Y học cổ truyền huyết áp thấp (đông y)

Đại cương

Huyết áp thấp là biểu hiện của sự rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch. Bệnh huyết áp thấp có thể bao gồm huyết áp thấp triệu chứng và huyết áp thấp tư thế.

Huyết áp thấp là khi trị số huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg, mạch áp có hiệu số thường dưới 20 mmHg.

Triệu chứng chủ yếu là hoa mắt, chóng mặt. Huyết áp thấp theo YHCT thuộc thể hư của chứng “huyễn vựng”.

Triệu chứng lâm sàng

Huyết áp thấp trên lâm sàng thường chia ra “huyết áp thấp triệu chứng” và “huyết áp thấp tư thế”.

Huyết áp thấp triệu chứng là loại huyết áp thấp thứ nhất thường gặp trong các bệnh xuất huyết cấp, bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, nhịp tim không đều (tim đập quá nhanh hoặc quá chậm), thiếu máu mạn tính, trạng thái dinh dưỡng kém kéo dài … Ngoài những triệu chứng của bệnh gây nên huyết áp thấp, đo huyết áp tối đa dưới 90 mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg, mạch áp dưới 20 mmHg. Người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần buồn ngủ, khó thở, lười nói, hồi hộp. Người lớn và cao tuổi có hiện tượng đau tức ngực, đau đầu, trí nhớ giảm, tinh thần khó tập trung, nặng có thể hôn mê, đột quỵ (trúng phong, tai biến mạch não do tắc mạch não) hoặc nhồi máu cơ tim.

Huyết áp thấp do tư thế có đặc điểm là bệnh nhân đang tư thế nằm lúc đứng dậy huyết áp tụt nhanh, thường gặp ở người cao tuổi và có trạng thái suy nhược kéo dài, cũng có thể thứ phát của các bệnh Addison, thiểu năng tuyến giáp, bệnh thần kinh do tiểu đường, chứng rỗng tủy. Ngoài ra thuốc hạ áp cũng có thể gây huyết áp thấp như Reserpin…

Trên lâm sàng dù huyết áp thấp do nguyên nhân nào thì biểu hiện chủ yếu là lúc đứng dậy đột ngột đều sinh hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mắt mờ, người mệt mỏi, chân tay lạnh, thậm chí hôn mê, đột quỵ, huyết áp tụt rõ rệt. Người bệnh có lúc đứng lâu tụt huyết áp, ra mồ hôi, buồn nôn, tim đập chậm. Những người huyết áp thấp nguyên phát tư thế đứng thẳng (phần nhiều người lớn tuổi) có thể kèm theo liệt dương, tiểu tiện không tự chủ, sau một thời gian có thể phát sinh nói khó, sụp mi mắt, đi không vững, chân tay run, tê dại … Hội chứng huyết áp thấp nặng phát sinh tụt huyết áp đột ngột, sắc mặt trắng bệch, ra mồ hôi lạnh, buồn nôn, không ngồi đứng dậy được dẫn tới hôn mê, tay chân lạnh, mạch tế huyền sác. Đối với những người cao tuổi huyết áp thấp cần cảnh giác với hội chứng bệnh lý này.

Chẩn đoán

Có triệu chứng váng đầu, mệt mỏi, huyết áp dưới 90/60 mmHg.

Có triệu chứng thiếu máu não kèm theo huyết áp thấp tư thế. Có 1 trong 2 điểm có thể xác định chẩn đoán, trường hợp thứ 2 xác định là huyết áp thấp tư thế.

Biện chứng luận trị

Chứng huyết áp thấp do bất kỳ nguyên nhân nào, theo y học cổ truyền đều thuộc “chứng Hư”. Nhẹ thì do Tâm dương bất túc, Tỳ khí suy nhược, nặng thì thuộc thể Tâm.

Thận dương suy, vong dương hư thoát.

Tâm dương bất túc

Thường gặp ở tuổi thanh nữ và người cao tuổi.

Triệu chứng lâm sàng:

Váng đầu, hoa mắt, tinh thần mệt mỏi, buồn ngủ, ngón tay lạnh, chất lưỡi nhạt, thân lưỡi bệu, rêu trắng nhuận, mạch hoãn vô lực hoặc trầm tế.

Phép trị:

Ôn bổ Tâm dương.

Bài thuốc:

“Quế chi cam thảo thang gia vị”

Nhục quế, Quế chi, Chích cam thảo đều 10g, mỗi ngày 1 thang sắc uống liên tục 9 – 12 thang, hoặc hãm nước sôi uống như nước trà.

Gia giảm:

Trong trường hợp chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, là chứng khí âm bất túc, gia Mạch môn, Ngũ vị để ích khí dưỡng âm.

Trường hợp khí hư, ít nói, ra mồ hôi thì bổ khí, dùng gia Hồng sâm để bổ khí trợ dương.

Trường hợp HA tâm thu dưới 60 mmHg, chân tay lạnh, có triệu chứng vong dương, đơn trên bỏ Quế chi gia Hồng nhân sâm, Phụ tử chế để hồi dương cứu thoát.

Trung khí bất túc, Tỳ Vị hư nhược

Triệu chứng lâm sàng:

Váng đầu, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, tinh thần mệt mỏi, chân tay mềm yếu, sợ lạnh, dễ ra mồ hôi, ăn kém, ăn xong đầy bụng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng hoạt, mạch hoãn vô lực.

Phép trị:

Bổ trung ích khí, kiện tỳ vị.

Bài thuốc:

“Hương sa lục quân gia giảm”.

Hồng sâm 8g, Bạch truật 10g, Bạch linh 10g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 12g, Bạch thược 12g, Chỉ thực 8g, Trần bì 8g, Mộc hương 6g, Sa nhân 6g, Quế chi 6g, Chích thảo 4g, Đại táo 12g, Gừng tươi 3 lát.

Sắc uống ngày 1 thang.

Tỳ Thận dương hư

Triệu chứng lâm sàng:

Váng đầu, ù tai, mất ngủ, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, đau lưng mỏi gối, chân tay lạnh, sợ lạnh hoặc di tinh, liệt dương, tiểu đêm, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược.

Phép trị:

Ôn bổ Tỳ Thận dương.

Bài thuốc:

“Chân vũ thang gia vị”.

Đảng sâm 12g, Chế phụ tử 6 – 8g (sắc trước), Bạch truật 12g, Bạch thược 12g, Bạch linh 12g, Nhục quế 6g, Câu kỷ tử 12g, Liên nhục 12g, Bá tử nhân 12g, Ích trí nhân 10g, Toan táo nhân (sao) 20g, Dạ giao đằng 12g, Gừng tươi 3 lát, sắc uống.

Khí âm lưỡng hư

Triệu chứng lâm sàng:

Đau đầu, chóng mặt, mồm khát, họng khô, lưỡi thon đỏ, ít rêu, khô, mạch tế sác.

Phép trị:

Ích khí dưỡng âm.

Bài thuốc:

“Sinh mạch tán gia vị”

Tây dương sâm 20g, Mạch môn 16g, Ngũ vị tử 4g, Hoàng tinh 12g sắc uống.

Những bài thuốc kinh nghiệm

Trà Quế cam (Vương Hưng Quốc, tỉnh Sơn Đông, Sở nghiên cứu trung y tế Ninh):

Công thức: Quế chi, Cam thảo đều 8g, Quế tâm 3g, ngày 1 gói hãm nước sôi uống.

Liệu trình: 50 ngày.

Quế chi cam phụ thang (Dương Vạn Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc):

Công thức: Quế chi, Cam thảo, Xuyên phụ tử đều 15g, ngày 1 thang hãm nước sôi uống thay trà.

Ghi chú: Lúc dùng thuốc bệnh nhân ngủ kém gia Dạ giao đằng 50 – 70g. Trường hợp nặng có thể gia thêm Hồng sâm 15 – 25g, Phụ tử gia đến 30g sắc trước 1 giờ. Trước khi dùng bài này, tác giả đã dùng các bài “Bổ trung ích khí, Quy tỳ thang”, kết quả không rõ rệt.

Thục địa hoàng kỳ thang (Vương Triệu Khuê, Hà Bắc):

Công thức: Thục địa 24g, Sơn dược 24g, Đơn bì, Trạch tả, Phục linh, Mạch môn, Ngũ vị tử đều 10g, Sơn thù 15g, Hoàng kỳ 15g, Nhân sâm 6g (Đảng sâm 12g) sắc uống.

Biện chứng gia giảm: Khí hư rõ dùng Hoàng kỳ 20 – 30g, Khí âm lưỡng hư: thay Nhân sâm bằng Thái tử sâm 20g, huyết hư gia Đương quy, váng đầu nặng gia Cúc hoa, Tang diệp, âm hư hỏa vượng gia Hoàng bá, Tri mẫu, kiêm thấp: trọng dụng Phục linh, lưng gối nhức mỏi, chân sợ lạnh: gia Phụ tử, Nhục quế.

Trương thị thăng áp thang (Trương Liên Ba, tỉnh Giang Tô):

Công thức: Đảng sâm 12g, Hoàng tinh 12g, Nhục quế 10g, Đại táo 10 quả, Cam thảo 6g. Sắc uống.

Liệu trình: 15 ngày.

Điều trị bằng châm cứu

Cứu các huyệt sau: Bách hội, Túc tam lý, Quan nguyên, Khí hải, Dũng tuyền, có thể chọn 3 hoặc 4 huyệt mỗi lần theo kinh nghiệm của chúng tôi có kết quả tốt.

Điều trị bằng thuốc tây

Tốt nhất là tìm nguyên nhân gây tụt huyết áp để loại trừ (do bệnh hay do dùng thuốc). Những người có tiền sử hạ huyết áp tư thế (thế đứng) cần chú ý thận trọng lúc dùng thuốc hạ áp, và tránh dùng những loại thuốc dễ gây tụt huyết áp.

Có thể dùng các loại thuốc:

Heptamyl viên 0,2 mỗi lần uống 12 viên x 3 lần/ngày.

Heptamyl giọt, mỗi lần uống 30 – 50 giọt x 3 lần/ngày. Trẻ em 10 – 20 giọt x 2 lần/ngày.

Heptamin tiêm 2 ml (125 mg) tiêm bắp hay tĩnh mạch chậm, người lớn 2 – 10 ml/lần, mỗi ngày có thể tiêm một hay nhiều lần.

Praxinor (Théodrénaline + Cafédrine) uống 2 viên vào sáng và 1 viên vào đầu giờ trưa.

Đối với huyết áp tụt thể đứng có thể dùng các biện pháp buộc băng chân hoặc nịt ép bụng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận