[Châm cứu học thuật] Cứu Trong Châm Cứu: Kĩ Thuật, Thao Tác, Cách Làm

KỸ THUẬT CỨU

Cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt để kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể, nhằm mục đích phòng và trị bệnh.

NHỮNG VIỆC LÀM ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ CỦA CỨU

Thái độ của người thầy thuốc

Cũng như châm, thái độ của người thầy thuốc góp phần làm tăng kết quả của cứu. Cần ôn hòa, nhã nhặn, giải thích cho bệnh nhân hiểu về phương pháp cứu để tránh cho bệnh nhân lo lắng vô ích.

Chọn tư thế người bệnh

Nguyên tắc để chọn tư thế người bệnh:

Huyệt được cứu phải hướng lên trên, mặt da nằm ngang.

Tư thế được chọn phải tạo được sự thoải mái cho người bệnh trong suốt thời gian cứu.

PHƯƠNG TIỆN

Thường dùng ngải nhung (phần xơ của lá cây ngải cứu đã phơi khô, vò nát, bỏ cuống và gân lá). Có hai cách cứu khi dùng ngải nhung: điếu ngải và mồi ngải.

Điếu ngải: dùng ngải nhung quấn thành điếu lớn đốt rồi hơ trên huyệt.

Mồi ngải: dùng 3 ngón tay chụm và ép chặt một ít ngải cứu cho có hình tháp, đặt trực tiếp hay gián tiếp lên huyệt và đốt từ trên xuống. Cách này ít dùng.

Những thầy thuốc châm cứu ngày nay còn sử dụng đèn hồng ngoại để cứu ấm (thường một vùng với nhiều huyệt).

CỨU BẰNG ĐIẾU NGẢI

Có 3 cách cứu trực tiếp với điếu ngải và một cách cứu gián tiếp (cứu nóng).

Cứu điếu ngải để yên (cứu ấm )

Đốt đầu điếu ngải, hơ trên huyệt, cách da độ 2cm. Khi người bệnh thấy nóng thì cách xa dần ra, đến mức nào người bệnh thấy nóng ấm và dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách đó cho đến khi vùng da được cứu hồng lên là được (thường khoảng 10 – 15 phút). Khi cứu nên dùng ngón tay út, đặt lên da làm điểm tựa để cố định khoảng cách đầu điếu ngải với da.

Cách cứu này dùng cho mọi chỉ định của cứu.

Cứu xoay tròn

Đặt diếu ngải cách da 1 khoảng đủ thấy nóng ấm, rồi từ từ di chuyển điếu ngải theo vòng tròn, từ hẹp tới rộng. Khi người bệnh thấy nóng đều vùng định cứu là được. Thường kéo dài khoảng 20-30 phút. Cách cứu này Hình 8.1Cứu xoay tròn hay dùng để chữa các bệnh ngoài da.

Cứu điếu ngải lên xuống (cứu mổ cò)

Đưa đầu điếu ngải lại gần sát da (người bệnh có cảm giác nóng rát) rồi lại kéo điếu ngải xa ra, làm như thế nhiều lần, thường cứu trong khoảng 2-5 phút.

Cách cứu này thường dùng cho chứng thực và trong chữa bệnh cho trẻ em.

Cứu nóng còn gọi là cứu gián tiếp bằng điếu ngải: hơ điếu ngải lên vùng da thông qua một lát gừng, lát tỏi hoặc một nhúm muối trên da.

CỨU BẰNG MỒI NGẢI

Cứu bằng mồi ngải có hai phương pháp khác nhau: cứu trực tiếp và cứu gián tiếp

Cứu trực tiếp: gồm 2 loại

Cứu bỏng: hiện nay ít được dùng.

Cứu ấm: thường dùng mồi ngải to.

Đặt mồi ngải vào huyệt và đốt. Khi mồi ngải cháy được 1/2, người bệnh có cảm giác nóng ấm thì nhấc ra và thay bằng mồi ngải thứ 2, thứ 3 theo y lệnSau khi cứu xong, chỗ cứu thấy ấm và có quầng đỏ.

Cứu gián tiếp

Đây là cách cứu có dùng lát gừng, lát tỏi,…. đặt vào giữa da và mồi ngải, thường được dùng trong cách cứu ấm. Cách cứu này thường dễ gây biến chứng bỏng hơn cách cứu trực tiếp, cần chú ý để phòng tránh.

Khi mồi ngải cháy được 2/3 thì thay mồi ngải khác lên mà cứu, cho đến khi da chỗ cứu hồng nhuận lên thì đạt.

Hình thức cứu này (theo Đông y) là hình thức phối hợp hai tác dụng điều trị với nhau (tác dụng của châm cứu và tác dụng dược lý của dược vật sử dụng kèm như gừng, tỏi, muối…). Do đó tùy theo bệnh mà chọn loại này hay loại khác để lót mồi ngải.

CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH CỦA CỨU

Chỉ định

Các bệnh lý hoặc rối loạn thuộc thể "Hàn" theo Đông y.

Thường hay sử dụng trong những trường hợp huyết áp thấp, tiêu chảy kèm ói mửa, tay chân lạnh, các trường hợp đau nhức tăng khi gặp thời tiết lạnh.

Chống chỉ định

Các bệnh lý hoặc rối loạn thuộc thể "Nhiệt" của Đông y.

Cần đặc biệt chú ý khi cứu những vùng liên quan đến thẩm mỹ, đến hoạt động chức năng như vùng mặt, các vùng gần khớp (sợ làm bỏng sẽ gây sẹo co rút).

TAI BIẾN XẢY RA VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

Bỏng: tổn thương bỏng trong cứu thường nhẹ (độ I hay độ II).

Xử trí: tránh không làm vỡ nốt phồng.

Phòng ngừa: để tay thầy thuốc gần chỗ cứu để biết mức độ nóng.

Những điểm cần chú ý khi thực hiện kỹ thuật cứu

Thầy thuốc châm cứu phải rèn luyện thái độ hòa nhã, nghiêm túc, vui vẻ, coi trọng người bệnh khi thực hiện thủ thuật.

Thầy thuốc châm cứu phải chọn tư thế bệnh nhân sao cho vùng được cứu được bộc lộ rõ nhất (tốt nhất là vùng được cứu phải hướng lên trên, mặt da nằm ngang) và bệnh nhân phải hoàn toàn thoải mái trong suốt thời gian lưu kim. Có tất cả 7 loại tư thế ngồi và 3 tư thế nằm khác nhau để thầy thuốc chọn lựa.

Có hai cách cứu cổ điển (dùng ngải nhung): điếu ngải và mồi ngải.

Những cách cứu với điếu ngải:

Cứu trực tiếp: cứu ấm, cứu xoay tròn (chữa bệnh ngoài da), cứu mổ cò (cứu tả và cho trẻ em).

Cứu gián tiép với gừng, tỏi, muối.

Những cách cứu với mồi ngải: trực tiếp và gián tiếp.

Những cách cứu gián tiếp là hình thức phối hợp hai tác dụng điều trị với nhau (tác dụng của châm cứu và tác dụng dược lý của dược vật sử dụng kèm).

Cứu được chỉ định cho những bệnh lý hàn, cũng thường dùng cho những bệnh lý hư.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận