Trên phim ảnh, chúng ta thường thấy nạn nhân bị đột quỵ tỏ ra đau đớn và ngã xuống. Căn bệnh này khó nhận biết triệu chứng, gây tử vong nhanh chóng nếu không sơ cứu kịp thời.
Đột quỵ (Stroke) hay tai biến mạch máu não (CVA) xảy ra khi máu bơm lên não bị ngừng đột ngột vì cục máu đông trong động mạch hay mạch máu bị vỡ ra, gây xuất huyết trong não. Khi đó, não không nhận được oxy và tế bào não bắt đầu chết dần trong vòng một tiếng, đôi khi có thể kéo dài trong vòng vài giờ. Khi bị đột quỵ, bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện ngay lập tức.
Làm gì khi người thân bị đột quỵ. Ảnh: Howcast.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack – TIA) hay còn gọi là “mini stroke” là một cơn rối loạn chức năng não thoáng qua gây ra bởi sự thiếu máu cục bộ ở não với các biểu hiện tương tự CVA kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp ngay lập tức vì một TIA có thể dẫn đến cơn đột quỵ CVA nghiêm trọng.
Trên phim ảnh, chúng ta thường thấy nạn nhân bị đột quỵ tỏ ra đau đớn và ngã xuống. Nhưng thực tế, đột quỵ hiếm khi thấy rõ triệu chứng. Nạn nhân càng được đưa đến bệnh viện sớm, cơ hội sống sót càng cao, các bác sĩ có thể cứu được cơ bắp, sự vận động và não.
Đối với trường hợp bị đột quỵ do cục máu đông làm tắt nghẽn máu bơm lên não, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu như nửa mặt xệ xuống. Một số nạn nhân có dấu hiệu nhức đầu dữ dội vì máu bơm không nhiều, khi đó nạn nhân cần tỉnh táo để nói với người thân.
Khi nạn nhân bị nhức đầu đột ngột, gia đình cần quan sát xem hai vùng dưới mang tai có vùng nào nhịp đập đột ngột không, mắt bên vùng máu không lên được não sẽ to hơn, lồi hơn. Khi máu không lên được não, mặt sẽ xệ xuống, nước mắt và có thể là nước dãi sẽ chảy ra. Nếu bị tắc nghẽn bên trái thì thân bên phải có dấu hiệu liệt nhẹ và ngược lại. Nạn nhân có thể đứng không vững.
Cách phát hiện đột quỵ
Tùy thuộc vào vị trí của cục máu đông mà bạn sẽ thấy rõ những biểu hiện hoặc không có biểu hiện. Hãy áp dụng bài test dưới đây cho người thân để phát hiện đột quỵ kịp thời:
F – Face: Bệnh nhân có thể cười không? Mặt, miệng có bị méo, xệ không?
A – Arms: Yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay ngang nhau trong 10 giây. Nếu không thể giữ yên là có vấn đề.
S – Speech: Bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường không? Họ diễn đạt có gây khó hiểu không?
T – Time: Thời gian vô cùng khẩn thiết. Cần đưa họ đến ngay bệnh viện nếu phát hiện các biểu hiện trên.
Các thao tác sơ cứu
– Thực hiện các bước Hỗ trợ sự sống căn bản (DRSABCD), bao gồm kiểm tra phản ứng của nạn nhân, gọi cấp cứu, giúp thông thoáng đường thở, kiểm tra hơi thở, thực hiện CPR hồi sinh tim phổi. Nếu có máy khử rung tim thì nên sử dụng để theo dõi tiến triển.
– Đặt bệnh nhân ở vị trí thoải mái nhất.
– Trấn an bệnh nhân vì có thể bệnh nhân bị lẫn trí.
– Đảm bảo đường thở sạch và thông thoáng.
– Nếu bệnh nhân bất tỉnh, đặt bệnh nhân nằm nghiêng một bên.
Theo Zing.vn
Nguồn: giadinh.net.vn