Leishmaniasis
Đây là một bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania – một đơn bào thuộc lớp trùng roi, sống ký sinh trong tế bào của hệ võng mô, gây nhiễm bệnh cho con người qua trung gian truyền bệnh là muỗi cát plebotomus – một loài muỗi rất nhỏ, kích thước khoảng 3mm, chỉ muỗi cái hút máu ký chủ và đốt rất đau. Muỗi đốt người cả trong và ngoài nhà, thời gian hoạt động chủ yếu là từ lúc chiều tối đến sáng hôm sau. Bệnh gặp ở hơn 90 quốc gia vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và miền nam châu Âu, thường phổ biến ở nông thôn hơn thành thị.Ở Việt Nam đã từng phát hiện 3 bệnh nhân mắc bệnh này tại Quảng Ninh vào năm 2001. Bệnh Leishmaniasis được xem như là một bệnh nhiệt đới đang bị lãng quên nhưng gần đây lại được chú ý sau khi xuất hiện tại châu Âu do làn sóng di cư của người tị nạn Syria. Khi bị muỗi cát mang ký sinh trùng Leishmania đốt, người lành sẽ bị truyền ký sinh trùng và mắc bệnh Leishmaniasis. Ở người, có nhiều hình thức khác nhau của Leishmaniasis, phổ biến nhất là Leishmaniasis da, gây lở loét da và Leishmaniasis nội tạng, làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng (thường là lách, gan và tủy xương), có thể đe dọa tính mạng. Bệnh thường phát triển trong vòng nhiều tháng (đôi khi nhiều năm) sau khi muỗi cát đốt. Đặc trưng bởi những cơn sốt bất thường, sụt cân, gan to, lách to và thiếu máu… Ở một số nơi, các loài động vật bị bệnh (các loài gặm nhấm, chó…) duy trì nguồn lây nhiễm trong tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới, người bệnh là nguồn lây chủ yếu. Đây là hình thức lây truyền người – muỗi – người, ở những vùng này, điều trị triệt để các bệnh nhân có thể giúp kiểm soát sự lây lan của ký sinh trùng.
Vết lở loét trên da do muỗi cát truyền trong bệnh Leishmaniasis.
Sốt thung lũng Rift (RVF)
Đây là bệnh lây lan do Phlebovirus, thuộc họ Bunyaviridae qua muỗi truyền nhưng không truyền từ người này sang người khác. Có rất nhiều loài muỗi khác nhau như Aedes, Anopheles, Culex, Eretmapodites, Mansonia… có thể đóng vai trò trung gian truyền bệnh.Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện ở những nơi có mặt của những loài muỗi này rất phổ biến. Đặc biệt, loài muỗi Aedes có thể nhiễm virut do đốt máu gia súc bị bệnh, sau đó nó có thể truyền virut qua trứng và trứng của loại muỗi này có khả năng tồn tại vài năm trong điều kiện thời tiết khô ráo, chờ đến mùa mưa sẽ nở thành muỗi con mang mầm bệnh. Chính vì đặc điểm này, virut có thể tồn tại lâu dài trong tự nhiên và gây khó khăn cho việc loại trừ nguồn gây bệnh. Ngoài ra, virut có thể xâm nhập vào cơ thể con người để gây bệnh qua các vết thương hở nếu người tiếp xúc trực tiếp với gia súc và sản phẩm của gia súc bị bệnh như thịt, máu, dịch thể, nội tạng… hoặc uống sữa tươi có mầm bệnh chưa được tiệt trùng hay hít phải mầm bệnh virut bay lơ lửng ngoài không khí. Khi mắc bệnh này, biểu hiện ban đầu thường nhầm lẫn với bệnh cúm với dấu hiệu sốt đột ngột, đau đầu, đau cơ, đau lưng.Bệnh sốt thung lũng Riff có tiến triển gây xuất huyết nội, suy gan, viêm não và mù lòa. Tỷ lệ tử vong do bệnh chỉ là 1% nhưng lại tăng lên đến 50% nếu chảy máu xảy ra.
Sốt Oropouche
Virut oropouche được truyền sang người do muỗi Culex đốt với phạm vi phân bố còn rộng hơn muỗi Acedes gây bệnh Zika hay muỗi cát làm lây lan bệnh Leishmaniasis. Điều này gây mối lo ngại về sự lan tràn dịch sốt oropouche từ vùng Amazon sang Nam Mỹ. Virut oropouche thường gây sốt kèm theo hiện tượng chán ăn, đau đầu, nôn mửa. Biến chứng thường gặp và đáng lo ngại nhất của bệnh này là viêm màng não
Sốt Mayaro
Khi mắc bệnh này, người bệnh thường có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau nhức và phát ban. Đây là bệnh do muỗi Aedes truyền và là họ hàng xa của sốt Chikungunya – một loại bệnh do virut thuộc giống Alphavirus, họ Togaviridae, được truyền từ người này sang người khác thông qua vết đốt của muỗi Aedes, chủ yếu do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus và cả hai loài muỗi này hoạt động vào ban ngày. Virut Mayaro chủ yếu lây truyền qua muỗi Hamagogus nhưng muỗi Aedes aegypti, loài muỗi truyền virut Zika, cũng có thể là vật chủ mang virut này. Virut Mayaro được phát hiện đầu tiên ở Trinidad vào năm 1954. Sau đó, nó đã lan tới Guinea thuộc Pháp, Venezuela, Peru, Bolivia và Brazil. Hiện thông tin về virut Mayaro rất ít nhưng gần đây, bệnh bất ngờ xuất hiện tại Haiti do sự xuống cấp của cơ sở y tế vốn đã thiếu thốn của nước này bởi trận động đất năm 2010. Điều này cho thấy những bệnh mới nổi có xu hướng phát triển ở những nơi có chiến tranh xảy ra, vệ sinh kém, nghèo đói và thiếu thốn.
Elizabethkingia
Đây là một chi của vi khuẩn được mô tả vào năm 2005, được đặt theo tên của nhà vi trùng học người Mỹ Elizabeth Osborne King, người phát hiện ra các loài vi khuẩn điển hình, có mặt ở khắp nơi trên thế giới và gây ra những dạng viêm nặng như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy Elizabethkingia là một vi khuẩn gây bệnh mới nổi trong môi trường bệnh viện, với tỷ lệ hiện diện của chúng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã tăng lên đáng kể từ năm 2004. Chúng sở hữu bộ gene có khả năng kháng kháng sinh và có độc lực.Với một phác đồ điều trị kém hiệu quả thì có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho bệnh nhân. Đây cũng là tác nhân gây bệnh duy nhất không phải do virut trong danh sách bệnh truyền nhiễm này nhưng nó là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các trường hợp bệnh trong một thế giới nơi mà kháng sinh không còn là chỗ dựa để cứu mạng sống của con người khỏi nhiễm khuẩn.