Trúc Tân
Tên Huyệt Trúc Tân:
Trúc = chắc chắn, ý chỉ ngôi nhà vững chắc. Tân = bắp chân.
Huyệt ở ngay dưới chỗ cứng của bắp chân, có nhánh nối bắp chân với đầu gối, vì vậy, gọi là Trúc Tân (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Chuyên Trường, Thoái Đổ, Trúc Tẩn.
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính Huyệt Trúc Tân:
Huyệt thứ 9 của kinh Thận.
Huyệt Khích của Âm Duy Mạch.
Một trong 14 yếu huyệt của ‘Châm Cứu Chân Tuỷ’ (Nhật Bản) chủ về giải độc toàn thân.
Vị Trí Huyệt Trúc Tân:
Trên huyệt Thái Khê (Th.3) 5 thốn, sau bờ trong xương chày 2 thốn, khe giữa gân gót chân và cơ dép.Giải Phẫu: Dưới da là khe giữa gân gót chân và cơ dép, cơ duỗi dài các ngón chân, cơ chầy sau, màng gian cốt.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.
Chủ Trị Huyệt Trúc Tân:
Trị cơ bắp chân co rút, thắt lưng đau, động kinh, tâm thần phân liệt, Thận viêm, tiểu bí.
Phối Huyệt:
1. Phối Thiếu Hải (Tm.3) trị nôn mửa, chảy nước dãi (Tư Sinh Kinh)
2. Phối Phục Lưu (Th.7) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thận Du (Bàng quang.23) trị Thận viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
3. Phối Phi Dương (Bàng quang.58) + Phục Lưu (Th.7) + Quy Lai (Vị 29) + Trung Cực (Nh.3) trị nhiễm trùng đường tiểu (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm Cứu Huyệt Trúc Tân:
Châm thẳng 1 – 1, 5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng – Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
Thiên ‘Điên Cuồng’ ghi: “Bị nội bế sẽ làm cho không đi tiểu được do quyết nghịch, châm huyệt của kinh Túc Thiếu Âm (Dũng Tuyền (Th.1) + Trúc Tân) và Thái Dương (Ủy Dương (Bàng quang.39) + Bộc Tham (Bàng quang.61) + Kim Môn (Bàng quang.63) + Phi Dương [Bàng quang.58]) cùng với huyệt ở xương cùng (Trường Cường – Đc.1), dùng kim Trường Châm (Linh khu 22, 39).
Xem thêm: Các huyệt trên Kinh túc thiếu âm thận