Huyệt Vân Môn: vị trí, cách xác định, chủ trị, cách châm cứu

HUYỆT: Vân Môn

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Vân chỉ hơi nước; Môn là nơi ra vào. Nơi con người, Phế khí gống như hơi nước ra vào qua cửa, vì vậy gọi là Vân Môn (Trung Y Cương Mục).

XUẤT XỨ

Thiên ‘Thủy Nhiệt Huyệt’ (Tố Vấn 61).

VỊ TRÍ

Bờ dưới xương đòn gánh, nơi chỗ lõm ngang cơ ngực to, giữa cơ Delta, nơi có gian sườn 1, cách đường ngực 06 thốn, trên huyệt Trung Phủ 1,6 thốn.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 2 của kinh Phế.

• Nơi phát ra mạch khí của kinh Phế.

TÁC DỤNG

Tuyên thông Phế khí.

CHỦ TRỊ

Trị ho, suyễn, ngực đầy tức, lưng đau.

CHÂM CỨU

Châm thẳng hoặc xiên, sâu 0,5 – 1 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là rãnh Delta ngực, cơ ngực to, cơ Delta, cơ dưới đòn, cơ răng cưa to và các cơ gian sườn 1.

• Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh mũ, dây thần kinh dưới đòn, dây thần kinh răng to của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Khuyết Bồn (Vi.12) trị vai đau không đưa lên cao được (Giáp Ất Kinh).

2.Phối Ẩn Bạch (Ty.1) + Hồn Môn (Bq.47) + Kỳ Môn (C.14) + Phế Du (Bq.13) + Trung Phủ (P.1) trị vai đau (Thiên Kim Phương).

3.Phối Bỉnh Phong (Ttr.12) trị vai đau (Tư Sinh Kinh).

4.Phối Chi Câu (Ttu.6) + Cực Tuyền (Tm.1) + Thiên Trì (Tb.1) + Trung Phủ (P.1) trị cơ nhục bị phong thấp (Châm Cứu Học Thủ Sách).

THAM KHẢO

• Thiên Thủy Nhiệt Huyệt Luận ghi: “Vân Môn (P.2) + Ngung Cốt (Kiên Ngung – Đtr.15) + Ủy Trung (Bq.40) + Tủy Không (Yêu Du – Đc.2), 8 huyệt này để tả nhiệt ở tứ chi (Tố Vấn 61, 19). “Thường phối hợp huyệt Vân Môn và Du Phủ (Th.27), vì Vân Môn là nơi phát ra mạch khí của kinh thủ Thái Âm Phế, Du Phủ là nơi phát ra mạch khí của kinh túc Thiếu Âm Thận. Cả hai đều nằm ở phía trên cao của ngực, tuy nhiên đường vận hành kinh mạch của hai kinh này không giống nhau. Kinh Phế đi từ ngực ra cánh tay, kinh Thận đi từ chân lên ngực. Kinh đi ở tay thì tuyên thông phần trên, kinh đi ở chân có tác dụng liễm, giáng. Trường hợp ho kèm thở gấp thì lấy Phế làm ngọn (tiêu) và Thận làm gốc (bản). Phế và Thận cùng bị bệnh, Phế bị tà khí xâm nhập thì ho, trong khi đó, Thận hư không nạp được khí, vì khí không quy về gốc mà lại đi nghịch lên trên gây ra suyễn. Do đó, chọn huyệt Vân Môn để tuyên thông Phế khí, tuyên sướng khí ở ngực, giáng nghịch khí. Chọn Du Phủ và bổ Thận, nạp khí, giữ xụng khí lại, giáng nghịch khí. Phối hợp thêm huyệt Nhũ Căn (Vi.18) để làm yên được xung khí, làm cho xung khí thuận theo khí của kinh dương, hỗ trợ cho huyệt Vân Môn trong việc tuyên khí và giáng khí, hỗ trợ cho huyệt Du Phủ trong việc liễm khí và nạp khí” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận