Biết được nguyên nhân gây ra sự co giật mí mắt (còn gọi là nháy mắt) sẽ giúp bạn tìm được những phương pháp điều trị thích hợp giúp cải thiện tình trạng này.
Co giật mắt là hiện tượng phổ biến của hầu hết tất cả mọi người. Rất nhiều người giải thích theo hướng tâm linh. Tuy nhiên, với mỗi nền văn hóa khác nhau thì có sự giải thích khác nhau. Ví dụ như người Trung Quốc tin rằng việc mí mắt co giật cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp may mắn trong tương lai, trong khi đó theo người Ấn Độ thì co giật mí mắt là điều không may mắn,…
Còn theo khoa học, việc mí mắt bị co giật có liên quan trực tiếp đến vấn đề về sức khỏe của bạn.
Hiện tượng mí mắt co giật có thể xuất hiện một thời gian ngắn nhưng đôi khi nó có thể kéo dài cả vài tháng trong năm. Biết được nguyên nhân gây ra sự co giật mí mắt sẽ giúp bạn tìm được những phương pháp điều trị thích hợp giúp cải thiện tình trạng này.
Dưới đây là một vài nguyên nhân cơ bản có thể gây ra hiện tượng mí mắt bị co giật.
Căng thẳng, mệt mỏi
Khi bạn bị căng thẳng, mí mắt của bạn sẽ co giật như một phản ứng có điều kiện. Mí mắt sẽ co giật nhiều hơn nếu những căng thẳng của bạn có liên quan đến mỏi mắt. Việc bạn cần làm lúc này là thư giãn cơ thể, mí mắt tự nhiên sẽ hết co giật.
Ngoài ra, nếu bạn ngủ không đủ giấc cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng co giật mí mắt. Vì vậy, hãy sắp xếp thời gian để có thể ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
Cà phê và rượu
Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn và cà phê có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng co giật mí mắt. Biện pháp khắc phục lúc này thật đơn giản, bạn chỉ cần cắt giảm lượng cồn và cà phê tiêu thụ hàng ngày thì hiện tượng co giật mí mắt tự nhiên sẽ giảm.
Khô mắt, mỏi mắt
Khô mắt là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi khi các chức năng của tuyến lệ dần bị suy yếu. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi cũng có thể gặp tình trạng này khi sử dụng máy tính tường xuyên, uống các thuốc trầm cảm hoặc thuốc kháng histamine. Lúc này, bạn cần đi đến bác sĩ nhãn khoa để được điều trị kịp thời.
Nếu nguyên nhân là việc bạn ngồi quá lâu bên máy vi tính thì nên sắp xếp cho mình một lịch làm việc hợp lý và thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi một giờ sử dụng máy tính.
Dị ứng
Những người có cơ địa dị ứng cũng có thể thường xuyên bị co giật mí mắt. Lúc này mắt sản xuất ra một chất có tên gọi là histamine gây ra hiện tượng mắt bị co giật. Biện pháp khắc phục lúc này là sử dụng thuốc kháng histamine hoặc thuốc nhỏ mắt để giảm hiện tượng này.
Thiếu vitamin D
Việc thiếu vitamin D cũng có thể là nguyên nhân gây ra co giật mí mắt. Lúc này bổ sung vitamin D vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày là biện pháp tốt nhất để đẩy lùi hiện tượng trên. Bạn có thể bổ sung vitamin D theo đường uống hoặc sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như dầu olive, cá, sò và các sản phẩm từ sữa.
Viêm mí mắt hoặc viêm giác mạc
Tình trạng viêm mí mắt hoặc viêm giác mạc cũng có thể là nguyên nhân gây co giật mí mắt. Tình trạng này gây ra bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc sự tắc nghẽn ở các tuyến dầu của mí mắt. Viêm mí mắt gây ngứa, sưng ở khu vực bờ mi.
Tuy không thể chữa khỏi được bệnh này nhưng nếu bạn chịu khó chăm sóc và làm sạch mắt thường xuyên thì hiện tượng này có thể giảm bớt. Bên cạnh đó, cần hạn chế trang điểm mắt và dụi tay lên mắt.
Rối loạn thần kinh
Đây là một loại rối loạn chức năng trong cấu trúc bộ não. Nguyên nhân có thể là do tổn thương đến não do ngộ độc đồng, khí độc carbon monoxide, chấn thương vùng đầu, sử dụng thuốc quá liều, nhiễm trùng, đột quỵ, khối u, bệnh gan,….
Do đó, nếu bị co giật mí mắt trong một thời gian dài, bạn nên đi khám bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Thu Nguyễn
Nguồn: giadinh.net.vn
Tôi muốn xjn địa chỉ cụ thể ag
Chào bạn. Bạn có thể đến các viện Y học cổ truyền TW, Viện châm cứu TW… Hoặc muốn sử dụng dịch vụ tại nhà ở khu vực Hà Nội, hãy điện cho số điện thoại hotline trên website. Thân ái
Tôi bị nháy mắt đã 4 tháng nay, đi viện mắt TW khám & lấy thuốc nhưng k giảm, tôi muốn điều trị xin bs chỉ giúp a
Chào bạn. Nháy mắt có nhiều nguyên nhân. Nếu không có nguyên nhân thực thể, thì châm cứu giúp ích tốt cho bạn. Do đó bạn khám chuyên khoa y học cổ truyền để được bác sỹ kiểm tra cho bạn. Thân ái