Viêm loét miệng – Bệnh dễ nhầm lẫn

Viêm loét miệng thường xảy ra ở nữ hơn là nam giới. Thống kê cũng cho thấy khoảng 30% số bệnh nhân thường bị viêm loét miệng tái diễn nhiều lần và có tính chất gia đình.

Người hay bị viêm loét miệng lưỡi ăn uống khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị dứt điểm?

Nguyên nhân khởi phát

Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của viêm loét miệng vẫn chưa được rõ. Tuy vậy, người ta cho rằng có một số yếu tố có thể là nguyên nhân khởi phát của bệnh như các tổn thương nhỏ ở khoang miệng do bàn chải răng quá to, quá cứng, do vô tình cắn phải niêm mạc miệng, lưỡi…; đánh răng và nước súc miệng có chất sodium lauryl sulphate cũng có thể gây viêm loét miệng; Viêm loét miệng cũng có thể do gia vị hoặc thức ăn có tính acide, do nhạy cảm với một số loại thức ăn như chocolate, cà phê, dâu, trứng, pho-mát, dứa…; một chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, folate, sắt thường hay gây tổn thương da và niêm mạc trong đó có niêm mạc miệng. Các nguyên nhân viêm loét miệng do dị ứng với vi khuẩn cư trú trong khoang miệng, viêm loét miệng do vi khuẩn Helicobacter pylori, loét miệng do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt và viêm loét miệng do căng thẳng về mặt tâm lý (stress) cũng có thể xảy ra; Viêm loét miệng cũng có thể xảy ra đồng hành trong một số bệnh cảnh như các viêm loét của ruột non, bệnh viêm loét đại – trực tràng như bệnh Crohn; bệnh viêm toàn thân (bệnh Behcet); bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)…

Tổn thương do loét miệng.
Tổn thương do loét miệng.

Tổn thương do loét miệng.

Có thể nhầm lẫn

Loét miệng, viêm loét miệng (aphthous ulcers, aphtha) là những tổn thương loét nông nhỏ trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, lưỡi, lợi. Các vết loét này không nguy hiểm nhưng gây đau, đặc biệt khi ăn uống hoặc khi nói chuyện, nuốt nước bọt… Các vết loét thường có hình tròn hoặc hình oval, tổn thương nông hình lòng chảo, đáy có màu vàng nhạt hoặc màu trắng với một viền đỏ viêm xung quanh. Vị trí ổ loét ở niêm mạc miệng, lưỡi, ở chân lợi, khẩu cái, dưới lưỡi. Có thể có một hoặc nhiều ổ loét ở cùng hoặc ở các vị trí khác nhau trong khoang miệng.

Có một vài loại viêm loét miệng dựa theo kích thước của thương tổn:

Loại viêm loét miệng nhỏ là loại hay gặp nhất, loại này thường có hình oval, tổn thương nông và khỏi sau khoảng 1-2 tuần, không để lại sẹo;

Loại thứ hai là loại viêm loét miệng có kích thước trung bình, bờ không đều, tổn thương sâu hơn, khỏi sau 4-6 tuần và có thể để lại sẹo.

Loại thứ ba là viêm loét miệng dạng herpes. Loại này có kích thước nhỏ như đầu đinh ghim, tổn thương từng chùm từ 10 – 100 nốt, bờ không đều, khỏi không để lại sẹo trong vòng 1-2 tuần.

Nhìn chung, các vết loét xuất hiện và tự khỏi trong vòng khoảng 1 tuần mà không cần một phương pháp điều trị đặc biệt nào. Trong khi đó, nhiều người bị loét miệng do ung thư khoang miệng thường bỏ sót vì cho rằng nhiệt miệng bởi vì ung thư khoang miệng giai đoạn đầu ít có cảm giác đau rát, khó chịu hoặc đau rát mức độ nhỏ nên chủ quan, không đi khám. Chỉ đến khi tổn thương lan tỏa, vết loét không liền và xuất hiện nhiều triệu chứng như khó ăn uống, khó nuốt, chảy máu, đau tai, có hạch ở cổ… thì các khối u khoang miệng đã quá lớn.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo vết loét xuất hiện trong miệng cố định ở một vị trí, không liền vết thương sau 2 tuần; Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng;  Mảng trắng/đỏ/đen trong miệng, ổ nhổ răng không lành; Răng lung lay không rõ nguyên nhân; Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt. Hoặc có xu hướng lan rộng, kể cả khi sử dụng các loại thuốc thông thường trong 2 – 3 tuần. Cảm giác đau khó tả, buốt chói, đau âm ỉ, đau không rõ ràng; nuốt sặc, nuốt nghẹn, nuốt vướng hay khó khăn khi nuốt, khàn tiếng bất thường, thay đổi giọng khác lạ, sụt cân, mệt mỏi… thì cần đi khám bởi đây là biểu hiện của ung thư khoang miệng.

Dự phòng thế nào?

Do cơ chế gây tổn thương chưa rõ nên việc dự phòng viêm loét miệng chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không ăn quá nhiều thức ăn gây kích thích khoang miệng (ớt, hạt tiêu, dấm…). Việc cung cấp một chế độ ăn đầy đủ các loại vitamin (C, B1, B6, B12, PP…) và các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng… cũng rất quan trọng vì đây là các yếu tố không thể thiếu, đảm bảo cho da và niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương; Thay đổi thói quen nói chuyện nhiều trong khi ăn để tránh cắn phải lưỡi hoặc niêm mạc má. Lựa chọn bàn chải răng thích hợp và làm vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng phương pháp để lợi không bị viêm loét. Cuối cùng, việc thay đổi các thói quen có hại như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn uống không đủ chất, thức đêm nhiều, làm việc quá sức cũng như tránh các căng thẳng, các stress về mặt tâm lý, tạo một sự hài hòa, thoải mái trong cuộc sống cũng sẽ giúp bạn tránh được những phiền hà do viêm loét miệng gây ra. Khi viêm loét miệng không lành sau 2 tuần; Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng; Mảng trắng/đỏ/đen trong miệng, ổ nhổ răng không lành; Răng lung lay không rõ nguyên nhân; Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt…, cần tới cơ sở y tế khám để được tư vấn và điều trị.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận