Định nghĩa
Là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong thời kỳ có thai mà biểu hiện lâm sàng bằng những cơn co giật liên tục rồi kết thúc bằng hôn mê. Sản giật có thể xảy ra trước, trong và sau đẻ.
Triệu chứng lâm sàng của cơn sản giật
Một cơn sản giật điển hình nhất thiết phải qua 4 giai đoạn:xâm nhiễm, giật cứng, giãn cách và hôn mê.
Giai đoạn xâm nhiễm (chừng 30 giây đến 1 phút)
Với các triệu chứng chủ yếu như sau: những cơn kích thích ở mặt, cổ là chủ yếu, không lan tới tay, nét mặt nhăn nhúm, hai mắt hấp háy.
Giai đoạn giật cứng (chừng 30 giây)
Các cơ toàn thân co giật cứng, thân uốn cong và co cứng. Các cơ thanh quản co thắt làm cho bệnh nhân thở rít lên, tình trạng ngạt thởlàm cho bệnh nhân tím tái, tay giật như người đánh trống, lưỡi thè ra thụt vào nên dễ cắn phải lưỡi, nhân cầu đảo đi đảo lại.
Giai đoạn giãn cách
Sau cơn co giật toàn thân, bệnh nhân thở vào được một hơi dài, tình trạng thiếu oxy tạm thời chấm dứt. Nhưng sau đó lại có những cơn kích động, nét mặt lại nhăn nhúm, lưỡi thè ra thụt vào rồi chuyển sang giai đoạn hôn mê.
Giai đoạn hôn mê
Tuỳ theo tình trạng của bệnh nặng hay nhẹ mà xuất hiện hôn mê nông hay hôn mê sâu. Trong khi hôn mê, bệnh nhân mất tri giác, đồng tử giãn, tiểu tiện không tự chủ và bệnh nhân có thể chết trong tình trạng hôn mê kéo dài. Có một đặc điểm là trong khi hôn mê, nếu bệnh nặng, có t hể vẫn xuất hiện những cơn giật.
Triệu chứng cận lâm sàng
Acid uric huyết thanh tăng cao.
Urê huyết thanh và urêatinin huyết thanh tăng cao, số lượng tiểu cầu trong đa số trường hợp bị giảm xuống, soi đáy mắt có thấy xuất hiện dấu hiệu Gunn, phù hoặc xuất huyết võng mạc.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Dựa vào cơn sản giật bắt buộc phải qua 4 giai đoạn đã mô tả như trên.
Chẩn đoán phân biệt
Cơn hạ canxihuyết thanh (cơn Tétani).
Cơn động kinh.
Hôn mê do đái tháo đường.
Hôn mê do gan, do urê huyết thanh cao.
Biến chứng của sản giật
Biến chứng cho mẹ
Cắn phải lưỡi, phù phổi cấp, suy tim, suy gan, suy thận, xuất huyết não, tử vong (đa số do phù phổi cấp, suy thận hoặc xuất huyết não).
Biến chứng cho con
Thai chết lưu trong tử cung, thai kém phát triển, chết sau đẻ, đẻ non (do tỉ lệ can thiệp tăng cao).
Thái độ xử trí
Điều trị nội khoa và điều dưỡng
Ngoài những điểm như TSG, cần chú ý và làm thêm:
Ngáng miệng đề phòng cắn phải lưỡi.
Hút đờm dãi.
Thở oxy.
Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Thuốc
Magie Sunphat 4-6 g tiêm tĩnh mạch chậm trong 10-15 phút. Sau đó cứ 1 giời tiêm 1g vào bắp thịt cho đến khi kiểm soát được sản giật.
Chú ý tác dụng phụ của Magie sunphat.
Seduxen 10 mg. Cứ 1-2 giờ tiêm 1 ống 10mg vào tĩnh mạch cho đến khi khống chế được cơn giật.
Thuốc hạ áp:
Hydralafin (Neprenol) 5 mg tiêm tĩnh mạch chậm.
Aldomet.
Adalat 10 mg ngậm dưới lưỡi trong trường hợp cần thiết.
Lợi tiểu: Lasix 20 mg: 1-2 ống tiêm tĩnh mạch. Nếu chưa có nước tiểu thì tăng liều cho đến khi có nước tiểu. Cần cho thêm Kaliorite
Kháng sinh: Nhóm Bêta lactamin: Ampixilin, Augmentin.
Điều trị sản khoa
Chung cho cả tiền sản giật và sản giật, nếu đáp ứng với điều trị thì tiếp tục cho thai nghén phát triển, nếu không đáp ứng với điều trị thì đình chỉ thai nghén. Sau khi cắt cơn sản giật, nếu thai sống thì tốt nhất là mổ lấy thai.