[Chứng trạng] Bàn về Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt

Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt là chỉ những chứng hậu thấp nhiệt uất kết ở Tỳ Vị, Tỳ không kiện vận, Vị không thu nạp đưa xuống gây nên bệnh. Nguyên nhân của chứng này có thể do ăn uống không điều độ, dùng quá nhiều thức ngon vật béo, nung nấu thành thấp nhiệt, tích chứa trong Tỳ Vị mà gây bệnh; cũng có thể do cảm nhiễm tà khí thấp nhiệt làm lấp nghẽn trung tiêu gây nên bệnh này.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ngực bụng đầy tức, buồn nôn chán ăn, chân tay nặng nề, đại tiện lỏng loãng mà hôi, tiểu tiện sẻn đỏ, mặt mắt và da dẻ có màu vàng, mình nóng ra mồ hôi mà bệnh không lui, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hư Sác.

Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh “Tiết tả”, “Lỵ tật”, “Thấp trở”, “Hoàng đản”, “Thủy thũng”, “Cổ trướng” v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với các “chứng Thấp nhiệt khốn Tỳ”, “chứng Can Đởm thấp nhiệt”, “chứng Vị hoả nhiệt”.

Phân tích

– Chứng này gặp trong bệnh Thấp trở, Mục Kính Thấp Yết bệnh sách Kim Quỹ yếu lược tâm điển viết: “Bị trúng thấp trước hết phải có sẵn thấp từ bên trong rồi sau mới cảm nhiễm thấp từ bên ngoài; cho nên người ta hàng ngày thổ đức bất cập nên thấp động ở trong, khí cơ không thông mà thấp từ ngoài xâm phạm vào, bị tà khí cả trong lẫn ngoài”. Đây là do công năng Tỳ Vị không điều hoà, vận hoá kém, thấp từ trong sinh ra, lại bị thấp bên ngoài xâm phạm, nội thấp với ngoại thấp câu kết hoá nhiệt gây ra thấp bị nghẽn trở, có triệu chứng miệng đắng dính nhớt, mạch Nhu Sác, điều trị nên thanh nhiệt hoá thấp, dùng bài Liên phác ẩm(Hoắc loạn luận) hoặc Cam lộ tiêu độc đan (Ôn nhiệt kinh vĩ).

– Trong bệnh Hoàng đản xuất hiện chứng này, mục Hoàng đản môn sách Thánh tế tổng lục viết: “Phần lớn là do ăn uống chè rượu quá độ, thuỷ với cốc hỗn độn tích lại ở Tỳ Vị lại nhiễm phải tà khí phong thấp chống trọi nhau, nhiệt khí nung nấu, cho nên da dẻ sinh sắc vàng là bệnh Đản”; có triệu chứng mặt mắt toàn thân đều vàng, đầu mình nặng nề, buồn nôn hoặc nôn mửa, ngực bụng bĩ đầy, rêu lưỡi nhớt, mạch Nhu Sác ; điều trị theo phép thanh nhiệt hoá thấp, hoá trọc, dùng bài Nhân trần cao thang (Thương hàn luận) và Cam lộ tiêu độc đan(Ôn nhiệt kinh vĩ).

– Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt gặp trong ệnh Thuỷ thũng là do thuỷ thấp lẫn vào trong, vì thấp chứa ở trong, Tỳ bị thấp ngăn trở, thấp tà hoá nhiệt, thấp và nhiệt câu kết, sự chuyển hoá ở Bàng quang mất chức năng dẫn đến thuỷ thũng toàn thân, ngực bụng bĩ đầy, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện khô, rêu lưỡi vàng, mạch Trầm Sác; điều trị theo phép phân lợi thấp nhiệt, cho uống Bát chính tán gia giảm (Hoà tễ cục phương).

– Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt gặp trong bệnh cổ trướng, do thấp và nhiệt câu kết ở Tỳ Vị, nước đực ứ đọng gây nên bệnh, thấy thêm các triệu chứng phiền nhiệt đắng miệng, khát không muốn uống nước, tiểu tiện đỏ khó đi, đại tiện bí kết, hoặc có cả chứng mặt mắt da dẻ đều vàng, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc sạm tro, mạch Huyền Sác, lâm sàng điều trị theo phép thanh nhiệt lợi thấp, công hạ trục thuỷ, dùng bài Trung mãn phân tiêu hoàn gia giảm (Lan thất bí tàng).

Tỳ ghét thấp, mùa Trưởng hạ chủ về Thấp; Khí hậu thử nhiệt có nhiều thấp khí. Vì thế chứng này phần nhiều xuất hiện vào mùa thử nhiệt trưởng hạ, hoặc người ở lâu dài nơi đất ẩm ướt, bản thân vốn thuộc Tỳ hư, ăn uống không giữ gìn, thông thường thấp tà là dụ phát của chứng này.

Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt nếu điều trị không thích đáng, rất dễ diễn biến phát triển các chứng hậu khác, như Tỳ Vị thấp nhiệt xâm lấn Đại trường, dẫn đến chứng Đại trường thấp nhiệt, có các chứng trạng đau bụng, hạ lỵ, ra máu mủ, lý cấp hậu trạng, giang môn nóng rát v.v.

Chẩn đoán phân biệt

-Chứng Hàn thấp khốn Tỳ với chứng Tỳ Vị thấp nhiệt, cả hai chứng đều do Thấp t à làm khốn đốn Tỳ Vị hoặc ăn uống không điều độ, Tỳ mất chức năng kiện vận, khí cơ bị ngăn trở gây nên bệnh, xuất hiện các chứng trạng như bụng chướng đầy, biếng ăn buồn nôn, đau bụng, đại tiện lỏng. Biểu hiện lâm sàng có chỗ giống nhau, nhưng tính chất bệnh khác nhau hoàn toàn.

Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt này là do thấp nhiệt lấn vào trong, hoặc thấp tà làm hại người uất lại lâu ngày hoá nhiệt. Chứng Hàn thấp khốn Tỳ là do thấp theo hàn hoá, hoặc cơ thể vốn thuộc loại Tỳ Vị hư hàn, ăn quá độ hoa quả sống lạnh gây nên bệnh.

Vì vậy, cái thấp của chứng này phải có kiêm hiện tượng nhiệt, đại tiện lỏng loãng khó đi, tiểu tiện sẻn đỏ không lợi, Tỳ Vị bị thấp nhiệt nung nấu, uất lại làm cho mặt mắt da dẻ đều vàng, chất lưỡi đỏ mà rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Như Sác. Chứng Hàn thấp khốn Tỳ phải có kiêm hiện tượng hàn; đại tiện lỏng loãng, bài tiết ra nước trong, vì hàn thấp ngăn trở kinh mạch, vít lấp khí cơ, thường do thấp tràn ra cơ phu mà thành phù thũng; Tỳ bị hàn thấp làm khốn đốn, sự sinh hoá bất túc, khí huyết không làm tươi đẹp bên ngoài cho nên da dẻ mặt mắt vàng bủng không tươi, đây thuộc loại Âm hoàng, nên phân biệt với loại Dương hoàng do Tỳ Vị thấp nhiệt gây nên.

Hàn thấp khốn Tỳ, chứng này có hiện tượng nhạt miệng không khát nước.

Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt thì mình nóng mà miệng khô. Đây là những đặc điểm giúp đỡ cho chẩn đoán phân biệt.

– Chứng Can Đởm thấp nhiệt với chứng Tỳ Vị thấp nhiệt, cả hai đều thuộc chứng thấp nhiệt, đa số do cảm nhiễm tà khí thấp nhiệt hoặc ham ăn đồ béo ngọt hoá sinh ra thấp nhiệt mà thành bệnh. Nhưng bộ vị bệnh biến của chứng Tỳ Vị thấp nhiệt là ở Tỳ Vị thuộc trung tiêu thấp nhiệt. Bộ vị bệnh biến của chứng Can Đởm thấp nhiệt là ở Can Đởm. Vị trí mắc bệnh của hai chứng khác nhau, chẩn đoán phân biệt không mấy khó khăn. Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt biểu hiện là vùng bụng bĩ đầy, buồn nôn chán ăn, lại có hiện tượng chân tay mình mẩy nặng nề, đại tiện lỏng loãng, đi lỏng mà khó khăn, tiểu tiện sẻn đỏ bất lợi, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch Nhu Sác.

Chứng Can Đởm thấp nhiệt thì thấy chướng bụng nôn mửa, biếng ăn, nhưng chủ yếu là thấy Can Đởm sơ tiết thất thường, Đởm khí tràn lên gây nên các triệu chứng sườn trướng đầy, đắng miệng, thân thể và mắt vàng, nóng rét qua lại, mẩn ngứa ẩm ướt bộ phận âm nang hoặc cao hoàn sưng trướng nóng đau. Nếu là nữ giới thì ngứa ngáy ngoại âm, đái hạ màu vàng mùi hôi, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác.

– Chứng Vị nhiệt với chứng Tỳ Vị thấp nhiệt: Chứng Vị nhiệt là do nhiệt tà phạm Vị hoặc ăn quá độ thức cay nóng mà thành bệnh. Còn chứng Tỳ Vị thấp nhiệt là do thấp với nhiệt câu kết, phát bệnh có quan hệ nhất định với thời tiết khí hậu. Chứng Vị nhiệt do Nhiệt uất trong Vị, Vị quản có hiện tượng nóng rát và đau, dễ tiêu hay đói, hôi miệng, miệng khô và khát ưa uống nước lạnh; cũng có thể do Vị nhiệt làm tổn hại huyết lạc, bức huyết đi bừa gây nên nôn ra máu hoặc răng chảy máu, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Hoạt Sác. Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt thì thấy bụng trướng đầy, buồn nôn hoặc nôn mửa, thân thể nặng nề v.v… Biểu hiện hai chứng này trên lâm sàng khác nhau, chẩn đoán phân biệt không khó.

Trích dẫn y văn

Thấp tà vào Trung tiêu, có hàn thấp, có nhiệt thấp, có tà từ Biểu tới, có tà do thủy cốc nung nấu ở trong, lại có tà khí cả trong lẫn ngoài câu kết. Khi bị tổn thương, có khi tổn thương Tỳ dương hoặc Tỳ âm; Có khi tổn thương Vị dương hoặc Vị âm… cũng có khí Tỳ Vị đều bị thương (Trung tiêu thiên – ôn bệnh điều biện).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận