[Chứng trạng] Can âm hư

Chứng Can âm hư là một nhóm chứng trạng do âm huyết của Can bất túc, mất sự nhu nhuận, gân mạch không được nuôi dưỡng, hoặc âm không chế dương, hư nhiệt từ trong sinh ra gây nên bệnh; Phần nhiều do mất huyết quá nhiều, ốm lâu hao tổn, cướp đoạt Can âm gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau đầu chóng mặt, mắt khô sợ ánh sáng, hai mắt tối xầm, hoặc quáng gà, tai ù sườn đau, tâm phiền hay cáu giận, móng tay chân không nhuận hoặc bắp thịt máy động thậm chí vùng mặt có cảm giác nóng bừng, miệng ráo họng khô, gò má và môi đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt mồ hôi trộm, mất ngủ hay mê, lưỡi đỏ tía ít rêu, mạch Huyền Tế Sác. Phụ nữ có thể có chứng trạng kinh nguyệt ra muộn, lượng ít hoặc bế kinh.

Chứng Can âm hư thường gặp trong các bệnh Hiếp thống, Huyên vậng, Đầu thống, Hư lao, Nội thương phát nhiệt, Hãn chưng, Bất mị, Bạch tình sáp thống, Thanh manh, Cao phong tước mục và Kinh nguyệt ra muộn, Bế kinh, Băng lậu v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận âm hư, chứng Âm hư dương cang, chứng Can hỏa thượng viêm, chứng Can Thận âm hư.

Phân tích

Chứng Can âm hư là chứng hậu thường gặp trong lâm sàng cũng có thể xuất hiện trong nhiều tật bệnh khác.

Bệnh Hiếp thông (đau sườn) xuất hiện chứng Can âm hư, có đặc điểm chứng trạng là đau sườn âm ỉ, dằng dai không dứt, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Tế mà Sác, đó là âm huyết của Can bất túc, không nuôi dưỡng kinh mạch mà thành bệnh. Mục Hiếp thống thống luận sách Kim quĩ dực có nói: “Nói Can hư tức là nói Can âm hư; Âm hư thì mạch đi gấp gáp; mạch của Can qua Cách và giải ra ở liền sườn, âm hư huyết ráo thì kinh mạch mất sự nuôi dưỡng gây nên đau”. Điều trị nên dưỡng âm như Can, cho uống bài Nhất quán tiễn (Liễu châu Y thoại).

Nếu các bệnh Huyễn vậng, Đầu thống xuất hiện chứng Can âm hư, thì có đặc điểm chứng trạng là đầu quay quắt không muốn mở mắt, đau đầu liên miên, tai ù như ve kêu, phần nhiều do Can âm bất túc, thanh khiếu không được nuôi dưỡng gây nên; Điều trị nên tư âm dưỡng Can, cho uống bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn (Y cấp) gia giảm.

Trong bệnh nội thương phát nhiệt xuất hiện chứng Can âm hư, thường có chứng triều nhiệt vào buổi chiều và ban đêm, hoặc lòng bàn tay chân nóng, miệng đắng họng khô, phiền táo không yên; Đây là do Can âm bất túc, âm không chế dương, hư nhiệt từ trong gây nên; điều trị nên tư âm dưỡng Can thanh nhiệt, cũng có thể áp dụng Nhất quán tiễn gia giảm.

Trong Hãn chứng xuất hiện chứng Can âm hư, phần nhiều ra mồ hôi trong khi ngủ, tỉnh dậy thì cầm ngay, hư phiền kém ngủ, sợ sệt không yên; Đây là do Can âm bất túc, âm khuy hỏa vượng, âm không giữ gìn ở trong gây nên bệnh; mục Hãn chứng sách Y học chính truyền có viết: “Đạo hãn là trong khi ngủ mồ hôi vã ra như tắm, tinh dậy mới biết, thuộc Âm hư, chủ yếu là do vinh huyết”; Điều trị nên tư âm giáng hỏa liãn, có thể cho uống Đương qui Lục hoàng thang (Lan thất bí tàng) gia giảm.

Chứng Can âm hư xuất hiện trong bệnh Hư lao, ngoài những chứng trạng gầy còm, sắc mặt đỏ bừng, móng tay chán không tươi, chân tay tê dại hoặc cơ bắp máy động, thường kiêm cả chứng trạng hư tổn của các Tạng Phủ khác, vả lại bệnh tình kéo dài, dằng dai khó khỏi, phần nhiều do âm huyết ở Can bất túc, gân mạch không được nuôi dưỡng gây nên. Sách Y tông Kim giám viết: “Hai bên sườn đau lan toả tới vừng ngực, gân lỏng lẻo không đi được là chứng Can lao” nói lên đặc điểm của chứng này; điều trị nên tư bổ Can âm, cho uống bài Bổ Can thang (Y tông kim giám).

Bệnh thuộc Nhãn khoa xuất hiện chứng Can âm hư, phần nhiều xuất hiện trong các bệnh tròng trắng mắt khô đau, cao phong tước mục, và thanh manh, chứng trạng đặc điểm là hai mắt khô rít, không sưng không đỏ, sợ ánh sáng chói hoặc quáng gà, nhìn mọi vật không tỏ thậm chí không phân biệt nổi người và vật dần dần đi đến không nhìn thấy gì; Đây là do Can âm bất túc, tinh huyêt suy tổn, mắt không được nuôi dưỡng gây nên. Sách Chư bệnh chứng hậu luận viết: “Mắt là ngoại hậu của Can… nếu chất dịch cạn kiệt thì mắt khô rít”, điều trị nên dưỡng Can sáng mắt, cho uống bài Minh mục địa hoàng thang (Thẩm thị giao hàm).

Trong bệnh Phụ khoa xuất hiện chứng Can âm hư, có những chứng trạng đặc điểm như kinh nguyệt ra muộn, lượng ít, sắc đỏ hoặc hơi nhạt hoặc vài tháng không hành kinh dẫn đến Bế kinh, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Tế v.v… Đây là do Can huyết bất túc, xoang nhãn suy hư, huyết hư không đầy gây nên bệnh; Điều trị nên tư Can điều kinh, có thể dùng Nh tiễn gia giảm.

Can âm bất túc còn có thể xuất hiện trong bệnh Băng lậu, có chứng trạng đặc điểm là hành kinh ra đầm đìa không dứt, lượng nhiều ít không nhất định, sắc đỏ tươi, bụng dưới đau liên miên, lương gối ê ẩm, lòng bàn chân bàn tay nóng; Đây là do Can âm bất túc, Thận tinh suy tổn, âm hư nội nhiệt, nhiệt ẩn náu ở Xung Nhâm, bức huyết đi càn gây nên; Điều trị nên tư bổ Can Thận, điều kinh chỉ băng, cho uống bài Điều Can tán (Hòa tễ cục phương). Tóm lại, vì tật bệnh khác nhau, đặc điểm của chứng Can âm hư cũng không giống nhau, nên tuỳ chứng mà điều trị.

Chứng Can âm hư phần nhiều gặp ở người cao tuổi thể trạng yếu, ốm lâu bị hao mòn hoặc điều trị không kịp thời, điều trị sai lầm, cướp đoạt mất âm dịch; Vì Can là tiên thiên của phụ nữ, đặc điểm lâm sàng chủ yếu là hành kinh ra muộn, hành kinh đau bụng, hoặc bế kinh, kinh nguyệt ra ít ỏi mà giỏ giọt không dứt, thai động không yên hoặc không thụ thai v.v…

Can là tạng chứa huyết, chủ về sơ tiết và ưa điều đạt, cho nên việc cất chứa huyết dịch, sự thư sướng của khí cơ, có quan hệ chặt chẽ với Can.

Trong quá trình diễn biến bệnh cơ, Can âm bất túc, huyết không nuôi Can, Can khí không dễ chịu dẫn đến âm hư Can uất. Trái lại chứng Can uất kéo dài, ngũ chí hóa hoả, cướp đoạt Can âm, cũng có thể làm cho Can âm càng suy. Vả lại Can Thận đồng nguyên, bệnh biến thường có ảnh hưởng lẫn nhau mà hình thành chứng hậu Can Thận âm khuy, vả lại Can Thận âm khuy, thủy không hàm mộc, sự thăng phát của Can Dương thái quá dẫn đến Can dương quá găng; Nếu Can dương thăng lên không kiềm chế được tinh huyết suy kiệt, gân mạch không được nuôi dưỡng thì phong từ trong sinh ra, Can phong nội động, bệnh tình càng trở nên nguy hiểm.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận âm hư với chứng Can âm hư: Can chứa huyết, Thận chứa tinh, tinh huyết cùng một nguồn, biểu hiện lâm sàng hai chứng này khá giống nhau, đều có thể có những chứng trạng ngũ tâm phiền nhiệt, hư phiền không ngủ được, triều nhiệt mồ hôi trộm, hai gò má đỏ, miệng khô họng ráo, chóng mặt hoa mắt v.v…

Theo nguyên nhân bệnh mà bàn, chứng Thận âm hư phần nhiều do phú bẩm bạc nhược, phong lao quá độ, hạ nguyên khuy tổn, hoặc mất huyết hao dịch, hoặc tình chí nội thương hao tổn tinh huyết ngấm ngầm làm tổn thương chân âm mà thành bệnh. Còn chứng Can âm hư phần nhiều từ chứng Can huyết hư phát triển nên, hoặc là Can uất hóa hỏa làm hao tổn Can âm ngấm ngầm cho đến ốm làu ngày cướp đoạt chân âm gây nên bệnh; Can khai khiếu lên mắt, Can âm bất túc không nuôi dưỡng được khiếu của nó cho nên hai mắt khô rít, mắt trông không tỏ hoặc quáng gà. Can chủ gân, vẻ tươi đẹp ở móng tay chân, sườn là nơi Can đi qua, nếu âm dịch của Can bất túc không nuôi dưỡng được gân mạch, móng tay chân và kinh lạc thì chân tay tê dại, cơ bắp thịt máy động, móng tay chân không tươi, sườn đau âm ỉ, khác với chứng Thận âm hư, Thận chủ xương sinh tủy, răng là phần thừa của xương, lưng là phủ của Thận, Thận âm bất túc, bể tủy rỗng không, các khớp xương không được nuôi dưỡng thì chóng mặt ù tai, hay quên, hai chân yếu liệt, gót chân đua, tóc rụng răng lung lay, lưng gối ê ẩm. Chứng Can ám hư, vị trí mắc bệnh ở Can mạch Huyền Tế Sác. Chứng Thận âm hư, vị trí mắc bệnh ờ Thận mạch Trầm Tế hoặc Trầm Tế Sác. Đấy là cơ sở chẩn đoán phân biệt.Chứng Âm hư dương cang với chứng Can âm hư: Can là cương tạng thể âm mà dụng dương. Chứng Âm hư dương cang phần nhiều do Can Thận âm hư, thủy không hàm mộc, hoặc Can khí uất kết, lâu ngày hóa hỏa, hun đốt Can âm, Can dương cang nghịch lên trên mà thành bệnh. Can dương bùng lên đột ngột, quấy rối thanh không ở trên cho nên đầu trướng chóang váng muốn ngã, đầu nặng chân nhẹ, vả lại có khi do mệt nhọc cáu giận mà dụ phát, bệnh phát sinh nhanh chóng và có đặc điểm là bệnh tình khá nặng. Vì dương trôi nổi ở trên thì mặt hồng mắt đỏ, chất lưỡi đỏ tía, ít rêu, mạch Huyền Tế Sác hoặc Huyền cứng có lực hoặc có thể kèm theo chứng hậu Can Thán âm hư. Còn chứng Can âm hư thì chủ yếu là do âm dịch của bản thân tạng Can bị suy hư; Âm dịch bất túc, thanh khiếu không được nuôi dưỡng nên nhức đầu liên miên, chóng mặt không muốn hé mắt, bệnh tình tiến triển khá chậm chạp, hai mắt khô rít, không đỏ không dưng, sườn đau âm ỉ, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Tế Sác.

Chứng Âm hư dương cang phần nhiều thuộc bản (gốc)hư tiêu (ngọn) thực, mà Can âm hư là bản, dương cang lên trên là tiêu. Chứng Can âm hư là bản hư, không có hiện tượng tiêu thực. Mấu chốt chẩn đoán phân biệt là ở chỗ đó.

Chứng Can Thận âm hư với chứng Can âm hư: Can Thận đều ở vị trí hạ tiêu. Thận âm bất túc thường có thể dẫn đến Can âm bất túc; Can âm bất túc cũng có thể dẫn đến Thận âm khuy tổn. Cho nên chứng Can Thận âm hư với chứng Can âm hư rất dễ lẫn lộn; cần phân biệt.

Chứng Can âm hư phần nhiều do Can huyết hư phát triển nên, hoặc Can uất hóa hỏa, hao tổn Can âm ngấm ngầm, hoặc ốm lâu hao tổn Can âm gây nên. Chứng Can Thận âm hư thường từ chứng Can âm hư tiến thêm một bước ảnh hưởng tới Thận, hoặc thất tình nội thương, ốm lâu không khỏi, hao thương phần âm của Can Thận gây nên bệnh. Can âm hư lấy ám dịch của Can bất túc làm biểu hiện chứng trạng. Còn chứng Can Thận âm hư thì không chỉ có chứng trạng của Can âm hư, mà còn xuất hiện cả chứng trạng Thận âm bất túc như lưng và cột sống đau mỏi, bắp chân và gót chân đau, răng lung lay, rụng tóc, di tinh tảo tiết và phụ nữ không thụ thai. Chẩn đoán phân biệt hai chứng này không khó.

Chứng Can hỏa thượng viêm với chứng Can âm hư, cả hai đều có thể xuất hiện hiện tượng nhiệt, đều có thể có các chứng trạng chóng mặt, đau đầu, ù tai, đau sườn, mạch Sác v.v… Nhưng bệnh nhân và bệnh cơ hai chứng này khác nhau. Chứng Can hỏa thượng viêm phần nhiều do có đặc điểm chứng trạng là Can uất hóa hỏa, Can khí nghịch lên gây nên. Bởi vì tính của hỏa là bốc lén quấy rối thanh khiếu, cho nên có các chứng trạng đầu trướng đau, nặng hơn thì đầu đau như muốn vỡ, tai ù như nghe đợt sóng, phần nhiều phát sinh đột ngột hoặc bỗng dưng tai không nghe được gì. Khác với nguyên nhân gáy bệnh của chứng Can âm hư, có chứng trạng đặc trưng là đau đầu liên miên, tai như có tiếng ve kêu, ấn mạnh tay thì đỡ.

Chứng Can hỏa bốc lên do Can kinh có uất nhiệt, có các chứng trạng sườn đau rát, miệng khát thích uống, mắt đỏ sưng đau, miệng đắng họng khô, khí hỏa bốc lên bức huyết đi càn, có thể xuất hiện các chứng xuất huyết như thổ ra huyết, mũi đổ máu. Chứng Can âm hư là do âm dịch bất túc, đường lạc và các khiếu không được nuôi dưỡng, cho nên thấy đau sườn âm ỉ, mắt khô rít, miệng khô không muốn uống. Chứng Can hỏa bốc lên lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác có lực thuộc Thực nhiệt. Chứng Can âm hư có chứng lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Tế hoặc Huyền Sác Tế, thuộc Hư nhiệt; chẩn đoán phân biệt không khó khăn.

Y văn trích dẫn

Bệnh của Can, đau dưới sườn lan tỏa tới bụng dưới, khiến người ta hay giận; Can hư thì mắt lờ mờ không thấy gì, tai không nghe được gì, hay giận, như có người sắp đến bắt… Khí nghịch thì đau đầu, tai điếc, má sưng (Tạng khí pháp thời luận – Tố Vấn).

Can khí bất túc, thì mắt mờ không tỏ, hai bên sườn đau căng, rút gân, thở dài, móng tay chân khô ròn, mặt tái, hay buồn hay sợ như có người sắp đến bắt; Đó là Can khí hư, điều trị nên theo phép Bổ (Chư bệnh nguyên hậu luận, quyển 15).

Chứng trạng Can hư, mặt tái xanh hay cáu giận, bên trái rốn có động khí, ấn vào căng và đau, không muốn ăn uống, rầu rĩ không vui, sợ sệt như có người sắp đến bắt, mạch phía trên quan bộ tay phải có hiện tượng âm hư, đó là hậu về bệnh Can (Thánh tế tổng lục, quyển 41).

Thận chứa tinh, Can chứa huyết, người ta tinh huyết điều hòa thì Can Thận khí đầy đủ, làm tốt lên tai mắt, cho nên tai mắt thông minh, nghe và nhìn rõ ràng. Nếu tinh huyết suy hao, hai Tạng hư tổn, thì thần thủy không thanh, thị lực yếu, cho nên mắt tối xầm (Thánh tế tổng lục – quyển 102).

Hay ngáp và mặt đỏ, phần nhiều là do Gân và Can hoả. Hay ngáp mà mặt tái và sợ sệt là bệnh ở Tâm Can cùng xuất hiện; mặt đỏ và nhiều nước mắt là có tích nhiệt. Đầu chóang váng không cúi nhìn được là Can hỏa; Huyết khô tóc dựng đứng là Can hư; Mắt không tỏ sợ ánh sáng là Can Thận cùng mắc bệnh (Tế chẩn quyết vi – qển 3).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận