Định nghĩa
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội, đặc biệt và có nhiều biến chứng.
Nhờ có vacxin phòng bệnh, tỉ lệ mắc bệnh đã giảm hẳn nhưng tử vong còn cao, nhất là lứa tuổi sơ sinh.
Lịch sử nghiên cứu
Bệnh được mô tả đầu tiên từ những năm 1640, được gọi là Ho gà bởi những cơn ho rũ rượi, thở rít vào. Trực khuẩn ho gà được Bordet-Gengou phân lập năm 1990.
Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới. Năm 1997, toàn thế giới có trên 45 triệu ca bệnh và 409.000 người tử vong.
Dịch tễ học
Mầm bệnh
Trực khuẩn ho gà thuộc họ Pavrobacteriaceae.
Là trực khuẩn gram âm, hai đầu nhọn, kích thước 0,3-0,5 ´ 1-1,5mm, ưa khí, không di động, không sinh nha bào. Vi khuẩn kém chịu đựng với nhiệt độ, dưới ánh sáng mặt trời chết sau 1 giờ, ở nhiệt độ 55°C chết sau 30 phút.
Vi khuẩn tiết ra nội độc tố (Pertussis toxin) gồm hai loại: Chịu nhiệt và không chịu nhiệt, có yếu tố làm tăng lympho bào (LPF), yếu tố nhạy cảm với histamine (HSF), ngưng kết tố FHA.
Nguồn bệnh
Là những bệnh nhân bị bệnh ho gà. Bệnh lây lan mạnh nhất trong 1-2 tuần đầu của bệnh. Cho đến nay vẫn chưa xác định có người lành mang khuẩn.
Đường lây
Khả năng lây lan của bệnh rất cao. Bệnh lây theo đường hô hấp, do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Phạm vi lây trong khoảng dưới 3 mét.
Cơ thể cảm thụ
Mọi lứa tuổi, giới, dân tộc, vùng địa lý đều có thể bị ho gà, nhưng chủ yếu là trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng ít tuổi bệnh càng nặng.
Sau khi bị bệnh ho gà bệnh nhân có miễn dịch bền vững suốt đời, rất hiếm khi mắc lại. Bệnh thường xảy ra quanh năm, mang tính lưu hành địa phương.
Bệnh ho gà vẫn tồn tại trên khắp thế giới và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Cơ chế bệnh sinh và giải phẫu bệnh lý
Cơ chế bệnh sinh
Độc tố của vi khuẩn (Pertussis toxin – Ptx) kích thích trực tiếp vào các thụ cảm thần kinh của niêm mạc đường hô hấp gây ra các cơn ho điển hình, mặt khác tác động lên hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng trực tiếp đến trung khu hô hấp ở hành tuỷ, gây ra những biểu hiện rối loạn hô hấp, nếu nặng có thể ngừng thở. Độc tố còn có thể gây ra những ổ hưng phấn ở trung khu hô hấp, kết quả là tạo ra những cơn ho phản xạ kéo dài. Sự lan truyền của độc tố ở hệ thần kinh trung ương có thể dẫn tới biểu hiện viêm não – một biến chứng nặng của bệnh ho gà.
Những thương tổn ở phổi: Chủ yếu do độc tố của vi khuẩn gây viêm cấp tính đường hô hấp và kích thích niêm mạc tăng tiết nhầy. Thương tổn chủ yếu ở phế quản và các tiểu phế quản.
Tổn thương giải phẫu bệnh lý
Những tổn thương chủ yếu trong bệnh ho gà là:
Co thắt các phế quản và tiểu phế quản. Niêm mạc khí – phế quản bị tổn thương tại chỗ và có hiện tượng tăng tiết các dịch nhầy.
Trong lòng các phế nang xuất hiện nhiều dịch và các mô bào, thành xung huyết.
Có thể thấy hiện tượng phù nề ở tổ chức não và tổn thương các tế bào thần kinh.
Lâm sàng
Phân chia thể lâm sàng
Theo lứa tuổi
Ho gà ở trẻ sơ sinh: Thường diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Ho gà ở người lớn: Ít gặp. Biểu hiện lâm sàng thường nhẹ, ho dai dẳng nhưng thở vào không rít lắm, ít nôn.
Theo mức độ
Thể thô sơ: Không ho, chỉ hắt hơi nhiều.
Thể nhẹ: Cơn ho nhẹ, ngắn và không điển hình, không khạc đờm nhiều. Thường gặp ở trẻ em đã tiêm vacxin phòng ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn lưu ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.
Thể điển hình: Có các cơn ho điển hình, đắc biệt.
Triệu chứng học thể lâm sàng thông thường điển hình
Thời kỳ nung bệnh: 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày).
Thời kỳ khởi phát (hay còn gọi giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện.
Sốt nhẹ, từ từ tăng dần.
Các triệu chứng viêm long đường hô hấp: Ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn)
Kéo dài 1-2 tuần. Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.
Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.
Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).
Xét nghiệm
Số lượng bạch cầu máu ngoại vi tăng cao tới 20.000-30.000/mm3, trong đó chủ yếu là bạch cầu lympho (chiếm 60-80%).
Cấy nhầy mũi, họng tìm trực khuẩn (kết quả muộn, 7-14 ngày).
Quicker test DFA (direct immunoflourescent assay) của nhầy mũi họng.
Dùng phương pháp miễn dịch huỳnh quang cho kết quả nhanh nhưng tỷ lệ dương tính giả tới 40%.
PCR (polymerase chain reaction test).
X quang phổi: Có các bóng mờ đi từ rốn phổi tới cơ hoành. Ngoài ra có thể thấy phản ứng mờ góc sườn hoành, hình mờ đáy phổi hoặc hình ảnh xẹp phổi.
Thời kỳ lui bệnh và hồi phục
Kéo dài khoảng 2-4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt dần lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường.
Một số trẻ xuất hiện những cơn ho phản xạ kéo dài, thậm chí tới 1-2 tháng.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Tuổi dễ mắc (1-6 tuổi), có cơn ho điển hình.
Xét nghiệm
Bạch cầu máu ngoại vi tăng cao, chủ yếu là bạch cầu lympho.
Cấy nhầy họng trong tuần đầu tìm vi khuẩn gây bệnh.
Dịch tễ
Nhiều trẻ cùng bị trong một tập thể.
Chẩn đoán phân biệt
Trong giai đoạn viêm long cần phân biệt với
Viêm khí phế quản co thắt: Thường khó thở về đêm, ho ít khạc đờm, hay có tiền sử dị ứng, bệnh hay tái phát.
Viêm khí phế quản, viêm phổi do virut: Ho không thành cơn, bạch cầu không tăng ở máu ngoại vi, bệnh diễn biến nhanh sau 7-10 ngày.
Trong giai đoạn ho cơn cần phân biệt với
Các nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi – phế quản.
Lao hạch khí – phế quản trẻ em: Phát hiện qua chụp phổi, xét nghiệm đờm và làm phản ứng Mantoux.
Biến chứng
Biến chứng hô hấp
Viêm phế quản: Trẻ sốt cao, nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy. Đặc biệt ở một số trường hợp có thể gặp khạc ra đờm, mủ. Bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi tăng cao.
Dãn phế quản: Thường là hậu quả của bội nhiễm phế quản – phổi. Thường khó phát hiện trên phim X quang thông thường. Trên phim chụp phế quản cản quang 50% trường hợp có dãn phế quản hình trụ hoặc hình ống, hình ảnh này sẽ hết khi khỏi bệnh ho gà.
Viêm phổi – phế quản: Là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ. X quang phổi có nhiều nốt mờ không đều rải rác 2 bên. Tử vong cao do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
Biến chứng thần kinh
Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cứu thoát có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh so não hoặc rối loạn tâm thần.
Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
Biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác
Điều trị
Kháng sinh đặc hiệu
Dùng một trong các loại sau:
Ampixilin 75-100 mg/kg/ngày x 7-10 ngày.
Erythromyxin 30-50 mg/kg/ngày x 7-10 ngày.
Một số biệt dược hay được sử dụng hiện nay: Eryenfant, erybactrim (liều dùng như erythromyxin) và rulid (Roxithromyxin) 5-8 mg/kg/ngày´ 7-10 ngày. clarithomycin (Biaxin), azithromycin (Zithromax) ´ 7-10 ngày
Điều trị triệu chứng
Giảm và cắt cơn ho
Dùng thuốc kháng sinh Histamin tổng hợp: Dung dịch dimedron 0,1% uống 5-10 ml/lần ´ 2 – 3 lần/ngày hoặc siro phenergan 10-20ml/ngày.
Seduxen 1-2 mg/kg/ngày hoặc gacdenal 2-3 mg/kg/ngày.
Một số thuốc ho được sử dụng cho người lớn như codein, rượu benladon không dùng cho trẻ em. Có thể dùng siro ho gà đông y hoặc một trong các biệt dược sau: Antitus, antussin, solmux broncho hoặc theralen 10-20 ml/ngày.
Khi có nôn nhiều: Dùng primperan 0,5-1 ml/ngày.
Khi có khó thở: Móc, hút đờm dãi, cho thở oxy.
Trợ tim mạch: Coramin 0,25% ´ 20 – 30 giọt/ngày.
Khi có biến chứng
Nếu là biến chứng đường hô hấp do bội nhiễm: Dùng kháng sinh đường tiêm theo kháng sinh đồ hoặc phác đồ thường được chọn là lincocin + gentamyxin, Cephalosporin + gentamyxin. Nếu có sốt cao co giật dùng gacdenal hoặc aminazin.
Nếu biến chứng viêm não: Tích cực chống phù não, đề phòng và cắt cơn co giật. Việc sử dụng Corticoid trong điều trị viêm não vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Nuôi dưỡng – săn sóc
Cho trẻ ăn nhiều bữa. Nếu nôn nhiều có thể phải cho ăn quan Sonde hoặc nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Đặt trẻ ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
Dùng thêm các vitamin A, D,C, B1, B6.
Theo dõi sát tình trạng mạch, hô hấp.
Dùng Gamma globulin đặc hiệu trong thời kỳ đầu của bệnh, tiêm dưới da 2-3 ml/lần mỗi lần cách nhau 48 giờ (tổng liều 2-4 lần).
Phòng bệnh
Phòng bệnh chung
Để phòng bệnh cho tập thể, cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình. Những trẻ tiếp xúc phải được tiêm Gamma globulin đặc hiệu 0,3 ml/kg/lần, tiêm 2 lần cách nhau 48-72 giờ (tác dụng bảo vệ chống ho gà đạt 60% theo Combe và Fauchier), trong đó đặc biệt chú ý những trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Ngoài ra, có thể dùng erythromyxin để phòng ho gà cho những trẻ em tiếp xúc với bệnh nhân.
Đặc hiệu
Vacxin ho gà đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. ở nước ta, ho gà được xếp vào một trong 6 bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Hiện nay thường dùng là vacxin kết hợp ho gà, bạch hầu, uốn ván (DTaP). Trẻ sơ sinh tiêm vacxin vào 3 thời điểm: 2-4-6 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại sau 1 năm, 3 năm và 5 năm.
Vacxin cho bệnh nhân 10-18 tuổi là Boostrix, 11-64 tuổi là Adacel.