Thuốc y học cổ truyền có tác dụng trên miễn dịch tế bào, miễn dịch dịch thể và điều tiết miễn dịch.
Khái niệm
Quan điểm của y học cổ truyền: “Tự ngã thức biệt“, “Bài trừ dị kỉ“. Bình thường, chức năng miễn dịch của cơ thể có 3 loại tác dụng lớn:
Tự thân ổn định (trung hòa các dị nguyên).
Cố định các dị nguyên (vô hiệu hóa).
Dự phòng các bệnh truyền nhiễm, cảm nhiễm.
Theo Von Pirquet (1929 – 1974), phản ứng miễn dịch bao gồm ; choáng phản vệ loại bỏ protein lạ, mày đay nổi mẩn… cố định các dị nguyên ở vùng viêm không cho lan rộng ra toàn thân. Nhưng do quá mức (thái quá) mà cơ thể không những không tự bảo vệ được mình mà còn gây ra rối loạn chức năng các tổ chức cơ quan trong cơ thể.
Quan điểm y học cổ truyền, theo Tần Vạn Chương và Nại Duy Lập (Thượng Hải, 1988):
Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư.
Chính khí tồn nội, tà bất khả can”.
Nghĩa là tác nhân gây bệnh ở da, cơ sẽ làm tổn thương sức đề kháng của cơ thể, và ngợc lại sức đề kháng tốt thì tác nhân gây bệnh không thể xâm phạm vào da, cơ của cơ thể được.
Nội dung
Mối liên hệ giữa dược lý, miễn dịch với lý luận y học cổ truyền
Lý luận hư , thực, vệ khí, can tỳ của Trung y với quan điểm miễn dịch học hiện đại có nhiều điểm gần nhau. Hai nguyên tắc điều trị lớn của Trung y là phù chính và trừ tà có sự tương quan mật thiết với miễn dịch trị liệu. Chính hư lấy phù chính là chủ; tà thực lấy trừ tà làm chủ; hư thực kiêm hiệp tức là kết hợp cả phù chính và trừ tà. Phù chính là nâng cao sức đề kháng ; trừ tà là đuổi tác nhân gây bệnh ra ngoài cơ thể hoặc tiêu trừ tác nhân gây bệnh.Thông qua tác dụng phù chính với trừ tà để điều hòa sự ổn định và tăng cường chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể đạt được mục đích bài trừ và khống chế bệnh tà.
Hư chứng: Là chỉ chính khí bất túc, cơ thể phát sinh phản ứng miễn dịch quá mạnh, như bệnh miễn dịch tự thân (luput ban đỏ), cũng có thể là chức năng miễn dịch của cơ thể quá suy giảm mà mất đi phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên hoặc giảm khả năng chống viêm nhiễm. Đối với các chứng bệnh, đa phần phải dùng thuốc phù chính để điều trị. Thuốc phù chính đa phần có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Thực chứng: Là chỉ tà khí hữu dư nên phải dùng phương pháp trừ tà để điều trị, tức là phải trọng dụng các thuốc: thanh nhiệt – giải độc, thuốc hoạt huyết – hóa ứ và thuốc trừ phong thấp . Các loại thuốc này đa phần có tác dụng ức chế chức năng miễn dịch của cơ thể hoặc là vừa ức chế vừa hỗ trợ, tức là ngoài ức chế miễn dịch còn có tác dụng tăng cường miễn dịch.
Phù chính – trừ tà là nguyên tắc điều trị quan trọng của Y học Cổ truyền, cũng là phương pháp cơ bản để giải quyết mâu thuẫn giữa chính và tà. Sự liên quan chặt chẽ giữa phù chính – trừ tà với miễn dịch liệu pháp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị một số bệnh tự thân miễn dịch, như: luput ban đỏ, xơ cứng bì, ngân tiết bệnh… và nham chứng.
Có nhiều báo cáo tổng kết nghiên cứu: Thuốc bổ ích khí – huyết đa phần có tác dụng tăng cường miễn dịch; thuốc điều hòa âm – dương đa phần có tác dụng điều tiết miễn dịch.Thuốc sơ phong – thanh nhiệt – lợi thấp đa phần có tác dụng tiêu viêm, thoái mẫn.Thuốc tiêu viêm – hóa ứ đa phần có tác dụng ức chế miễn dịch.
Tác dụng điều tiết miễn dịch của thuốc phù chính
Trung y cho rằng “Hư tắc bổ”. Nhưng hư chứng có hay không có suy giảm chức năng miễn dịch? Có một số người cho rằng, phù chính có thể là tiền đề cho tăng cường công năng miễn dịch. Bệnh luput ban đỏ chủ yếu liên quan với thận hư tiên thiên bản tạng bất túc ?.
Tần Vạn Lập nghiên cứu về bản chất của bệnh đã phát hiện đa số bệnh nhân bị luput ban đỏ có biểu hiện triệu chứng thận hư . Sau khi ông cho những bệnh nhân này dùng thuốc bổ thận liều nhẹ thì các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng đều được cải thiện rõ rệt.
Trong nghiên cứu cơ chế thận hư , các tác giả đã chứng minh được thuốc bổ thận có thể điều chỉnh và nâng cao tính phản ứng hệ thống của chất vỏ thượng thận và tuyến yên. Điều này có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn trong việc dùng kích tố nội tiết.
Trong những thập kỷ gần đây, kết hợp Trung – Tây y để điều trị các bệnh tự thân miễn dịch ngày càng được phát triển và đã thu được hiệu quả cao. Tại các trung tâm nghiên cứu Y học Cổ truyền của Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, có nhiều tác giả nhận thấy luput ban đỏ, viêm da – cơ, xơ cứng bì… đều là chứng hư ở mức độ khác nhau. Sau khi điều trị bằng thuốc phù chính thì hầu hết các bệnh nhân, qua kiểm tra xét nghiệm và lâm sàng, đều thấy các chỉ tiêu miễn dịch được cải thiện, bệnh ổn định.
Theo nghiên cứu của Y viện Hiệp Hoà – Bắc Kinh, điều trị bệnh viêm da – cơ cấp tính bằng “thanh doanh giải độc thang gia giảm” và điều trị viêm da – cơ mãn tính bằng “bổ trung ích khí gia giảm” kết hợp với kích tố và điều trị hỗ trợ khác. Trong tổng số 27 bệnh nhân, thấy kết quả tốt 24, không kết quả và tử vong 3 (vì có kết hợp với nham chứng).
Những nghiên cứu của các địa phương trên đã chứng minh các vị thuốc bổ ích khí – huyết có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch (nhân sâm, bạch truật, tử hà sa, ngũ gia bì, hà thủ ô…).
Theo Lưu Minh Nhuệ(Tạp chí Trung y, 1995), nghiên cứu điều chế thuốc từ hoàng kỳ để điều trị bệnh vẩy nến thể thông thường, dùng hoàng kỳ chế (gồm: hoàng kỳ sắc, cao hoàng kỳ và hoàng kỳ dạng tiêm ) để điều trị 204 bệnh nhân bị bệnh vẩy nến thể thông thường, thấy kết quả : khỏi hoàn toàn 47 (20,6%), khỏi cơ bản 62 (30,4%), tiến triển tốt 94 (44,6%), không kết quả 9 (4,4%). Tổng số bệnh nhân có tỷ lệ tốt là 95,6%. Theo dõi chỉ tiêu miễn dịch trước và sau điều trị “hoàng kỳ chế tễ” thấy ở những bệnh nhân vẩy nến thể thông thường đều có tác dụng tăng cường miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Trong những năm gần đây, hoàng kỳ được dùng làm thuốc bổ khí và còn được dùng trong điều trị bệnh tạo keo ngày càng nhiều ; vì người ta cho rằng, hoàng kỳ có tác dụng kích thích các trung tâm miễn dịch của cơ thể.
Tất cả những nghiên cứu trên , một mặt là ứng dụng sự điều tiết miễn dịch của thuốc phù chính – trừ tà; mặt khác là nghiên cứu dược lý học và miễn dịch để phát hiện chuyển hoá limpho bào trên thực nghiệm, thông qua phương pháp kiểm tra trắc nghiệm. Y học Cổ truyền đã nghiên cứu 4 phương thuốc bổ:
Bổ khí: “tứ quân tử thang”.
Bổ huyết: “tứ vật thang”.
Bổ âm: “lục vị địa hoàng hoàn”.
Bổ dương: “sâm phụ thang”.
Người ta đã chứng minh và kết luận một số bài thuốc trên có khả năng xúc tiến chuyển hóa limpho bào, kích thích phản ứng miễn dịch tế bào và hình thành kháng thể.
Thực tiễn lâm sàng đã chứng minh các loại bệnh thuộc hư chứng , dù ở các mức độ khác nhau , đều có suy giảm chức năng miễn dịch rõ rệt. Vì vậy, khi dùng các phương thuốc phù chính để bổ dưỡng đã thu được hiệu qủa nhất định.
Tác dụng điều tiết miễn dịch của thuốc trừ tà
Theo Y học cổ truyền: Tà thực lấy trừ tà là chủ để điều trị, tức là khu trừ bệnh tà, khôi phục lại sự cân bằng của cơ thể mà đạt hiệu qủa điều trị. Trong những năm gần đây, những công trình nghiên cứu đã phát hiện nhiều loại thuốc trừ tà có khả năng điều chỉnh chức năng miễn dịch của cơ thể.
Thuốc trừ tà thường dùng là các nhóm thuốc: Hoạt huyết – hóa ứ; thanh nhiệt – giải độc ; thuốc trừ thấp.
Các nghiên cứu cho thấy, đại bộ phận các thuốc hoạt huyết – hóa ứ có tác dụng ức chế phản ứng miễn dịch bệnh lý của cơ thể. Đối với một số bệnh tự thân miễn dịch và phản ứng biến thái thì có hiệu qủa rất tốt. Một số tư liệu đã chứng minh một số thuốc hoạt huyết- hóa ứ có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch cơ thể. Những năm trước đây người ta chỉ chú ý đến tính kháng khuẩn, kháng siêu vi khuẩn của thuốc thanh nhiệt – giải độc, thì ngày nay người ta đã phát hiện ra nhiều loại thuốc thanh nhiệt – giải độc có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, cũng có một số thuốc thanh nhiệt – giải độc lại có tác dụng ức chế miễn dịch. Ngoài ra nhiều loại thuốc sơ phong – trừ thấp có tác dụng tiêu viêm thoái mẫn.
Tác dụng ức chế miễn dịch của thuốc trừ tà:
Trong những năm gần đây, bằng kết hợp Trung – Tây y, các nghiên cứu ứng dụng một số thuốc trừ tà để điều trị bệnh tự thân miễn dịch và bệnh biến thái phản ứng tính trạng thái quá mẫn cảm gây phản ứng quá mẫn đã thu được kết qủa tốt. Y học hiện đại cho rằng: sở dĩ bệnh tự thân miễn dịch và phản ứng biến thái tính bệnh tật là do kích thích của kháng nguyên đã phát sinh phản ứng miễn dịch quá mẫn, gây nên một loạt các biến đổi chức năng trong cơ thể.
Quan sát lâm sàng và thực nghiệm, người ta thấy một số thuốc trừ tà có tác dụng ức chế các phản ứng quá mẫn, tuy ở mức độ khác nhau nhưng đều đạt kết quả điều trị tốt.
Học viện Y 1 – Thượng Hải chọn mặt bệnh luput ban đỏ để nghiên cứu tác dụng của thuốc “hoạt huyết – hóa ứ là chủ”.
Cẩm Hồng Phương dùng bài thuốc hoạt huyết – hóa ứ ( gồm: Đại hoàng, hồng hoa, xích thược, bạch thược, tần cửu, hoàng tinh, cam thảo) để điều trị luput ban đỏ. Dựa vào chỉ tiêu miễn dịch trước và sau điều trị, tác giả kết luận thuốc hoạt huyết hóa ứ có tác dụng ức chế phản ứng quá mẫn.
Tần Vạn Chương lấy dịch triết của xích thược, hoàng đằng dưới dạng thuốc tiêm và dùng thuốc hoạt huyết – hóa ứ điều trị luput ban đỏ, quan sát điều trị đến khi bệnh ổn định thấy các chỉ tiêu miễn dịch của nó đều được cải thiện. Đồng thời trải qua hàng chục năm nghiên cứu kết hợp dùng vị thuốc “ lôi công đằng chế tễ” (chế phẩm từ cây rau má) để điều trị luput ban đỏ, tác giả nhận thấy tỷ lệ khỏi cao (79,4 » 91%), các triệu chứng phát sốt, đau khớp , tổn thương da đều được cải thiện ; các tổn thương nội tạng đều có chuyển biến tốt. Các xét nghiệm hệ thống máu, anbumin niệu, chức năng gan và thận đều được cải thiện tốt, tốc độ máu lắng hạ thấp; Các chỉ tiêu miễn dịch tế bào, globulin miễn dịch, chức năng tế bào limpho đều có chuyển biến tốt.Tác giả rút ra kết luận: lôi công đằng có tác dụng chống viêm, điều tiết công năng miễn dịch. Những nghiên cứu của Viện Y 1 – Thiên Tân đã ứng dụng thuốc thanh nhiệt – giải độc: Kim ngân hoa, liên kiều, bản lam căn (rễ của thanh đại diệp – lá chàm mèo – cây bọ mắm), nhưng thanh đại diệp là chính để ức chế phản ứng quá mẫn trong điều trị bệnh luput ban đỏ, có hiệu quả rõ rệt.
Học viện Trung y – Quảng Châu dùng bài “thanh ôn bại độc ẩm” để điều trị bệnh viêm da – thần kinh cũng thu được kết quả tốt. Thuốc thanh nhiệt – giải độc không những có tác dụng kháng khuẩn, kháng bệnh độc cảm nhiễm mà còn có thể ức chế phản ứng quá mẫn, tiêu trừ phức hợp miễn dịch, từ đó ức chế có hiệu quả các phản ứng miễn dịch.
Tác dụng tăng cường miễn dịch của thuốc trừ tà:
Căn cứ vào nghiên cứu thực nghiệm các hội chứng “thực chứng” người ta nhân thấy một số thuốc hoạt huyết – hóa ứ và thanh nhiệt – giải độc có tác dụng tăng cường miễn dịch bao gồm: số lượng bạch cầu tăng cao, xúc tiến bạch cầu khổng lồ tăng thực bào, xúc tiến tăng chuyển hóa tế bào limpho, hình thành các IL2 (Interlerkill2), và hình thành kháng thể. Thông qua sử dụng một số thuốc điều trị trên lâm sàng nhiều tác giả đã thu được kết quả nhất định. Tổng hợp các báo cáo phát hiện phương thuốc “bạch hổ thang” có tác dụng xúc tiến chức năng thực bào của đại thực bào tương đối tốt. Bài “quế chi gia truật thang” có tác dụng ức chế quá mẫn, trung hòa kháng nguyên và sản sinh kháng thể.
Thực nghiệm còn chứng minh, bài thuốc “bài nùng thang” và “bài nùng tán” đều có tác dụng ức chế rõ đối với bạch cầu đa nhân. Kết qủa thực nghiệm trên chuột cống cho thấy 2 phương thuốc trên đều có tác dụng ức chế và xúc tiến dòng bạch cầu đa nhân, tác dụng này phụ thuộc vào loại thuốc và nồng độ thuốc; bài thuốc “tiểu thanh long thang” có tác dụng ức chế globulin E miễn dịch (IgE), ức chế quá mẫn.
Ngoài ra, các loại thuốc trừ tà, thuốc lợi thấp – sơ phong phần nhiều có tác dụng tiêu viêm thoái mẫn.
Các phương thuốc thường dùng là: “ma hoàng thang”, “sơ phong thanh nhiệt ẩm”, “trừ thấp vị linh thang”, “tần cửu ngưu bàng thang”, “đan bì ẩm”, “toàn trùng phương”, “lương huyết giải độc thang”, “long đờm thảo tả can thang”.
Những báo cáo lâm sàng về tác dụng tăng cường miễn dịch của thuốc trừ tà ngày càng nhiều, nhưng thực nghiệm chưa được đầy đủ. Tuy nhiên, người ta cũng thống nhất kết luận thuốc phù chính và trừ tà đều có tác dụng điều tiết miễn dịch. Trên lâm sàng thường dùng kết hợp cả hai phương pháp này để điều trị bệnh ngoài da.
Theo báo cáo của Vương Đức Tuệ, phối hợp thuốc phù chính – trừ tà với lôi công đằng (tích tuyết thảo) để điều trị 36 bệnh nhân vẩy nến (ngân tiết bệnh) thấy có hiệu quả khá mỹ mãn. Trong điều trị , tác giả đã chọn dùng lôi công đằng kết hợp với biện chứng luận trị , lựa chọn một số thuốc phù chính – trừ tà để tổ chức phương thuốc:
Một số vị thuốc thường dùng để trừ tà: Thổ phục linh, bạch hoa xà thiệt thảo, tử thảo, hoàng liên, hoàng cầm, sơn đậu căn, long quí, ô tiêu xà, chích ngô công, cương tàm, kim ngân hoa, khổ sâm, xuyên khung, đan sâm, nga truật, đại hoàng và thuyền y. Một số vị thuốc thường dùng để phù chính: Đẳng sâm, hoàng kỳ, thủ ô, sinh địa, xích bạch thược, bạch truật, phục linh, hồng táo, hoàng tinh, sơn dược, biển đậu, thích ngũ gia bì, hoàng kỳ thích (hoàng kỳ gai).
Theo báo cáo của Tôn Khánh Quí: Dùng các thuốc thanh nhiệt – giải độc , hoạt huyết – hóa ứ và bổ dưỡng khí – huyết kết hợp với quế chi tạo thành “quế thanh thang” đã điều trị khỏi cho 9 bệnh nhân vẩy nến thể mụn mủ.
Phương thuốc:
Phục linh 15g Quế chi 15g.
Đan bì 15g Đào nhân 15g.
Bạch thược 15g Hoàng liên 10g.
Hoàng cầm 15g Hoàng bá 15g.
Sinh thục địa 15g Đương qui 15g.
Xuyên khung 15g Hoàng kỳ 30g.
Tất cả những báo cáo dẫn liệu trên chứng tỏ thuốc phù chính – trừ tà dùng để điều trị đều liên quan mật thiết đến vấn đề miễn dịch, hoặc là ức chế hoặc là tăng cường hay là điều hòa miễn dịch. Chính vì vậy sử dụng các thuốc này đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong điều trị lâm sàng.