Thủ thuật cứu trong đông y

CỨU

1. ĐẠI CƯƠNG

Cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt dể kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể để phòng và điều trị bệnh. Cứu thường dùng lá ngải cứu khô chế thành ngải nhung rồi làm mồi ngải hay điếu ngải để cứu.
– Cứu bao gồm cứu trực tiếp, cứu gián tiếp. Cứu gián tiếp bao gồm cứu cách gừng có tác dụng ôn trung tán hàn, cứu cách tỏi có tác dụng tiêu viêm trừ độc, cứu cách muối có tác dụng hồi dương cố thoát….

2. CHỈ ĐỊNH

Bệnh lý có nguyên nhân hư hàn.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt (có sốt cao…).
– Không nên cứu ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt …vì có thể gây bỏng, đặc biệt là những vùng bị mất cảm giác.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện
Bác sỹ, Y sỹ, Lương y được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
4.2. Phương tiện
– Mồi ngải hoặc điếu ngải.
– Lửa (diêm, bật lửa…).
– Gừng, tỏi, muối (sử dụng khi cứu gián tiếp).
– Dao loại nhỏ, sắc, Khay men đựng dụng cụ.
4.3. Người bệnh
– Người bệnh được khám, làm hồ sơ bệnh án theo quy định.
– Người bệnh nằm tư thế thoải mái, huyệt được cứu hướng lên trên, mặt da nằm ngang để mồi ngải đặt lên da được vững vàng, không bị rơi.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1. Thủ thuật
– Tùy bệnh tật và huyệt cần cứu mà chọn cách cứu trực tiếp hay gián tiếp.
Cứu trực tiếp: Dùng mồi ngải đặt vào huyệt rồi đốt. Khi mồi ngải cháy sẽ sinh nhiệt tác động lên da vùng huyệt được cứu. Khi mồi ngải cháy được 1/3 đến 2/3, người bệnh có cảm giác nóng, rát nơi cứu thì nhấc mồi ngải ra sau đó thay bằng mồi ngải khác. Sau khi cứu xong chỗ cứu thấy ấm và có quầng đỏ.
Cứu gián tiếp: là cách cứu dùng lát gừng, tỏi hoặc muối… lót vào giữa da và mồi ngải. Trong khi cứu, nếu người bệnh thấy nóng nhiều thì nhấc lát gừng, tỏi lên để giảm độ nóng sau đó tiếp tục cứu. Cũng có thể lót thêm một lát gừng, tỏi khác để giảm sức nóng của mồi ngải. Tùy theo bệnh mà chọn thứ này hay thứ khác để lót mồi ngải.
Thứ tự trong khi cứu: Huyệt trên trước – huyệt dưới sau, huyệt kinh dương trước – huyệt kinh âm sau, huyệt chủ trị trước – huyệt phối hợp sau.
5.2. Liệu trình
– Mỗi huyệt được cứu từ 1- 3 mồi ngải, trung bình 15 phút/huyệt, trẻ em và người già thì thời gian cứu ngắn hơn.
– Cứu ngày 1 lần.

6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Theo dõi
Toàn trạng của người bệnh
6.2. Xử trí tai biến
Bỏng (thường gây bỏng độ I)
+ Triệu chứng: người bệnh thấy nóng rát sau khi cứu, trên mặt da vùng huyệt được cứu xuất hiện phỏng nước.
+ Xử trí: dùng thuốc mỡ bôi và dán băng tránh nhiễm trùng.
– Cháy: do mồi ngải rơi khỏi người Người bệnh vướng vào quần áo hoặc chăn đệm gây cháy.
+ Đề phòng: Không cứu nhiều huyệt và trên nhiều Người bệnh một lúc. Theo dõi sát, không được rời Người bệnh khi cứu.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận