Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm long và phát ban đặc hiệu ngoài da.Thường gây nhiều biến chứng, có thể dẫn đấn tử vong.
Giống như các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh sởi cũng thể hiện qua các giai đoạn lâm sàng:
– Giai đoạn ủ bệnh: 10-12 ngày.
– Giai đoạn khởi phát: (giai đoạn viêm long) 2-4 ngày, là giai đoạn dễ lây nhất, gồm: Sốt cao; viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa, mắt; có thể có hạt Koplik.
– Giai đoạn toàn phát: (giai đoạn phát ban) kéo dài 2-5 ngày, ban xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ lan dần đến thân mình và tứ chi. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất, xen kẻ giữa vùng phát ban là da lành. Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ tăng. Khi ban đã mọc đến chân thì nhiệt độ giảm.
– Giai đoạn hồi phục: (giai đoạn sởi bay) Sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da gọi là vết hằn da hổ. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, tổng trạng hồi phục dần.
Bệnh sởi thường gây nhiều biến chứng, thường gặp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản; hiếm gặp nhưng trầm trọng như viêm não màng não. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác như viêm tai giữa, cam tẩu mã, loét giác mạc mắt, suy dinh dưỡng nặng.
Về điều trị bao gồm:
– Dinh dưỡng đầy đủ, dễ tiêu. Không kiêng cử thái quá.
– Đảm bảo vệ sinh: răng, miệng, mắt, da.
– Điều trị triệu chứng, như hạ sốt, giảm ho, bổ sung Vitamin A.
– Điều trị biến chứng:
Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
Viêm não màng não cấp tính: Chống co giật, chống phù não, chống suy hô hấp…
Bệnh sởi theo quan niệm Y Học Cổ Truyền
Bệnh sởi thuộc nhóm ôn bệnh, do thời khí dịch lệ xâm phạm phối hợp sinh ra. Độc tà xâm phạm vào kinh phế. Phế chủ bì mao nên phát ra nốt ban mọc ngoài da. Nếu không có biến chứng, bệnh thường kéo dài khoảng 10 ngày thì khỏi dần.
Nếu đứa trẻ tiên thiên bất túc hoặc thể tạng suy yếu, nhiệt độc thịnh không phát được ra ngoài, phạm vào tạng phủ thì bệnh kéo dài, có nhiều biến chứng hoặc có thể tử vong.
Thời kỳ khởi phát:
- Pháp trị: Giải cơ thấu biểu.
- Bài thuốc: Thăng ma 10g, Xích thược 8g, Cát căn 12g, Cam thảo 6g.
Thăng ma có tác dụng thanh nhiệt, giải độc thăng đề, giữ vai trò Quân. Xích thược để thanh nhiệt, lương đề. Cát căn để sinh tân chỉ khát, trừ phiền thanh nhiệt. Cam tháo để bổ trung khí, điều hòa các vị thuốc.
Thời kỳ sởi mọc:
- Pháp trị: Thanh nhiệt giải độc.
- Bài thuốc: Ma hoàng 4g, Thạch cao 12g, Hạnh nhân 6g, Cam thảo 6g.
Ma hoàng có tác dụng khai tấu lý, làm ra mồ hôi, lợi tiểu tiện giữ vai trò Quân. Thạch cao để thanh nhiệt, giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát. Hạnh nhân để thông phế, bình suyễn, nhuận tràng, thông tiện. Cam tháo để bổ trung khí, điều hòa các vị thuốc.
Thời kỳ sởi bay:
- Pháp trị: Dưỡng âm, thanh nhiệt.
- Bài thuốc: Hoàng cầm 12g, Tang bạch bì 8g, Mạch môn đông 8g, Lô căn 8g, Địa cốt bì 8g, Sa sâm 8g.
Hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, giữ vai trò Quân. Tang bạch bì để thanh tâm, trừ phiền, dưỡng âm, nhuận phế, sinh tân dịch. Mạch môn đông để hạ sốt, nhuận phế, sinh tân. Lô căn để thanh nhiệt, sinh tân, lợi tiểu chỉ khái. Địa cốt bì để thanh phế nhiệt, chỉ khái. Sa sâm để thanh phế nhiệt, sinh tân, nhuận táo.