Người nào tiêu thụ càng nhiều thức ăn nhanh càng có mức độ cao hơn nhiễm phthalates.
Theo một nghiên cứu mới của Mỹ, những người thường xuyên tiêu thụ thức ăn nhanh có mức độ tiếp xúc cao hơn với một số hóa chất sử dụng trong sản xuất nhựa.
Điều này được cho là dẫn đến rối loạn nội tiết, ảnh hưởng sinh sản và thậm chí có nguy cơ gây ung thư .
Các nhà nghiên cứu tìm ra một mức độ cao hơn 39% một loại hóa chất công nghiệp có tên phthalates ở những người ăn nhiều thức ăn nhanh nhất với nhóm ăn ít hoặc không bao giờ tiêu thụ loại thực phẩm này.
“Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ cho thấy người ăn càng nhiều thức ăn nhanh càng có mức độ cao hơn nhiễm phthalates, hóa chất sử dụng trong sản xuất bao bì và các vật liệu nhựa tiếp xúc với thực phẩm”, Ami R. Zota, tác giả chính nghiên cứu đến từ Đại học George Washington cho biết.
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives .
Người ăn thức ăn nhanh có nguy cơ phơi nhiễm nhiều hơn với hóa chất sản xuất nhựa
Phthalates là họ hóa chất được sử dụng để tăng sự dẻo cho các loại như như PVC. Nó cũng tham gia vào quá trình sản xuất keo, chất tẩy rửa, dầu bôi trơn và nhựa ô tô.
Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mọi người có thể phơi nhiễm phthalates qua con đường ăn uống thực phẩm chứa trong bao bì nhựa.
Ảnh hưởng của hợp chất này trên con người là chưa được hiểu rõ, theo CDC. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó tác động tiêu cực lên hệ thống sinh sản.
“Phthalates là hóa chất đáng ngại. Các nghiên cứu trên động vật và dịch tễ học cho thấy sự tiếp xúc với nó gây ra các kết quả tiêu cực tới sức khỏe.
Nó gây hại cho hệ thống sinh sản ở nam giới, các vấn đề thai nhi như sự phát triển thần kinh, sảy thai và sinh non ở nữ”, Justin Colacino đến từ Đại học Michigan cho biết.
Phthalates cũng có thể bắt chước hooc-môn trong cơ thể, Colacino nói. Và vì thế, trong các nghiên cứu trước đây nó đã bị nghi ngờ là chất gây ung thư.
Trong nghiên cứu về thức ăn nhanh, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ hơn 8.000 người tham gia khảo sát dinh dưỡng từ năm 2003 đến 2010.
Cuộc điều tra thống kê chế độ ăn của họ, các loại thức ăn nhanh và hàm lượng chất béo tiêu thụ trong mỗi 24 giờ. Bên cạnh đó, một vài thử nghiệm cũng được thực hiện thường xuyên như xét nghiệm nước tiểu.
Kết quả chỉ ra rằng khi lượng tiêu thụ thức ăn nhanh càng lớn, nước tiểu của người tham gia nghiên cứu chỉ ra mức nhiễm phthalates càng cao.
Khi lượng tiêu thụ thức ăn nhanh lớn hơn 1 phần 3 tổng lượng calo trong ngày, người tham gia có nhiều hơn 24% một chất hóa học trong họ phthalate là DEHP, 39% nhiều hơn ở chất DINP, so với người không ăn thức ăn nhanh.
Sự phơi nhiễm có thể đến từ việc thức ăn tiếp xúc với nhựa. “Một số nguồn tiếp xúc tiềm năng như các ống trong nhà máy sản xuất thực phẩm cũng như bao bì trong các giai đoạn để nó đến tay người tiêu dùng”, Zota nói.
“Một nguồn khác là găng tay nhân viên đeo khi cầm thực phẩm”, thường nó là găng tay nhựa vinyl.
Như vậy, nghiên cứu mang ý nghĩa thống kê này chỉ ra rằng nếu lo sợ sự phơi nhiễm hóa chất đến từ thực phẩm, bạn nên tránh xa thức ăn nhanh.
Tuy nhiên, một cá nhân chỉ có thể hạn chế sự ảnh hưởng lên chính họ.
“Điều này sẽ đòi hỏi một số bên liên quan khác vào cuộc như Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm, các ông ty thức ăn nhanh và nhà sản xuất dây chuyền cho họ”, Zota nói.
Theo TTVN
Nguồn: giadinh.net.vn