Chia sẻ của Vân Hugo rằng cô bị nhược thị, hỏng một mắt khiến nhiều người giật mình. Nhược thị là gì? Có chữa được không?
Thị lực kém ở một bên hay cả hai bên mắt xảy ra do một sự trở ngại trong quá trình phát triển thị lực bình thường trong suốt thời thơ ấu có thể dẫn đến tình trạng suốt đời được gọi là “nhược thị”.
Tuy không phải là bệnh phổ biến nhưng hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh nhược thị đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu không điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành thị giác 2 mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhược thị:
Nhược thị do lác là hình thái nhược thị phổ biến nhất.
Nhược thị do tật khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ (độ khúc xạ ở hai mắt không bằng nhau).
Trong trường hợp tật khúc xạ cao, võng mạc sẽ không nhận được hình ảnh rõ nét làm cho thị lực phát triển bất thường gây nhược thị. Ngoài ra, nhược thị còn do võng mạc không được kích thích.
Trong trường hợp này, võng mạc có thể không nhận được kích thích gì vì có sự cản trở đường đi của ánh sáng tới võng mạc, gây ra nhược thị. Loại nhược thị này hay gặp trong sụp mi bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc…
Nguy cơ bị nhược thị
Thông thường khi nhỏ, trẻ bị nhược thị không phàn nàn về thị lực kém, và thỉnh thoảng vấn đề này chỉ được phát hiện lần đầu tiên khi kiểm tra thị lực cả 2 mắt (như việc kiểm trả mắt định kỳ ở trường học).
Đôi khi, phải chú ý tật lác mắt của trẻ khi một bên mắt xuất hiện bị lệch. Với một trong các bệnh lý trên (như là lác mắt ở bên nào, sa mí mắt, hay đục thuỷ tinh thể bẩm sinh), bác sĩ cần kiểm tra tổng quát định kỳ tình trạng nhược thị của trẻ.
Người có nguy cơ cao bị nhược thị khi: Loạn thị nặng, viễn thị hay cận thị; Sự chênh lệch hình ảnh giữa hai mắt; Mất thị lực do các khiếm khuyết thị lực bẩm sinh như sa mí mắt, cườm mắt hay những tổn thương khác ở mắt…
Điều trị
Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh nhược thị rất quan trọng, phát hiện và chữa càng sớm càng tốt.
Điều trị nhược thị cho trẻ trước 4 tuổi chỉ mất dăm bảy ngày, muộn hơn là hằng tuần, muộn hơn nữa phải mất hằng tháng.
Nhưng khi trẻ 7 tuổi trở lên mới được phát hiện và điều trị thì cơ hội chữa khỏi bệnh rất khó khăn. Sau 1-2 năm mắc bệnh, thị lực của trẻ bị giảm nhiều, thậm chí, đến tuổi trưởng thành, thị lực của bệnh nhân giảm xuống mức 1/50, 1/100, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống…
Khi điều trị nhược thị, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp bịt mắt lành để chữa nhược thị cho mắt lác là phương pháp cổ xưa nhất, nhưng cho đến ngày nay, nó vẫn được ứng dụng nhiều nhất do có hiệu quả nhanh, cao và dễ thực hiện nhất.
Trong rất nhiều trường hợp, chỉ cần chữa trị bằng phương pháp bịt mắt đơn giản là khỏi. Ngoài ra, nhược thị còn được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, làm thay đổi thị hướng ngoại tâm lệch lạc của mắt nhược thị trở về thị hướng chính tâm.
Bên cạnh đó, bệnh nhi có thể được áp dụng phương pháp tập luyện phục hồi chức năng thị giác bằng các bài tập đơn giản như nhặt thóc.
Trộn lẫn thóc với gạo rồi khuyến khích trẻ nhặt riêng từng loại. Nó vừa như trò chơi khiến trẻ thích thú lại vừa giúp trẻ chữa bệnh nhược thị hiệu quả. Cũng có thể để trẻ tập bằng máy chuyên dụng với sự hướng dẫn của các bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa.
Phục hồi thị lực
Nếu bắt đầu điều trị trước 6-7 tuổi thường có thể phục hồi được thị lực trở về bình thường. Nếu bắt đầu điều trị khi trẻ lớn hơn, thị lực có thể cải thiện được một phần nhưng khó có thể hoàn toàn bình thường.
Việc điều trị nhược thị có hiệu quả hay không còn tuỳ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết, sự kết hợp từ phía gia đình bệnh nhân.
Định kỳ khám và đánh giá tình trạng khúc xạ ít nhất 3 tháng/lần. Theo dõi và đánh giá thường xuyên vì có tới 60% trường hợp tái nhược thị sau 3 tháng nếu không được điều trị.
Thị lực của trẻ có thể phục hồi nhung vẫn cần khuyến khích trẻ tiếp tục điều trị để có được thị lực tốt về lâu dài.
Thái Antổng hợp
Nguồn Vietnamnet