Bước vào đời sống hôn nhân khi công việc chưa ổn định nên vợ chồng chị Ng.T.A.K (25 tuổi; ngụ tại quận 6, TP HCM) quyết định tạm chưa có con trong vài năm để tập trung lo chuyện làm ăn.
Nhiều tác dụng phụ
Sau khi đắn đo suy nghĩ, chị K. quyết định ra nhà thuốc mua một vỉ thuốc tránh thai hiệu R. Cho dù đây là thuốc tránh thai thế hệ thứ 3, liều thấp nhưng chị K. cũng gặp một số tác dụng phụ như nóng, nổi mụn… nên đã ngừng uống sau vỉ thứ hai.
Sau đó, chị K. tìm đến một bệnh viện (BV) chuyên khoa sản. Do công việc bận rộn, chị chỉ tranh thủ đọc qua các biện pháp tránh thai trên mạng rồi vào đăng ký đặt vòng tránh thai nội tiết ngay mà không cần tư vấn. Thực ra, chị lựa chọn do thấy đây là biện pháp mới, tác dụng lâu dài, không nghĩ nó cũng là biện pháp tương tự như thuốc tránh thai, liều lại cao hơn. Ít lâu sau, chị phải trở lại BV tháo vòng vì bị rong kinh và nhiều tác dụng phụ khác.
Vợ chồng chị Tr.T.V (27 tuổi, giáo viên THPT ở quận Bình Thạnh) cũng quyết định “kế hoạch” khoảng 3 năm sau cưới để tập trung làm việc kiếm tiền mua căn chung cư trả góp. Chị V. cũng đến BV và chọn biện pháp tiêm thuốc tránh thai, mỗi liều có tác dụng trong vòng 3 tháng. Dùng đến liều thứ 6, kế hoạch hoãn có con của họ phải dừng lại vì cha mẹ 2 bên muốn có cháu. Chị V. ngưng tiêm thuốc và tháng nào cũng mong chờ kết quả. Thế nhưng, gần 1 năm sau cũng chẳng có tin vui, chị bắt đầu hoang mang. Cuối cùng, chờ thêm 6 tháng nữa chị cũng có thai sau một giai đoạn dài âu lo, căng thẳng.
Cần được bác sĩ tư vấn
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, để hạn chế những vấn đề thường gặp nêu trên, chị em nên đến BV để được tư vấn kỹ về các tác dụng, bao gồm tác dụng phụ, của một biện pháp tránh thai nào đó trước khi áp dụng, nhất là các biện pháp tránh thai lâu dài.
Ngoài yếu tố sức khỏe, các vấn đề về công việc, lối sống, kế hoạch sinh con cũng cần được cân nhắc. Ví dụ, với thuốc tiêm tránh thai, một số phụ nữ sau nhiều lần tiêm thuốc rồi dừng thì khả năng có con của họ trở lại khá chậm cho dù đã hết thời hạn “an toàn” của mũi tiêm. Vì vậy, biện pháp này không phù hợp với người không muốn tránh thai lâu dài hoặc muốn có con ngay sau khi dừng tránh thai. Thay vào đó, họ có thể chọn biện pháp khác, như thuốc tránh thai nội tiết chẳng hạn.
Trong một hội thảo được tổ chức ở TP HCM gần đây, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, cũng từng khuyến cáo đối tượng phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình nhưng có đời sống tình dục hoặc đã lập gia đình nhưng tạm thời chưa muốn có con nên suy nghĩ kỹ khi có ý định áp dụng các biện pháp có sử dụng dụng cụ tử cung, ví dụ như vòng tránh thai. Bởi lẽ chúng có tác dụng lâu dài, có loại lên đến hàng chục năm, nên nếu chỉ dùng ít lâu lại phải tháo ra thì khá phiền toái.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các biện pháp tránh thai an toàn như thuốc tiêm, miếng dán, vòng tránh thai… dù được thực hiện ở các đơn vị chuyên khoa sản tốt thì người sử dụng vẫn cần được theo dõi kỹ. Đừng quên tái khám theo hẹn và chú ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Trước khi dùng thuốc, nên đi khám
Nhiều người nghĩ rằng thuốc tránh thai nội tiết có thể mua mà không cần toa của bác sĩ nên chỉ đơn giản hỏi bạn bè hay mua một loại nào đó họ được biết qua quảng cáo. “Khi quyết định dùng thuốc tránh thai nội tiết, chị em nên được BS sản khoa thăm khám, tư vấn bởi cơ địa mỗi người mỗi khác, chưa kể đến việc họ có thể đang mắc một số bệnh lý nội khoa mà thuốc tránh thai có thể dẫn đến tương tác bất lợi. Họ cũng cần được hướng dẫn cách sử dụng, theo dõi các tác dụng phụ nếu có” – BS Nguyễn Ngọc Thông lưu ý.
Thông thường trong khoảng 2-3 tháng đầu, nhiều phụ nữ mới dùng thuốc tránh thai sẽ bị phiền toái bởi các tác dụng phụ nhưng hầu hết các nỗi khó chịu này sẽ giảm dần và mất đi nếu tiếp tục dùng thuốc đều đặn. Nhiều người mới dùng 1-2 tháng, thấy tác dụng phụ vội bỏ loại thuốc đang dùng, dùng sang một loại mới, như vậy cơ thể càng dễ gặp phản ứng không mong muốn hơn, rối loạn nội tiết vì liên tục đổi thuốc, dùng sai phác đồ…
Nguồn Người lao động