Bộc Tham
Tên Huyệt:
Huyệt có ý chỉ: khi người đầy tớ quỳ gối xuống (tham dự vào việc cởi giầy cho chủ…) thì lộ huyệt ra, vì vậy gọi là Bộc Tham (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
An Tà, Bột Tham.
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính:
Huyệt thứ 61 của kinh Bàng Quang.
Huyệt giao hội với Mạch Dương Kiều.
Vị Trí huyệt:
Xác định bờ trên mặt ngoài xương gót chân, huyệt ở sát bờ trên xương gót, thẳng dưới huyệt Côn Lôn, trên đường tiếp giáp lằn da đổi màu.
Giải Phẫu:
Dưới da là gân cơ mác bên dài và gân cơ mác bên ngắn ở phía trước, gân gót chân ở phía sau, bờ trên xương gót.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh chầy su.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.
Chủ Trị:
Trị gót chân đau, chi dưới yếu liệt.
Phối Huyệt:
1. Phối Kim Môn (Bàng quang.63) trị trẻ nhỏ bị động kinh, điên giản [Mã giản] (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Chí Âm (Bàng quang.67) + Giải Khê (Vị 41) + Khâu Khư (Đ.40) + Khiếu Âm (Đ.44) trị gân cơ cứng (Tư Sinh Kinh).
3. Phối A Thị Huyệt + Côn Lôn (Bàng quang.60) + Thái Khê (Th.3) + Thừa Sơn (Bàng quang.57) trị gót chân đau (Châm Cứu Học Giản Biên).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 0, 3-0, 5 thốn – Cứu 3-5 tráng – Ôn cứu 5-10 phút.
Tham Khảo:
“ Bệnh Điên khi mới bắt đầu phát, trước hết người bệnh bị vặn ngược, cứng đờ, cột sống cứng, bệnh biểu hiện ở các kinh Túc Dương Minh, Túc Thái Âm, Thủ Thái Âm và Túc Thái Dương, châm ở các huyệt Uỷ Dương + Phi Dương + Bộc Tham + Kim Môn, châm xuất huyết cho đến khi nào mầu huyết biến (thành đỏ) mới thôi” – Thiên ‘Điên Cuồng’ (Linh khu.22, 7-8).
Xem thêm: Các huyệt trên Kinh túc thái dương bàng quang