Chỉ vì chế độ ăn uống không hợp lý, khẩu phần ăn chỉ có gà rán, khoai tây, bánh mì và nước ngọt trong nhiều năm liền mà cậu bé 16 tuổi này đã bị suy giảm thị lực nghiêm trọng dẫn đến mù một bên mắt.
Cậu bé Cian Moore, 16 tuổi sống cùng mẹ tại thành phố Perth, phía Tây nước Úc. Ngay từ khi lên 5 tuổi, cậu bé Cian đã được mẹ mình cho ăn theo một chế độ ăn kiêng kì lạ, trong khẩu phần ăn hằng ngày của cậu chỉ có gà rán, khoai tây, bánh mì và nước ngọt. Dần dần, sức khoẻ cậu bé suy nhược một cách đáng kể, mặc dù có thân hình to cao như các bạn đồng trang lứa nhưng thể chất và thị lực của cậu bé rất yếu.
Thi thoảng cậu bé phàn nàn với mẹ về việc mắt của em có cảm giác rất khô và khó chịu. Mẹ cậu bé Cian Moore đưa cậu đi khám tại bệnh viện, ở đó các bác sĩ lại chẩn đoán cậu bé bị tổn thương thần kinh. Sau một thời gian dài, mắt của Cian không có dấu hiệu khả quan hơn.
Hình ảnh cậu bé Cian Moore
Cho đến khi, bà Moore vô tình xem được một chương trình trên kênh ABC phác thảo về tiến trình điều trị tiên tiến cho người mất thị lực như con của mình thì bà mới nhận ra được vấn đề mà con mình gặp phải.
Vào tháng 12/2015, cậu bé Cian đã được đưa đến gặp GS, bác sĩ Stephanie Watson – một chuyên khoa về mắt, để điều trị. Sau một thời gian kiểm tra các kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết rằng cậu bé bị thiếu hụt vitamin A trầm trọng, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thị lực của Cian ngày càng suy giảm.
Theo bà Stephanie Watson việc thiếu vitamin A là nguyên nhân chủ yếu gây ra suy giảm thị lực, nhưng đây là trường hợp rất hiếm. Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng, các bác sĩ trước kia đã khám cho cậu bé Cian đã chẩn đoán sai bệnh của cậu bé bởi vì họ thiếu quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh của bệnh nhân.
Hiện nay, cậu bé Cian đã cân bằng chế độ ăn uống của mình, bổ sung nhiều thực phẩm có chứa vitamin A cũng như là uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mặc dù mắt phải của em đang dần hồi phục và có khả năng quan sát trở lại, thế nhưng mắt trải của em đã bị tổn thương vĩnh viễn.
Câu chuyện một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về chế độ ăn uống của con em mình hiện nay.
Những điều cần lưu ý:
1. Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe trẻ em
Vitamin A là một vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ.
– Tăng trưởng: Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hoàn thiện hơn. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc.
– Thị giác: Vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt, biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu hay còn gọi quáng gà.
– Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương; tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa.
– Miễn dịch: Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.
– Mới đây người ta còn phát hiện vitamin A có khả năng làm tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn, uốn ván, lao, sởi, phòng chống bệnh ung thư.
2. Nguyên nhân thiếu vitamin A
Đối tượng dễ mắc bệnh thiếu vitamin A đa phần là trẻ em vì chúng không thích ăn các loại rau củ quả, mà chỉ thích những thực phẩm chiên rán, và có chế độ ăn không hợp lý.
Vitamin A có từ thức ăn và được dự trữ ở gan. Thiếu vitamin A chỉ xảy ra khi lượng vitamin A ăn vào không đủ và vitamin A dự trữ bị hết. Các nguyên nhân gây thiếu vitamin A thường gặp:
– Do ăn uống thiếu vitamin A: cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và chất Caroten (tiền vitamin A).
Nếu bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mẹ ăn thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ.
– Do nhiễm trùng: trẻ bị nhiễm trùng đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa cũng gây thiếu vitamin A.
– Do suy dinh dưỡng: thường kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để tham gia việc chuyển hóa vitamin A.
Nhiễm trùng và suy dinh dưỡng làm hạn chế hấp thu, chuyển hoá vitamin A đồng thời làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A, ngược lại thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và suy dinh dưỡng, như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bệnh thêm trầm trọng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Phạm Hậu (th)
Nguồn: giadinh.net.vn