình thành hai thể chứng trạng Thấp lấn át nhiệt ẩn phục và Thấp nhiệt hun đốt câu kết; Nguyên nhân phần nhiều do ngoại cảm tà khí hoặc vốn nghiện chè rượu làm tổn thương Tỳ Vị, Tỳ mất sự kiện vận, thấp nhiệt ngăn trở gây nên bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mình nóng bứt dứt, đầu và mình nặng nề, ngực bụng trướng đầy, không thiết ăn uống, hoặc mặt mắt và toàn thân phát sinh màu vàng, bì phu ngứa ngáy tiểu tiện đỏ mà khó đi, phụ nữ ra khí hư vàng mà dính uế trọc mùi hôi, rêu lưỡi nhớt, mạch Nhu Hoãn hoặc Nhu Sác.Chứng Thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh Tiết tả, Lỵ tật, Hoàng đản, cổ trướng, Thủy thũng, Lâm chứng, Long bế, Nuy chứng, Tý chứng, Thấp ôn, Phục thử, Thử ôn và Đái hạ.

Cần chẩn đoán phân biệt với “chứng Hàn thấp” và “chứng Thấp trở”.

Phân tích

Chứng thấp nhiệt có thể xuất hiện trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm riêng và phép chữa cũng không hoàn toàn giống nhau, cần phân biệt cho cụ thể.

– Trong bệnh Tiết tả xuất hiện chứng Thấp nhiệt, đặc điểm biểu hiện là đau bụng tiết tả, đi tả ra cấp bách hoặc đi tả ra cảm thấy khó chịu, sắc phân vàng sẫm mà hôi, nóng rát giang môn, khát nước, tiểu tiện sẻn vàng thuộc loại “Thấp nhiệt hạ chú”. Đây là do cảm nhiễm tà khí thấp nhiệt, hoặc nghiện rượu chè, ăn nhiều đồ béo ngọt làm tổn thương tới Vị Trường, tác dựng truyền hóa không bình thường, thấp nhiệt dồn xuống gây nên; Điều trị nên thanh hóa thấp nhiệt, cho uống bài Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang (Thương hàn luận) gia vị.

– Nếu chứng Thấp nhiệt xuất hiện trong Lỵ tật, đặc điểm chứng trạng thường là đau bụng lý cấp hậu trọng, hạ lỵ ra màu trắng và đỏ, giang môn nóng rát, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác; đây là Thấp nhiệt lỵ do cảm nhiễm tà khí thấp nhiệt và khí dịch độc ở bên ngoài, bên trong bị tổn thương ăn uống thức không sạch, làm tổn thương Vị Trường và Tỳ, thấp nhiệt nung nấu, khí huyết ngăn trệ hóa thành máu mủ gây nên bệnh, điều trị theo phép thanh nhiệt lợi thấp chỉ lỵ, cho uống bài Hương Liên hoàn (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương).

– Trong bệnh Hoàng đản xuất hiện chứng Thấp nhiệt, biểu hiện lâm sàng mắt và thân thể có màu vàng tươi như quýt chín, phát nhiệt khát nước hoặc mình nóng bứt dứt, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác hoặc Nhu Sác, đây là do tà khí theo mùa ở bên ngoài xâm nhập, bị uất lại không thoát ra được, hoặc do ăn uống không điều độ, rượu chè quá mức, làm tổn thương Tỳ Vị, thấp với nhiệt câu kết hun đốt Can Đởm, Đởm chấp tràn ra ngoài bì phu gây nên, điều trị theo phép thanh nhiệt lợi thấp đẩy lui chứng Hoàng, dùng bài Nhân trần cao thang (Thương hàn luận) hoặc Nhân trần ngũ linh tán (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.

– Chứng Thấp nhiệt xuất hiện trong bệnh cổ trướng, thường có các chứng trạng bụng to rắn đầy và đau, phiền nhiệt đắng miệng, khát không muốn uống nước, tiểu tiện đỏ, táo bón hoặc thân mình và mắt có màu vàng, nguyên nhân do ăn nhiều đồ cay nóng sào nướng, nung nấu thành thấp nhiệt, hoặc là từ các bệnh Hoàng đản, Tích tụ kéo dài không khỏi làm cho thấp với nhiệt câu kết tích tụ; điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp, công hạ trục thủy, cho uống bài Trung mãn phân tiêu hoàn (Lan thất bí tàng) gia giảm. thể tạng khoẻ mạnh có thể tạm dùng bài Chu sa hoàn (Đan Khê tâm pháp) để công hạ trục thủy, thấy đi tả được thì ngừng thuốc.

– Trong bệnh Thủy thũng xuất hiện chứng Thấp nhiệt, lâm sàng thường biểu hiện toàn thân phù thũng sắc da sáng bóng, ngực bụng bĩ đầy, phiền nhiệt khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ. rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Trầm Sác đó là đặc điểm của Thấp nhiệt úng thịnh nguyên nhân do cảm nhiễm ngoại tà hoặc lội nước dầm mưa, thủy thấp xâm phạm vào trong, hoặc do ăn uống không điều độ, thấp tà nung nấu ở bên trong, thấp uất hóa nhiệt, thấp với nhiệt nung nấu ở bên trong, sự chuyển hóa của Bàng quang kém xút gây nên bệnh, điều trị nên sơ phong thấu biểu, phân lợi thấp nhiệt, cho uống bài Sơ tạc ẩm tử (Thế y đắc hiệu phương) gia giảm.

– Trong các bệnh Lâm và Long bế xuất hiện chứng Thấp nhiệt, có những chứng trạng đặc điểm như tiểu tiện nóng rít và đau thậm chí giỏ giọt không thông, nước tiểu có màu vàng đỏ hoặc vẩn đục như nước gạo, bụng dưới trướng đầy, miệng đắng và dính nhớt hoặc khát mà không uống nước, đây là Hạ tiêu có thấp nhiệt, do thấp với nhiệt nung nấu câu kết ở Bàng quang hoặc Thận chuyển nhiệt xuống Bàng quang, thấp và nhiệt câu kết làm cho khí của Bàng Quang không lợi gây nên bệnh; điều trị theo phép thanh nhiệt lợi thấp thông lâm, cho uống bài Bát chính tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) hoặc Trình thị Tỳ giải phân thanh ẩm (Y học tâm ng) gia giảm.

– Trong bệnh Nuy chứng xuất hiện chứng Thấp nhiệt, có chứng trạng đặc điểm chân tay yếu liệt vô lực có khí phù nhẹ, tê dại nhất là ở chi dưới, đôi khi còn phát sốt, ngực bụng bĩ đầy, tiểu tiện rít và đau; Đây là do ở lâu nơi ẩm ướt hoặc làm nghề sông nước, thấp từ bên ngoài xâm phạm, ứ đọng không thoát được, uất lại lâu ngày hóa nhiệt, hoặc ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt làm tổn thương Tỳ Vị, thấp từ trong sinh ra, nung nấu tích nhiệt, thấp với nhiệt ngấm vào gân mạch gây nên bệnh; Điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp, cho uống gia vị Nhị diệu tán (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc)gia giảm.

– Trong Tý chứng xuất hiện chứng Thấp nhiệt, đặc điểm chứng trạng là khớp xương sưng đỏ nóng rát, đau không mó vào được, gặp lạnh thì dễ chịu, thường kèm theo phát sốt, ra mồ hôi, sợ gió, khát nước, phiền muộn, tiểu tiện vàng đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt.v.v. đây là do thể trạng vốn dương khí thiên thắng hoặc là ở thể trạng âm hư dương cang, sau khi nhiễm phải trúng phong hàn thấp, gặp Dương hóa nhiệt, lưu chú ở khớp xương kinh lạc gây nên bệnh; Điều trị nên thanh nhiệt thông lạc, khu phong lợi thấp, cho uống bài Tuyên tý thang (Ôn bệnh điều biện) gia giảm.

– Trong Thấp chẩn thuộc bệnh Bì phu nếu xuất hiện chứng Thấp nhiệt, thường có đặc điểm chứng trạng bì phu đỏ bừng, sưng trướng, loét nát, táo bón hoặc đi lỏng, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác v.v. đây là do thấp nhiệt nung nấu ở trong, bên ngoài cảm nhiễm phong tà, phong thấp nhiệt tà kết tụ ở bì phu gây nên; điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp, cho uống Long đởm tả can thang (Lan thất bí tàng) gia giảm.

– Trong các bệnh Thấp ôn, Thử ôn (Bệnh Thử thấp) Phục thử và Ôn dịch (ôn nhiệt dịch) thuộc ngoại cảm nhiệt bệnh có thể xuất hiện chứng Thấp nhiệt chia theo Tam tiêu:

Thấp nhiệt ở Thượng tiêu có các chứng trung ô hàn nặng, phát nhiệt nhẹ, hoặc không phát nhiệt, hoặc phát nhiệt về buổi chiều, đầu nặng như bị bó, thân thể nặng nề, ngực khó chịu, không ra mồ hôi, tinh thần trì trệ, miệng dính không khát, bụng đầy kém ăn, hoặc sôi bụng đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn; Đây là do cảm nhiễm thấp tà, tà khí uất ở cơ biểu làm trở ngại Tỳ khí ở bên trong gây nên bệnh; điều trị theo phép ôn tán biểu thấp, cho uống Hoắc hương chính khí tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương). Nếu hiện tượng nhiệt đã rõ ràng, điều trị theo phép tuyên hóa thấp nhiệt, cho uống bài Hoắc phác hạ linh thang (Y nguyên).

Thấp nhiệt ở Trung tiêu có các chứng trạng mình nóng khó chịu hoặc ra mồ hôi thì nhiệt lui, tiếp đó phát nhiệt trở lại, hoặc về chiều phát nhiệt nặng, chân tay mình mẩy nặng nề, ngực bụng bĩ đầy, nôn mửa, không biết đói, khát nước không muốn uống, sắc mặt úa vàng mặt mắt vàng nhạt, tinh thần ngơ ngác biếng nói, thậm chí tinh thần lơ mơ không tinh táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện nhão mà khó đi, hoặc nổi Bạch bồi, rêu lưỡi trắng sạm sen vàng, mạ; Đây là thấp nhiệt từ Thượng tiêu truyền xuống hoặc do cảm nhiễm tà khí thử thấp làm tổn thương Tỳ Vị ở trong gây nên; Điều trị nên thanh hóa thấp nhiệt, cho uống bài Cam lộ tiêu độc đan (Ôn nhiệt Kinh vĩ); Nếu đàm che lấp thanh khiếu, thần thức lơ mơ, điều trị theo phép quét đàm khai khiếu, cho uống Xương bồ uất kim thang(Ôn bệnh toàn thư).

Thấp nhiệt ở Hạ tiêu thường biểu hiện chứng trạng tiểu tiện long bế, khát nhưng không uống nhiều, hoặc đại tiện không thông, bụng dưới rắn đầy, đầu trướng nặng nề, thần thức hôn mê, rêu lưỡi trắng sạm vàng nhớt, mạch Nhu Sác; Đây là do tả khí thấp nhiệt truyền vào Hạ tiêu, ngăn trệ giữa Bàng quang và Đại trường khiến Bàng quang mất chức năng khí hóa, Phủ khí ở Đại trường không thông gây nên bệnh; Điều trị nên đạm thấm phán thanh, cho uống bài Phục linh bì thang (Ôn bệnh điều biện)hoặc khơi đục (Trọc) hành trệ, cho uống bài Tuyên thanh đạo trọc thang (Ôn bệnh điều biện).

Có thể thấy chia chứng theo Tam tiêu như trên là thông qua thấp nhiệt làm hại người từng bộ vị Tạng Phủ và có thứ tự trước sau, vạch ra ba bộ phận thượng, trung, hạ, đồng thời cũng là ba giai đoạn sơ, trung, mạt của bệnh thấp nhiệt. Rõ ràng là tự có hệ thống lý luận, ý nghĩa của nó với loại Thấp nhiệt tạp bệnh không hoàn toàn giống nhau. Tóm lại, chứng hậu tuy thuộc thấp nhiệt, nhưng trong tật bệnh khác nhau, biểu hiện chứng trạng đều có đặc điểm riêng; lâm sàng có thể căn cứ vào những đặc điểm nói trên mà phân tích cụ thể.

Mặt khác, chứng Thấp nhiệt hay phát sinh về mùa Hạ, Thu, lượng mưa khá nhiều, thấp khí khá thịnh, người Tỳ Vị hư yếu rất dễ nhiễm bệnh. Phụ nữ bị chứng thấp nhiệt, biểu hiện chủ yếu là khí hư trắng nhiều mà dính, có mùi tanh hôi, sắc vàng có lẫn máu; Điều trị nên áp dụng tinh thần “nhân nhân chế nghi”.

Thấp là âm tà. Nhiệt là dương tà. Hai thứ quấn quýt với nhau, rất khó tháo gỡ. Đặc biệt là bệnh thấp nhiệt thời gian dằng dai ở Trung tiêu khá dài, biến hóa khá nhiều, ở đây là thấp khí khôn Tỳ có liên can tới Tỳ không vận hóa. Nói chung vấn đề chuyển quy có thể chia làm hai tình huống theo dương hóa nhiệt hoặc theo âm hóa hàn:

Theo dương hóa nhiệt là do thể trạng người bệnh dương khí vốn thịnh, hoặc loại hình chứng hậu là nhiệt nặng hơn thấp, hoặc trong quá trình điều trị dùng quá nhiều thuốc ôn táo, đến nỗi thấp tà lui dần mà nhiệt tà mạnh thêm, cuối cùng hóa ra táo nhiệt.

Theo âm hóa hàn do thể trạng người bệnh vốn dương hư, hoặc loại hình chứng hậu thuộc thể thấp nặng hơn nhiệt, hoặc là trong quá trình điều trị dùng quá nhiều thuốc đắng lạnh, khắc phạt dương khí, đến nỗi thấp tà không lui mà nhiệt lui dần, cuối cùng phát triển thành chứng Hàn thấp.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Thấp trở với chứng Thấp nhiệt: cả hai đều thuộc phạm vi bệnh Thấp. Theo lý luận mà bàn, chứng Thấp nhiệt phần nhiều là cảm nhiễm trực tiếp tà khí thấp nhiệt hoặc ăn uống không sạch, thích ăn thức cay nóng béo ngọt làm tổn thương Tỳ Vị, Tỳ không vận hóa, thủy thấp ứ đọng ở trong, uất lại hóa nhiệt; Thấp và Nhiệt câu kết gây nên bệnh. Nhiệt ở trong Thấp, Thấp với nhiệt nung nấu cho nên mình nóng khó chịu, về chiều nhiệt nặng hơn. Thấp nhiệt nghẽn trở, khí cơ không thông, thăng giáng thất thường, cho nên ngực bụng bĩ đầy, nôn lợm và không đói không ăn được. Nhiệt làm hại tân dịch, thấp thắng nhiệt, cho nên miệng khát mà không muốn uống nhiều hoặc không khát. Thấp uất nhiệt nung nấu Can Đởm, Đởm chấp tràn ra ngoài cho nên mặt mắt có mầu vàng. Thấp nhiệt ngăn trệ Hạ tiêu, khí không lưu thông, cho nên tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện nhão khó đi; Phụ nữ thì thấy đới hạ đặc dính, uế trọc mùi hối.

Thấp trở là thấp tà ngăn trở ở Trung tiêu, cho nên biểu hiện lâm sàng chủ yếu là toàn thân nặng nề yếu sức, ngực bụng trướng đầy, miệng nhạt và nhớt, không thiết uống ăn, tiểu tiện sẻn ít và rêu lưỡi dày nhớt. Có thể thấy chứng Thấp nhiệt có hiện tượng Nhiệt. Chứng Thấp trở không có hiện tượng nhiệt… Đây là căn cứ để chẩn đoán phân biệt.

Chứng Hàn thấp với chứng Thấp nhiệt, cả hai đều thuộc phạm trù thấp tà gây bệnh. Hàn thấp phần nhiều thuộc Tỳ dương không mạnh không vận hóa được thủy thấp đến nỗi thấp theo hàn hóa, bên trong sinh ra hàn thấp, có các chứng trạng bụng đầy, đại tiện lỏng, hoặc là đàm ẩm, thủy thũng.v.v Chứng Thấp nhiệt phần nhiều do trực tiếp cảm nhiễm ngoại tà thấp nhiệt, hoặc ăn nhiều đồ béo ngọt, Vị hỏa quá mạnh, mà thấp theo nhiệt hóa. Chứng Hàn thấp với chứng Thấp nhiệt khác nhau ở chỗ chứng Hàn thấp có hiện tượng Hàn, mà chứng Thấp nhiệt có hiện tượng Nhiệt.

Trích dẫn y văn

– Lỵ tật phần nhiều tổn thương do ăn uống, thấp với nhiệt chống trọi nhau. Nếu lý cấp hậu trọng, mình không phát nhiệt, ăn uống như thường đó là Chân lỵ vậy. Là do Tỳ-Vị hữu dư, điều trị trước nên sơ thông, sau đó dùng Hoàng cầm thược dược thang để điều lý (Lỵ- thận trai di thư).

– Chứng Hoàng đản, lòng mắt trắng vàng, lan toả dẫn đến bì phu đều thấy sắc vàng. Đây là thấp nhiệt chèn ép gây nên, thấp nung nấu, nhiệt bị uất mà thành sắc vàng. Nhưng cái mầu vàng của thấp nhiệt nó vàng như trái quất chín, đó là màu sắc sáng lóang của hỏa khí, gọi là Dương hoàng… Chứng Dương hoàng, cho uống bài Chi tử bá bì thang. Nếu táo bón không thông, nên uống Nhân trần Đại hoàng thang… Trường hợp có tổn hại vì thương thực, gọi là Cốc Đản; Nếu bị thương do Rượu, gọi là Tửu đản; Ra mồ hôi như nhuộm áo gọi là Hoàng hãn… Đều thuộc loại Dương hoàng. (Hoàng đản – y học tâm ngộ)

– Bị bệnh do thấp nhiệt thì các khớp tay chân đau, vai lưng nặng nề, Hung cách khó chịu, thấp nhiệt dồn xuống thì ống chân phù nề, cho uống bài Đương quy niêm thống thang (Thấp chứng – Chứng trị vậng bổ).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận