Đại cương
Bệnh học và điều trị bệnh Tạng Phế và Phủ Đại trường là phần khởi đầu của chương thứ 2 của quyển bệnh học và điều trị. Chương này đề cập đến những bệnh ở tất cả các Tạng Phủ gây bởi nội nhân (rối loạn tình chí), hoặc bởi những nguyên nhân khác như ăn uống (ẩm thực), lao nhọc, phòng dục, bệnh nội thương lâu ngày… trong chương này hoàn toàn không đề cập đến những bệnh do ngoại nhân.
Chức năng sinh lý tạng phế và phủ đại trường
Cơ sở hậu thiên bát quái
Theo YHCT, tạng Phế ứng với quẻ Đoài.
Quẻ Đoài tượng trưng cho ao, hồ nước:
Tính chất của ao hồ tuy phẳng lặng nhưng cũng rất dễ dao động khi có ngọn gió thổi qua. Do đó, tính chất của Phế cũng dễ bị tác động của nhân tố bên ngoài, nên người xưa cho rằng Phế là 1 tạng rất non nớt “Phế vi kiều tạng”, rất dễ cảm nhiễm ngoại tà.
Tính chất của ao hồ là đem lại sự tươi mát để điều hòa sự hanh khô và đem lại sự ấm áp để đối phó với cái lạnh lẽo của khí hậu. Do đó chức năng của tạng Phế là điều hòa cho bên trong nhân thể. Sách Tố vấn, chương Linh lan bí điển ghi: “Phế giả tướng phó chi quan, trị tiết xuất yên”, ý nói, Phế như là 1 người phụ tá cho Vua làm công việc điều tiết.
Nước hồ là dự trữ của đất để đối phó với khô hạn của thời tiết. Có nghĩa là ao hồ luôn tạo được sự ẩm thấp cho đất thì mới đối phó được với sự khô hạn của thời tiết. Ở đây, ý nói đến mối liên hệ giữa Phế (Quẻ Đoài tượng cho ao hồ) và Tỳ (Quẻ Khôn tượng cho đất).
Quẻ Đoài thuộc chính Thu:
Quẻ Đoài thuộc về chính Thu, cũng là mùa khô ráo, do đó vào mùa này, các bệnh tật ở tạng Phế đều có thể xảy ra hay biến đổi rõ rệt.
Theo YHCT, phủ Đại trường ứng với quẻ Cấn.
Quẻ cấn tượng trưng cho núi, tượng trưng cho sự bất động. Do đó, Phủ Đại trường và tạng Phế cùng có 1 tính chất là yên tĩnh và biểu hiện cho sự yên tĩnh (Lý/bên trong) là sự bất động(biểu/bên ngoài).
Đặc điểm của ao, hồ nước là dễ xao động bởi gió, dễ bị khô cạn bởi nắng nóng. Trong khi đó núi sẽ che chở cho ao, hồ nước. Ngăn được gió sẽ ngăn được sự bốc hơi khô cạn. Đó cũng là cơ sở để người xưa diễn tả mối liên quan giữa Phế và Đại trường.
Cơ sở nội kinh
Phế thuộc tính Táo Kim, có liên quan hoặc biểu thị cụ thể bằng những đặc điểm bên ngoài ở bì mao, tiếng khóc, tiếng ho, mũi, vị cay, sự buồn rầu. Thiên Âm Dương ứng tượng đại luận viết: “Kỳ tại thiên vi táo, tại địa vị Kim, tại vi thể vi bì mao, tại tạng vi Phế, tại ắc vi thanh, tại thanh vi khốc, tại biến động vi khái, tại khiếu vi ti, tại Vị vi tân, tại chí vi ưu”.
Mọi thứ khí trong người đều do Phế chủ quản, trong đó cần chú ý đến chính khí. Ở đây là chỉ nguồn năng lực hoạt động của cơ thể con người. Thiên Ngũ tạng sinh thành thiên viết: “Chư khí giả giai thuộc vu Phế”. Tính của Phế là làm cho khí trở nên sạch, làm cho khí giáng xuống “Phế khí túc giáng”. Chức năng này của Phế có liên quan chặt chẽ đến cơ quan hô hấp. Ngoài ra, Phế không những là nơi hội tụ của khí mà còn là nơi hội tụ của huyết mạch. Thiên Kinh mạch biệt luận – sách Tố Vấn viết: “Mạch khí vu kinh, kinh khí quy vu Phế, Phế triều bách mạch”.
Phế có chức năng điều hòa các tạng phủ khác, như 1 người tướng phò giúp vua. Thiên Linh lan bí điển luận viết: “Phế giả tướng phó chi quan, trị tiết xuất yên”.
Phế có chức năng thông điều thủy đạo, mà Phế là thượng nguồn, “Phế chủ thông điều thủy đạo. Phế vi thủy chi thượng nguyên”.
Những vùng cơ thể và yếu tố tâm thần, tâm lý có liên quan đến tạng Phế.
– Mũi: Kim quỹ chân ngôn luận/Tố Vấn viết: “Khai khiếu ở tỵ, tàng tinh ở Phế”. Linh khu mạch độ thiên: “Phế khí thông vu tỵ, Phế hòa tắc tỵ năng tri hương xứ hỷ”. Ý nói tinh thần và khí của Phế mà đầy đủ thì mũi sẽ nhận biết được mùi thơm thối.
Da, lông: Lục tiết tạng tượng luận/Tố vấn: “Phế giả… kỳ ba tại mao”. Ý nói sự tươi tốt của Phế sẽ biểu hiện ra ở da, lông.
Hồn: Loại kinh tạng/Tạng tượng loại, quyển 3: “Hồn chi vi dụng, năng động tác, thông dương do chi nghi giác giả”. Ý nói Phế tàng hồn, mà tính của hồn là năng động. Mọi cảm giác đau hay ngứa cũng đều tri giác được.
Chức năng của Đại trường là tống chất cặn bã ra ngoài. Linh lan bí điển luận/Tố vấn viết: “Đại trường giả tiền đạo chi quan, biến hóa xuất yên”. Lý Diên chú giải: “Thức ăn trong Vị đã ngấu nát, từ miệng dưới của Vị truyền xuống Tiểu trường, Tiểu trường phân biệt ra thanh trọc, chất nước vào miệng trên của bàng quang, cặn bã vào miệng trên của Đại trường, Đại tràng tống chất cặn bã ra ngoài”.
Tương quan với các tạng phủ khác
Tạng Phế liên quan tới Phủ Đại trường theo quan hệ biểu lý. Trong đó Phủ Đại trường có chức năng chứa đựng và tống chất cặn bã (phân) ra ngoài. Mối liên quan này sẽ được vận dụng khi có 1 số chứng ở phế như sốt, ho, khó thở sẽ dùng thuốc tẩy xổ tác dụng đến Phủ Đại trường. Ngược lại, 1 số chứng táo bón chức năng mạn tính do Đại trường sẽ dùng những thuốc bổ, sinh tân dịch cho tạng Phế.
Tạng Phế liên quan đến Tỳ qua cơ sở Kinh dịch (Đoài: ao hồ, Khôn: đất), qua cơ sở ngũ hành (Tỳ Thổ sinh Phế Kim). Mối quan hệ này sẽ được vận dụng khi có 1 số bệnh táo do Tỳ hư sẽ dùng thuốc bổ vào Phế âm, cũng như 1 số bệnh gây ho nhiều đờm ở Phế lại được chữa theo hướng kiện Tỳ hóa đờm.
Tạng Phế liên quan đến tạng Thận qua cơ sở Kinh dịch (Đoài: ao hồ, Khảm: nước) và qua cở sở ngũ hành (Phế Kim sinh Thận thủy). Trong chức năng, chúng có mối liên quan như Thận chủ Thủy mà Phế lại hành Thủy (Phế thông điều thủy đạo). Do đó, khi có 1 số chứng phù thũng do Thận lại chữa theo cách tuyên thông Phế khí. Ngược lại, Phế chủ khí, Thận nạp khí. Cho nên 1 số bệnh ho hen được điều trị bằng thuốc bổ Thận.
Sau cùng là mối liên quan giữa Phế và Tâm theo chiều tương khắc (Tâm Hỏa khắc Phế Kim). Do đó, Tâm hỏa vượng cũng là nguyên nhân khái huyết. Ngoài ra, Tâm chủ huyết và Phế chủ khí, khí hành thì huyết hành, khí đến thì huyết đến, khí không đủ thì huyết không được sinh ra. Huyết hư thì khí cũng hư.
Hội chứng bệnh phế đại trường
Phế âm hư
Nguyên nhân:
Bệnh lâu ngày có nhiệt làm hao tổn Phế dịch.
Do Thận âm hư đưa đến (tử đạt mẫu khí).
Bệnh sinh:
Phế âm hư dẫn đến:
Sinh nhiệt: gò má đỏ, phiền nhiệt.
Hư hỏa làm bức huyết.
Phế dịch giảm: ho khan, khô khát.
Phế khí suy giảm: khó thở, đoản hơi.
Triệu chứng lâm sàng:
Ho khan, ho có đờm hoặc máu, cổ họng khô, ngực nóng, miệng khô, khát nước. Hô hấp ngắn, nói khó, tiếng nói thô ráp.
Hai gò má đỏ. Sắc mặt hồng, người bức rức. Sốt hoặc cảm giác nóng, sốt về chiều hoặc về đêm, lòng bàn tay nóng.
Đạo hãn, táo bón. Nước tiểu sẫm màu (vàng đỏ hoặc đục), tiểu sẻn.
Lưỡi khô đỏ, rêu trắng khô. Mạch nhanh nhỏ, tế sác, vô lực.
Bệnh cảnh YHHĐ thường gặp:
Lao phổi.
Ung thư phế quản phổi.
Pháp trị:
Dưỡng Phế âm.
Phương dược:
Bài thuốc Nhất âm tiễn gia giảm (Cảnh Nhạc toàn thư).
Phân tích bài thuốc: (Pháp Thanh)
Vị thuốc |
Dược lý YHCT |
Vai trò của các vị thuốc |
Mạch môn |
Ngọt, hơi đắng, hơi lạnh, vào Phế, Vị, Tâm. Hạ sốt, nhuận phế , sinh tân |
Quân |
Sinh địa |
Hàn, ngọt, đắng vào Tâm, can, Thận. Thanh nhiệt, nuôi Thận, dưỡng âm, dưỡng huyết |
Thần |
Địa cốt bì |
Ngọt, hơi đắng, tính hàn vào Can, Thận, Phế. Thanh Phế nhiệt, chỉ khái, chữa Can uất hỏa gây huyễn vựng, điều trị cốt chưng, ra mồ hôi. |
Thần |
Bạch thược |
Đắng, chát, chua vào Can, Tỳ, Phế. Nhuận gan, dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu. |
Tá |
Tri mẫu |
Vị đắng, lạnh. |
Tá |
Cam thảo |
Ngọt ôn. Vào 12 kinh. |
Sứ |
Công thức huyệt sử dụng:
Tên huyệt |
Cơ sở lý luận |
Tác dụng điều trị |
Thái uyên |
Nguyên huyệt của Phế |
Bổ Phế âm |
Thiên lịch |
Lạc huyệt của Đại trường |
|
Tam âm giao |
Giao hội huyệt của 3 kinh âm/chân. Huyệt đặc hiệu chữa bệnh sinh dục – tiết niệu. |
Tư âm |
Phế du |
Du huyệt của Phế |
Bổ Phế âm |
Thận du |
Bối du huyệt/Thận |
Tư âm bổ Thận |
Tỳ phế thận khí hư
Nguyên nhân:
Do bệnh nội thương của 1 trong 3 tạng đều có thể đưa đến theo con đường “Mẫu bệnh cập tử” hoặc “Tử đạt mẫu khí”.
Bệnh sinh:
Phế khí giảm:
Gây mệt mỏi, đoản khí, tiếng ho yếu ớt. Đờm là sản vật bệnh lý của Phế, nay Phế khí hư sinh nội đàm, đờm trong.
Phế khí hư (dương hư): sợ lạnh.
Không thông điều được thủy đạo, mà Phế là thượng nguồn nên thủy thấp đình đọng phía trên gây phù mặt.
Tỳ khí giảm:
Phù tay chân, bụng trướng óc ách, đi cầu phân lỏng.
Thận khí giảm:
Không nạp được khí, hít vào ngắn, thở ra dài.
Di tinh, vô kinh, đau lưng, mỏi gối.
Triệu chứng lâm sàng:
Mặt sưng, sắc mặt nhợt, tiếng ho không có lực, hô hấp ngắn, hít vào ngắn, thở ra dài. Tiếng nói nhỏ, ho đàm, di tinh, vô kinh.
Tay chân lạnh, đau vùng thắt lưng, đau mỏi 2 gối.
Lưỡi trong, mạch phù nhược, vô lực.
Bệnh cảnh YHHĐ thường gặp:
Hen Phế quản mạn nặng.
Suy hô hấp mạn.
Khí Phế thũng.
Lao phổi.
Pháp trị:
Kiện Tỳ ích khí và cố Thận nạp khí.
Phương dược:
Bài thuốc Sâm linh bạch truật tán (Cục phương).
Phân tích bài thuốc: (Pháp Ôn – Bổ)
Vị thuốc |
Dược lý YHCT |
Vai trò của các vị thuốc |
Nhân sâm |
Ngọt, hơi đắng, ôn, vào Phế Tỳ. Đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân. |
Quân |
Bạch linh |
Ngọt, bình vào Tâm, Tỳ, Phế, Thận. Lợi niệu, thẩm thấp, kiện Tỳ, an thần |
Thần |
Bạch truật |
Ngọt, đắng ấm vào Tỳ Vị. Kiện Tỳ, táo thấp, chỉ hãn, an thần. |
Thần |
Bạch biển đậu |
Ngọt, hơi ấm, vào Tỳ vị. Hòa trung, hạ khí, bổ Tỳ Vị, chỉ tả lị, phiền khát, đau bụng. |
Thần |
Hoài sơn |
Ngọt, bình, vào Tỳ, Vị, Phế, Thận. Bổ Tỳ, chỉ tả, bổ Phế, sinh tân, chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh. |
Thần |
Sa nhân |
Cay, ấm vào Tỳ Thận, Vị. |
Tá |
Ý dĩ |
Ngọt, lạnh vào Tỳ Vị Phế. |
Tá |
Hạt sen |
Ngọt, sáp, bình vào Tâm, Tỳ, Thận. Cố tinh, chỉ tả, bổ Tỳ, dưỡng tâm |
Tá |
Cát cánh |
Ngọt, đắng, cay, bình. Thông khí Phế, tiêu đờm, lợi hầu họng, bài ung, giải độc, dẫn thuốc lên. |
Tá |
Cam thảo |
Ngọt ôn. Vào 12 kinh. Bổ trung khí, hòa hoãn, hóa giải độc. |
Sứ |
Công thức huyệt sử dụng:
Tên huyệt |
Cơ sở lý luận |
Tác dụng điều trị |
Thái uyên |
Nguyên huyệt của Phế |
Bổ Phế âm |
Thiên lịch |
Lạc huyệt của Đại trường |
|
Trung phủ |
Mộ huyệt của Phế |
Bổ Phế âm |
Phế du |
Du huyệt của Phế |
|
Khí hải |
Bể của khí. Bổ huyệt này giúp ích được cho chân tạng vãn hồi được sinh khí, ôn hạ nguyên, chấn được Thận dương |
Điều khí ích nguyên. Bồi Thận bổ hư → Chữa chứng mệt mỏi, suy nhược, ăn uống khó tiêu. |
Đản trung |
Hội của khí |
Bổ khí |
Thận du |
Du huyệt của Thận. Ích Thủy Tráng Hỏa |
Kèm chữa chứng đau lưng |
Tỳ du |
Du huyệt của Tỳ |
Kiện Tỳ |
Mệnh môn |
Đặc hiệu dùng chữa chứng chân hỏa hư. Bổ mệnh môn tướng hỏa |
Ôn bổ Tỳ Thận |
Phục lưu |
Kinh Kim huyệt của Thận. |
Tư âm bổ Thận. |
Tam âm giao |
Giao hội huyệt của 3 kinh âm ở chân. Huyệt đặc hiệu bổ âm. |
Tư âm |