Nhiều người cho rằng nước nhân trần, cam thảo rất tốt trong việc giải nhiệt, mát gan nên trong những ngày nắng nóng thường xuyên đun nước cho cả nhà uống. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, không phải người nào uống nhân trần, cam thảo cũng tốt cho sức khỏe.
Chán ăn vì uống quá nhiều nhân trần
Là công nhân môi trường thường xuyên phải làm việc dưới trời nắng nóng ngày hè, anh Hoàng Văn Tuyên (ở Hà Nội) rất hay háo nước. Uống nước chè nhiều thì xót ruột, anh chuyển hẳn sang uống nước nhân trần từ đầu hè này vì nghĩ nhân trần uống sẽ mát gan, bổ thận. Ngày nào anh cũng phải uống gần 2 lít nước nhân trần do vợ chuẩn bị sẵn mang theo. Không ngờ uống nhân trần một thời gian, anh thấy người bải hoải, không muốn ăn. Khi dừng uống, anh lại thấy người khoẻ ra, ăn uống tốt hơn.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Lương (ở Phú Thọ) làm công nhân, thu nhập ít ỏi nên để tiết kiệm, chị nhờ người mua một bao tải nhân trần về đun nước uống thay nước lọc. Mỗi ngày, chị đều chuẩn bị cho chồng và con trai mỗi người một chai to mang đến trường, đi làm.
Không hiểu sao, gần đây con của chị luôn kêu người mệt mỏi không muốn đi học và bỗng nhiên sinh chán ăn. Ban đầu chị nghĩ do thời tiết nóng bức, con khó chịu nên mới không muốn ăn như vậy. Nhưng tình trạng này kéo dài cả tháng trời, chị đưa con đến gặp bác sĩ thì mới biết rằng con chị bị như vậy là do bị tác dụng phụ của việc lạm dụng uống nhân trần hàng ngày.
Chị Lương chi sẻ: “Mình tìm hiểu thấy nhân trần rất tốt. Trẻ con, người lớn giải khát bằng loại này mát da, mát thịt, khỏi rôm sảy mà lại ít tốn kém. Thậm chí, nếu dùng thay nước uống hàng ngày thì rất tốt cho sức khỏe nên càng lấy đó làm động lực để uống nhiều hơn mỗi ngày và khuyến khích chồng con uống. Đâu có ngờ uống nhiều quá lại hóa hại như vậy”.
Theo TTND, BSCC Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, không thể phủ nhận lợi ích thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, mát gan của các loại nước mát. Tuy vậy, các loại nước mát tưởng chừng như một loại nước dễ uống và tốt cho tất cả mọi người song thực tế không phải ai uống, uống bao nhiêu cũng có lợi cho sức khỏe.
Hiện tượng chán ăn sau khi uống nhiều nước nhân trần là do tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột nên có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Đây chính là nguyên nhân nhiều người bị đầy hơi, trướng bụng sau một thời gian dài uống. Từ đó dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn…
Trong y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính bình, quy vào các kinh tỳ, vị, can, đởm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thống, lợi tiểu. Nước nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm nhất là với các bệnh về gan mật. Dù vậy uống nhân trần thường xuyên, hàng ngày thay nước lọc là không nên vì có thể gây tác dụng phụ. Cơ thể chỉ cần lợi mật khi mật không tiết ra như mật viêm, tắc mật và nhuận gan khi gan có vấn đề. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết dẫn tới phải làm việc nhiều hơn gây tổn thương, mất cân bằng, làm hại gan thận.
Ngoài ra, do nhân trần có tính lợi tiểu rất tốt nên việc uống hàng ngày, nhất là vào mùa nóng dẫn đến thải nhiều. Lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải thường xuyên dễ dẫn tới tình trạng mất nước gây thiếu nước cho cơ thể gây mệt mỏi, thiếu tập trung.
Những người nào không nên uống?
Để tăng thêm hương vị đậm đà của nước nhân trần, nhiều người thường hay sử dụng thêm cam thảo. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Xuân Hướng, đây là thói quen sai lầm cần loại bỏ. Cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải là hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể bởi tương tác thuốc, nhất là tăng huyết áp.
Để đảm bảo an toàn, không nên dùng thường xuyên hàng ngày. Nếu dùng cũng không quá 1 lít/ngày. Khi mua nhân trần, cam thảo khô nên mua ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Cần kiểm tra xem nhân trần phơi khô có bị ẩm mốc hay không.
Các chuyên gia Đông y cũng khuyến cáo, người già và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng cần thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao vì chức năng tiêu hóa của người già và trẻ nhỏ không ổn định, khả năng hấp thụ kém hơn nên uống nhiều nước mát không tốt. Nhẹ có thể dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, nặng hơn thì có thể gây ra một số bệnh về đường ruột, mất nước, hôn mê.
Phụ nữ mang thai nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì cũng cần thận trọng khi dùng nhân trần vì uống nhiều có thể làm thai suy dinh dưỡng, chết lưu. Phụ nữ sau sinh uống nhân trần nhiều có thể bị mất sữa hoặc có ít sữa.
Trong y học hiện đại, nhân trần đã được Bộ môn Truyền nhiễm Trường đại học Y khoa Hà Nội dùng điều trị thực nghiệm bệnh viêm gan do virus. Kết quả cho thấy, men gan của các bệnh nhân đều trở về mức bình thường, bệnh nhân hết mệt mỏi, hết đau vùng gan, ăn ngon. Cách sử dụng dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống nhằm mục đích phòng và chữa bệnh. Nhân trần có thể kết hợp với một số thảo dược bổ gan khác để tăng tác dụng như diệp hạ châu, cúc hoa…
Hà My
Nguồn: giadinh.net.vn