Hướng dẫn cách kê đơn thuốc y học cổ truyền

KÊ ĐƠN THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo quy định một đơn thuốc dù YHHĐ hay YHCT đều phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số giấy phép, chữ ký con dấu, điện thoại và Email (nếu có) của thầy thuốc. Họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ của bệnh nhân, chẩn đoán xác định bệnh theo YHCT (nếu là thầy thuốc YHCT) và YHHĐ, tên thuốc, liều lượng, cách dùng.

YHCT có nhiều cách kê đơn thuốc nhưng nguyên tắc vẫn phải dựa vào tứ chẩn (Vọng, Văn, Vấn, Thiết), biện chứng luận trị, chẩn đoán, pháp điều trị để ghi một đơn thuốc với Quân, Thần, Tá, Sứ (Quân là một hoặc nhiều vị có tác dụng điều trị nguyên nhân chính, Thần là vị thuốc có tác dụng làm tăng tác dụng và hạn chế độc tính của Quân, Tá là một hoặc nhiều vị có tác dụng điều trị triệu chứng hoặc bệnh kèm theo, Sứ là một vị thuốc có tác dụng dẫn thuốc vào nơi bị bệnh và dễ uống). Có thể Thần, Tá, Sứ kiêm cho nhau và cần dựa vào thời tiết, nơi ở, đời sống, giới tính, tuổi của người bệnh để thêm hoặc bớt vị thuốc, đồng thời phải chú ý tính năng tác dụng của vị thuốc, cách phối hợp và tương tác có hại của các vị thuốc để tránh tai biến về thuốc. 

II. CHỈ ĐỊNH

Đơn thuốc YHCT có thể ghi cho tất cả các loại bệnh, nhất là bệnh mãn tính, có đơn cần kết hợp cùng hoặc sau với các phương pháp điều trị YHHĐ như điều trị ung thư, điều trị sau phẫu thuật…

Đơn thuốc YHCT ngoài dùng uống, có thể ghi điều trị bên ngoài như ngâm, rửa, rắc hoặc xoa…Cũng có thể ghi đơn để phòng bệnh.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Sau phẫu thuật tiêu hoá, phổi chưa cho phép ăn đối với thuốc uống.

– Các bệnh không uống được có thể dùng tiêm.

– Bệnh nhân dị ứng thuốc.

– Bệnh nhân sợ uống thuốc YHCT.

IV. CHUẨN BỊ

4.1. Cán bộ

– Bác sỹ YHCT

– Lương y, y sỹ YHCT.

4.2. Phương tiện

– Phòng khám, gối bắt mạch

4.3. Bệnh nhân

– Có đủ hồ sơ bệnh án Y học hiện đại và Y học cổ truyền.

– Có đơn thuốc YHCT.

– Phải có đơn lưu ghi đầy đủ liều lượng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Sau khi có chẩn đoán và pháp điều trị theo YHCT, dựa vào trình độ của thầy thuốc, tình hình bệnh, kinh tế người bệnh và điều kiện cơ sở y tế có thể dùng một trong các cách kê đơn sau:

5.1. Cách kê đơn theo toa căn bản

5.1.1. Cấu tạo bài thuốc: gồm hai phần:

– Phần điều hoà cơ thể là phần cơ bản gồm 6 tác dụng

Thanh nhiệt giải độc Sài đất
Nhuận huyết Huyết dụ
Lợi niệu Rễ cỏ tranh
Nhuận tràng Muồng trâu
Kích thích tiêu hoá Gừng hoặc xả
Nhuận gan Rau má

– Phần tấn công bệnh

Dựa vào bệnh để thêm hoặc bớt vị trên cho phù hợp, cụ thể, nếu bị kiết lỵ thêm cỏ sữa, nếu mất ngủ thêm Lá vong, nếu ỉa chảy bỏ nhuận tràng gia Búp ổi…Liều dùng tuỳ thuộc vào tuổi, trẻ em bằng 1/2 – 1/4 liều người lớn.

5.1.2. Cách sử dụng:

– Nếu trong người nóng hoặc sốt thì dùng tươi, nếu trong người lạnh thì sao vàng…

– Các vị thuốc trên nếu thiếu thì thay bằng các vị khác cùng tác dụng như Sài đất thay Bồ công anh.

– Liều dùng và vị thuốc có thể tăng giảm tuỳ tình hình bệnh và tuổi của người bệnh.

5.2. Cách kê đơn theo nghiệm phương

Dùng các bài thuốc của thầy thuốc đã rút ra qua kinh nghiệm của bản thân, hay tập thể điều trị có kết quả, các bài thuốc này có thể đã nghiên cứu hoặc chưa nghiên cứu, phụ thuộc vào các thầy thuốc cống hiến. Ví dụ: Viên sen vông điều trị mất ngủ. BTD điều trị liệt dương…

5.3. Cách kê đơn theo gia truyền

Dùng các bài thuốc theo kinh nghiệm người xưa để lại điều trị một bệnh hoặc chứng bệnh có kết quả. Cách kê đơn này thường không thông qua lý luật YHCT, ví dụ: Thuốc Cam hàng bạc điều trị chứng suy dinh dưỡng trẻ em, không thay đổi liều lượng và thành phần.

5.4. Cách kê đơn theo cổ phương

Dùng các bài thuốc từ các sách của người xưa để lại để điều trị một bệnh hoặc một chứng bệnh nhất định. Ví dụ: bài Lục vị điều trị chứng âm hư. Các bài thuốc này có quân thần tá sứ rõ ràng.

Cách dùng có thể thêm gia vị hoặc bớt vị hoặc giảm liều lượng để phù hợp với bệnh nhưng không quá nhiều vị. Ví dụ như nếu thận âm hư thì dùng bài Lục vị, nhưng nếu mất ngủ thì thêm Viễn chí hoặc Táo nhân, nếu di tinh thì bỏ Trạch tả hoặc giảm liều, các bài thuốc cổ phương có thể bán ra thị trường không phải thử độc tính cấp và bán trường diễn.

5.5. Cách kê đơn thuốc theo đối pháp lập phương

Cách ghi này rất phổ biến, phải tuân theo pháp điều trị, sự phối ngũ các vị thuốc và Quân, Thần, tá, Sứ, bệnh cấp tính thường chỉ ghi 3 thang dùng trong 3 ngày/1 lần khám, bệnh mãn tính thường ghi 6 thang dùng trong 6-7 ngày, thuốc viên thuốc hoàn cũng dùng theo thời gian trên. Ghi đơn thuốc phải dựa vào tứ chẩn, biện chứng sau đó chẩn đoán và dựa vào chẩn đoán có pháp điều trị, dựa vào pháp điều trị để thành lập bài thuốc, ví dụ:

– Qua tứ chẩn: Phát hiện các triệu chứng như người gầy, da xanh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, nói và thở yếu, ăn lạnh đau bụng đày bụng, đại tiện phân nát và sống, tay chân lạnh, mạch trầm tế.

– Biện chứng: Da xanh, tay chân lạnhăn lạnh đau bụng, đại tiện phân nát, rêu lưỡi trắng, mạch hàn – Đầy bụng, ăn kém, phân sống, gầy, mạch trầm tế do tỳ vị hư, mất ngủ do tỳ ảnh hưởng đến tâm

– Chẩn đoán:

+ Bát cương: Lý hư hàn

+ Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ vị hư

– Pháp điều trị: Ôn trung, kiện tỳ, tiêu thực và an thần

– Phương dược: (Theo đối pháp lập phương)

Mộc hương 06g Đảng sâm 12g
Bạch thược 12g Sa nhân 06g
Bạch truật 08g Thần khuc 10g
Liên nhục 12g Hoàng kỳ 12g
Can khương 06g    

Như vậy Mộc hương, Sa nhân, Đảng sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ là Quân, Bạch thược là Thần, Liên nhục, Thần khúc là Tá, Can khương vừa là Sứ vừa là Quân do tác dung ôn trung.

5.6. Cách kê đơn thuốc theo kết hợp YHCT với YHHĐ

– Dùng cách kê đơn theo 5 cách trên nhưng thêm các vị thuốc YHCT đã được nghiên cứu cơ chế tác dụng của YHHĐ mà thầy thuốc đã chẩn đoán bệnh theo YHHĐ.

– Ví dụ: Chẩn đoán YHHĐ là tiền mãn kinh, chẩn đoán YHCT là can hoả vượng dùng bài Đan chi tiêu giao chúng ta có thể cho thêm Bạch tật lê vì Bạch tật lê đã được nghiên cứu điều trị tiền mãn kinh tốt do tăng estrogen.

– Dùng cách kê đơn theo 5 cách trên có thể kết hợp thêm các thuốc của YHHĐ.

5.7. Cách sắc thuốc thang

Mỗi thang thuốc đều sắc 3 lần, mỗi lần cho hai bát lấy 1/2  bát (cũng có thể cho 3 bát lấy 1 bát), hai lần sau mỗi lần cho 3 bát còn một bát. Trộn đều chia 3 lần trong ngày để uống lúc thuốc còn ấm, thuốc bổ uống sau ăn 1 tiếng.

Vị thuốc tân tán (cay thơm) cho sau các vị thuốc khác không sắc lâu.

VI. CHÚ Ý

– Khi ghi đơn thuốc YHCT phải khám bệnh tỷ mỷ (Tứ chẩn) để biện chứng rồi chẩn đoán sau đó ra một pháp điều trị phù hợp từ đó ghi đơn thuốc đảm bảo toàn diện triệt để. Khi ghi đơn thuốc chú ý Quân, Thần, Tá, Sứ, cách phối hợp các vị thuốc, tránh tương tác có hại của các vị thuốc.

– Ghi đơn thuốc phải dựa vào bệnh tình, giới, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở, thời tiết. Một đơn thuốc có ít vị mà tác dụng là tốt nhất.

– Ghi đơn phải chú ý tương tác giữa các vị thuốc nhất là tương tác có hại.

VII. TAI BIẾN VÀ CÁCH SỬ TRÍ

– Ngộ độc thuốc uống: Phải sử trí cấp cứu như ngộ độc thức ăn.

– Phản ứng thuốc: Phải điều trị chống choáng, chống phản vệ theo phác đồ.

– Hiện nay do khoa học kỹ thuật phát triển nên đã nghiên cứu có kết quả về độc tính của các vị thuốc YHCT cho nên cần tránh.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận