Cảnh sát Anh cảnh báo về tình trạng mỹ phẩm giả chứa đầy các hóa chất độc hại đang tràn ngập nước này.
Cảnh sát đã phát hiện được hơn 4.700 sản phẩm MAC giả bao gồm phấn nền, bronzer, son bóng và phấn mắt trong một conainer đang trên đường vận chuyển.
Các mỹ phẩm giả các thương hiệu hàng đầu như MAC, Benefit và Urban Decay này đã bị phát hiện là chứa hàm lượng chì, thủy ngân và thậm chí là cả cyanide cực kỳ nguy hiểm. Những kim loại nặng này có liên quan với những vấn đề sức khỏe, từ dị ứng và mẫn cảm da tới rối loạn thần kinh và thậm chí là tử vong. Hàm lượng chì cao có thể gây cao huyết áp, vô sinh, các vấn đề về trí nhớ và tập trung, tăng nguy cơ gây hại cho thai nhi.
Phụ nữ có thai và thai nhi trong bụng mẹ đặc biệt mẫn cảm với những chất nguy hiểm này, bao gồm một số chất có thể gây ung thư. Các bác sĩ da liễu cho biết số phụ nữ bị bệnh da do sử dụng mỹ phẩm “rởm” đang ngày càng tăng.
Một nạn nhân bị sưng vù mắt vì dùng kẻ chì rởm
Ngoài ra, những sản phẩm giả phổ biến nhất là kem bôi mặt Christian Dior, kem ban đêm Estee Lauder, xà phòng và gel tắm Dove. Những kẻ bất lương cũng sản xuất cả kem chống nắng “rởm”, trông như thật nhưng không hề có tác dụng bảo vệ chống tia cực tím. Người mua phải những sản phẩm này có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nặng cũng như những vấn đề sức khỏe lâu dài.
Những sản phẩm này thường được bán trên mạng, ở các sạp hàng trong chợ hoặc trong các cửa hàng tạm thời trên các phố lớn bán đồ gia dụng đại hạ giá. Trong 18 tháng qua các nhà điều tra đã đình chỉ hơn 5.500 trang web bán hàng xa xỉ “rởm”. Người tiêu dùng thường mua những sản phẩm giả này vì chúng có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm thật.
Một xưởng sản xuất mỹ phẩm rởm bị phanh phui
Được sản xuất ở Trung Quốc và Đông Âu, mỹ phẩm “rởm” được đưa vào Anh trong những container bình thường và được đóng gói bởi những người di cư bất hợp pháp ở North East. Các băng nhóm tội phạm sử dụng những phòng thí nghiệm tồi tàn và mất vệ sinh dưới lòng đất để sản xuất một lượng mỹ phẩm giả khổng lồ và sau đó bán chúng qua các trang mạng, bao gồm cả eBay và Amazon.
Các thương hiệu hàng xa xỉ thực ra rất hiếm khi giảm giá nhiều, vì thế những đợt “đại hạ giá” thường không có thật. Các cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm khi mua phải những hàng hóa giả khác, bao gồm các dụng cụ điện như máy cuốn và duỗi tóc.
Ước tính mỹ phẩm giả khiến các nhà sản xuất thiệt hại hơn 300 triệu bảng Anh mỗi năm.