Hội chứng đau loạn dưỡng do phản xạ

HỘI CHỨNG ĐAU LOẠN DƯỠNG DO PHẢN XẠ
(HỘI CHỨNG SUDECK)
Bệnh thấp khớp – NXB Y học – 2002
GS.TS. Trần Ngọc Ân

Còn gọi là hội chứng đau – thần kinh – loạn dưỡng – mất vôi – giao cảm do phản xạ (algo – neuro – dystrophie – déecalcifiante d’origine réflexe), hay hội chứng giao cảm loạn dưỡng do phản xạ (reflex sympathetic dystrophy syndrome). Là một hội chứng đau và loạn dưỡng do rối loạn chức năng hệ giao cảm dẫn đến tình trạng mất calci nặng của xương và giảm khả năng vận động.
Nguyên nhân phần lớn do phản xạ.
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG
A. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
Diễn biến qua 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn đau và sưng tấy:
– Sau một nguyên nhân tác động, chi bị bệnh đau, mức độ đau nhiều, đau liên tục, tăng nhiều về đêm và khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
– Thăm khám: lúc đầu không thấy có gì đặc biệt ở bên chi đau (sự không tương xứng giữa triệu chứng cơ năng đau với triệu chứng thực thể gần như bình thường trong giai đoạn đầu của bệnh là một yếu tố gợi ý chẩn đoán), nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ở chi bị bệnh xuất hiện dấu hiệu sưng tấy giống như viêm: phù căng, đỏ và nóng, da bóng nhẵn, hơi ướt, cảm giác mạch đập mạnh (do rối loạn vận mạch).
2. Giai đoạn rối loạn dinh dưỡng:
– Sau một hai tuần: đau vẫn tiếp tục lúc tăng lúc giảm, phù giảm dần, da trở nên dày, tím, dính, các gân co kéo, bao khớp co kéo làm cho các khớp ở chi bệnh hạn chế vận động nhiều, lâu dần các cơ của chi cũng teo dần.
– Cuối cùng có thể dẫn tới teo cơ và giảm vận động cả chi bệnh so với bên lành.
B. X QUANG VÀ XÉT NGHIỆM
1. X quang: Hiện tượng xương mất calci xuất hiện sớm và nặng dần, có thể có hình ảnh mất calci từng vùng, từng ổ, chỗ đậm chỗ nhạt tạo nên hình xương lốm đốm lan rộng, có thể có hình ảnh mất calci đồng đều (loãng xương, thưa xương), xương thấu quang trong như thủy tinh. Ranh giới của xương, sụn, khe khớp hoàn toàn bình thường.
2. Xét nghiệm:
Dùng đồng vị phóng xạ Ca45, Ca47 thấy Ca được giữ lại nhiều ở xương bên chi tổn thương.
– Ghi nhiệt: giai đoạn đầu thấy tăng nhiệt độ tại chỗ.
– Doppler: thấy tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ.
– Công thức máu, tốc độ lắng máu bình thường, không có biểu hiện viêm.
– Calci, Phospho máu và Calci, Phospho niệu bình thường,
Hydroxyprolin niệu tăng.
C. NGUYÊN NHÂN
Hội chứng đau – loạn dưỡng Sudeck thường gặp ở những người có cơ địa đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gút. Chỉ có 75% trường hợp tìm thấy nguyên nhân phát bệnh, những nguyên nhân gồm có:
1. Chấn thương: Có thể rất rõ ràng như gãy xương, tụ máu, trật khớp, bong gân … nhưng cũng có trường hợp chấn thương quá nhỏ, bệnh nhân không nhớ tới.
2. Phẫu thuật: Sau một số phẫu thuật nhất là những phẫu thuật sọ não, lồng ngực, chậu hông.
3. Bất động quá lâu: bó bột, nằm lâu.
4. Một số bệnh lý: Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, lao phổi, ung thư phế quản, cường giáp, đái tháo đường, liệt nửa người, ép tủy, Parkinson, u não.
5. Thuốc: Một số thuốc dùng kéo dài có thể gây bệnh như
Phenobarbital, Rimifon, Iốt phóng xạ I131.
II. HỘICHỨNG ĐAU – LOẠN DƯỠNG DO PHẢN XẠ Ở CHI TRÊN

300x200-156
Còn gọi là hội chứng vai – tay của Ravault hay Stein-broker. Bệnh thường bắt đầu từ từ tăng dần nhưng cũng có thể bắt đầu đột ngột nhanh chóng, bệnh trải qua hai giai đoạn:
A. Giai đoạn sưng tấy (giống viêm):
Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
1. Bàn tay và một phần cẳng tay: có các triệu chứng:
– Đau nhiều và bại không vận động được.
– Phù lan tỏa cả bàn tay và một phần cẳng tay.
Da căng bóng có màu đỏ hồng rồi chuyển sang đỏ tía, hơi ướt, sờ vào thấy nóng, có cảm giác mạch đập.
– Khớp và cơ như cứng lại khó vận động.
2. Vai: Đau và hạn chế vận động từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, vai trở nên bất động hoàn toàn (vai đông cứng).
3. Toàn thân: Không có biểu hiện nhiễm khuẩn, không sốt, không nổi hạch ở nách, các bộ phận khác bình thường.
4. X quang và xét nghiệm:
– Hình ảnh X quang xuất hiện muộn, sau 3 tuần thấy hình ảnh mất Calci không đều, hình xương lốm đốm, hình nhiều hốc nhỏ hoặc hình thưa xương lan tỏa (xương thủy tinh), ranh giới các xương và khe khớp bình thường.
– Các xét nghiệm đều bình thường trừ Hydroxyproline / nước tiểu tăng nhiều.
B. Giai đoạn teo: Đau giảm dần, phù bớt nhưng teo dần.
1. Bàn tay: bàn tay teo, da mỏng và nhẵn, hơi tím, lông rụng, bàn tay kiểu vuốt, ngón tay quắp vào khó duỗi ra, cổ tay gập, bàn tay cứng như gỗ.
2. Vai: thường như bất động nhiều gần như đông cứng nhưng không đau.
Những tổn thương trên có thể kéo dài vĩnh viễn không hồi phục.
3. X quang: mất Calci rất rõ, xen kẽ với các bè xương lành tạo nên hình sợi (như được chải bằng lược).
III. HỘI CHỨNG ĐAU – LOẠN DƯỠNG DO PHẢN XẠ Ở CHI DƯỚI
Sau một nguyên nhân phát động, bệnh nhân thấy đau bại chân, đau tăng dần khiến cho phải chống gậy mới đi được.
1. Bàn chân: rất hay gặp, có 2 thể:
– Thể đau đơn thuần: đau bại cả bàn chân không đi được. Khám lâm sàng không thấy có thay đổi gì đặc biệt. Chụp X quang có hình ảnh loãng xương rải rác.
– Thể đau và phù: đau bại chân không đi được, phù to đỏ nóng cả bàn chân giống như viêm, vận động thụ động khó vì đau và phù, chụp X quang thấy loãng xương toàn bộ.
2. Khớp gối: có nhiều thể:
Sưng tấy nhiều dễ nhầm với viêm khớp gối.
– Tràn dịch khớp gối và teo cơ cẳng chân.
– Cứng khớp gối, teo cơ đùi và cẳng chân.
– Thể đau ít.
3. Khớp háng: khó phát hiện, đau và hạn chế vận động khớp háng, teo các cơ ở đùi, X quang thấy thưa xương, loãng xương tăng dần ở vùng khớp háng (ranh giới và khe khớp bình thường).
Tiến triển chung của đau – loạn dưỡng ở chân thường khỏi, ít khi để lại di chứng. Thời gian trung bình từ khi bị bệnh đến khi khỏi với 2 bàn chân là 12 tháng, với gối là 7 tháng, háng 5 tháng. Các dấu hiệu lâm sàng mất đi trước, dấu hiệu X quang còn tồn tại khá lâu.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Tăng cường vận động: chủ động và thụ động để tránh teo cơ, loãng xương.
2. Thuốc:
– Calcitonin rất có tác dụng để hạn chế tình trạng mất Calci ở xương. Tiêm bắp mỗi ngày từ 50-100 đv MRC Myacalcic, từ 8 đến 30 ngày tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
– Các thuốc chẹn bêta: Propranolol 10mg uống mỗi ngày từ 3-5 viên, khi dùng chú ý theo dõi tình trạng hạ huyết áp do tư thế.
– Griseofulvin: là loại kháng sinh chống nấm, nhưng sử dụng ở đây chống hiện tượng rối loạn mao mạch, viên 250 mg uống 4 viên/ngày, sau đó giảm xuống 2 viên/ngày.
– Thuốc giãn mạch: Hydergin.
– Phong bế Novocain vào hạch giao cảm gốc chi, tiêm Hydrocortisol vào khớp. Dùng các thuốc giảm viêm, chống đau.
3. Sử dụng các phương pháp vật lý:
– Điện dẫn thuốc.
– Sóng ngắn.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận