Sau khi nhận kết quả nội soi khiến không ai có thể nói nên lời, bác sỹ đã hỏi thăm gia đình và phát hiện 1 thói quen ăn uống rất có hại: mớm thức ăn.
Vấn đề tiêu hóa ở người trưởng thành là chuyện hầu như ai cũng bị, hoặc từng bị, có thể do chế độ ăn uống, do căng thẳng mệt mỏi, do sức khỏe kém… nhưng một đứa trẻ mới 2 tuổi bị loét dạ dày là chuyện không hề bình thường, khiến ai cũng không khỏi đau lòng, nhất là khi bác sỹ xác định nguyên nhân chính là do người thân của bé.
Thật ra, hầu hết bố mẹ, ông bà đều yêu con cháu hơn chính bản thân mình và điều cuối cùng họ muốn làm trên đời chính là những điều có thể tổn hại con.
Nhưng vấn đề nằm ở hiểu biết của mỗi người, vì yêu thương sai cách đôi khi còn hại hơn cả việc không yêu thương, chẳng hạn cho đến nay nhiều người vẫn còn quan niệm con phải bụ mới là khỏe nên thường khuyến khích, thậm chí ép bé ăn nhiều.
Trong trường hợp em bé 2 tuổi kể trên cũng vậy, cả ông bà lẫn bố mẹ đều muốn tìm mọi cách để bé ăn được thật nhiều.
Nhưng đến một đêm nọ, bé bị nôn, không phải là dòng sữa trắng vừa uống mà là một thứ dịch nâu, khiến bố mẹ hoảng sợ và vội vã đưa bé đi viện.
Tại đây, bé lập tức được nội soi, với kết quả cho ra khiến mọi người không thể thốt thành lời.
Theo giải thích của bác sỹ, trong cơ thể bé có vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) đã gây viêm niêm mạc dạ dày, làm suy yếu chức năng bảo vệ của niêm mạc và hình thành những vết loét dạ dày, để lâu ngày nên dẫn đến biến chứng xuất huyết.
Theo bác sỹ, mỗi năm tại bệnh viện này có 20 trường hợp trẻ phải nhập viện do xuất huyết, thường từ 5-14 tuổi, nhưng ở tuổi còn nhỏ và bị nặng thế này thì thật sự hiếm…
Bác sỹ đề nghị gia đình đi kiểm tra để loại trừ ngyên nhân thì phát hiện thấy kết quả lượng vi khuẩn HP ở người bà, cũng là người gần gũi, thường chăm sóc bé, là rất cao.
Sau khi hỏi thăm, ông phát hiện một thói quen ăn uống rất không khoa học thường thấy từ thời xưa, và nhiều người già vẫn còn lưu giữ: mớm thức ăn.
Người bà đã cho biết vì thấy cháu còn nhỏ, nhai nuốt chưa quen nên đã giúp đỡ bằng cách nhai sẵn thức ăn rồi mớm cho cháu, và bà quả quyết rằng đã từng nuôi con như vậy mà có sao?
Nhưng bác sỹ đã giải thích do trong cơ thể bà có vi khuẩn HP, việc nhai mớm đã vô tình truyền chúng sang cho cháu bé vốn có khả năng đề kháng còn non nớt, niêm mạc dạ dày mỏng manh, nên sinh bệnh.
Quả thật trước khi nôn ra máu ít lâu, bé đã có dấu hiệu ăn uống kém, đau bụng, rối loạn tiêu hóa…
Việc nhai mớm thức ăn cho trẻ thật sự hại hơn hẳn lợi vì:
– Người lớn có những vi sinh vật trong cơ thể, mà với khả năng kháng cự của mình nên không thể hiện bệnh, trong khi cơ thể của trẻ non nớt nên khi bị lây rất dễ dàng phát triển thành bệnh, ngoài các bệnh do vi khuẩn HP gây ra thì còn các bệnh răng miệng, viêm gan, lỵ amip, viêm màng não mô cầu…
– Ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai nuốt của bé, bởi cần có hành động nhai để giúp cho sự phát triển răng, các cơ nhai và các cơ hàm dưới;
– Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, do bé ít nhai cũng đồng nghĩa ít tiết nước bọt để hòa trộn thức ăn, không chỉ khiến món ăn kém ngon mà còn không tốt cho việc hấp thụ.
Vậy nên:
– Bố mẹ và người lớn trong nhà nhất thiết không tiếp tục thói quen nhai mớm thức ăn cho con, nếu thức ăn quá cứng, hãy chọn những cách làm phù hợp như thái nhỏ, hầm mềm, không nên chọn cách dùng máy xay nhuyễn;
– Tập cho con ăn dặm đúng lúc, chọn thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển;
– Bảo đảm vệ sinh cho con;
– Ngoài ra, nhất thiết không để người lạ hôn miệng con!
Những quy tắc này có thể không giống với truyền thống và có thể sẽ làm phật ý một số người chưa hiểu chuyện, cho rằng bạn quá khó khăn, ngăn cản trong khi họ chỉ muốn thể hiện tình yêu thương, nhưng con là con của bạn, trách nhiệm của bạn là bảo vệ bé nên hãy cương quyết lên khi cần nhé!
Theo Afamily/Trí thức trẻ
Nguồn: giadinh.net.vn