Tránh ăn gì để không bị tiêu chảy trong mùa mưa bão

GiadinhNet – Mùa mưa bão, độ ẩm cao, nguồn nước bị ô nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.

Theo các chuyên gia, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm trong mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây hại phát triển, làm gia tăng một số bệnh như sốt xuất huyết, cảm cúm, các bệnh về da, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.

TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Khoảng thời gian “lý tưởng” để bệnh tiêu chảy bùng phát là lúc giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao. Bên cạnh đó, bệnh tiêu chảy cũng thường gia tăng đáng kể sau mưa bão do người dân sử dụng phải nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Trong đó, theo BS Việt Hà, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tiêu chảy vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém dẫn đến đường tiêu hóa của trẻ chưa phát triển ổn định. Do đó, khi thức ăn bị nhiễm khuẩn, chúng sẽ tấn công hệ miễn dịch còn yếu của trẻ, khiến trẻ bị bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng chống bệnh tiêu chảy trong mùa mưa bão. Ảnh minh họa

Vì vậy, để phòng tránh nguy cơ bị bệnh tiêu chảy mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo:

– Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm.

– Thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh.

– Rửa sạch bể nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như cloramin B để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

– Tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh sau mưa bão.

– Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý chữa bệnh tại nhà.

Lưu ý:

Trong mùa mưa bão, việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày là vô cùng cần thiết. Do vậy, cần lưu ý những vấn đề sau:

Chọn mua các loại thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh, nhất là đối với các loại thủy, hải sản vì nguy cơ bị nhiễm bệnh do nguồn nước sau mưa bão ô nhiễm rất cao. Tốt nhất nên mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch, uy tín. Tránh mua các thực phẩm đã để lâu, không rõ nguồn gốc.

– Nên hạn chế ăn các loại rau sống vì đây là nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao trong mùa mưa bão, nhất là những loại rau được trồng ở những vùng nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Phải ngâm nước muối hoặc khử trùng bằng máy rửa rau quả chuyên dụng trước khi sử dụng.

– Khi chế biến thức ăn, cần đảm bảo vệ sinh chân tay và dụng cụ nấu nướng sạch sẽ. Đảm bảo đồ ăn được nấu chín để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh.

– Nên bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh vi khuẩn xâm nhập.

– Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín.

– Thức ăn thừa trong tủ lạnh cần phải đun lại kỹ trước khi sử dụng bữa sau, tranh tình trạng thức ăn bị ôi thiu, gây tiêu chảy.

– Với những thực phẩm khô cũng cần lưu ý: Không dùng thực phẩm đã bị ẩm, mốc, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất nên buộc kín để tránh hơi ẩm và mang ra phơi lại khi trời nắng ráo.

Mai Thùy

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận