Định nghĩa
Tử vong mẹ là tử vong của người phụ nữ trong khi mang thai hoặc trong vòng 42 ngày sau khi kết thúc thai kỳ, không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm mang thai, do bất kỳ nguyên nhân nào có liên quan hoặc bị nặng lên bởi quá trình mang thai hoặc quản lý thai nghén. Các nguyên nhân tử vong mẹ trong trường hợp này không bao gồm các nguyên nhân do tai nạn hoặc sự cố bất ngờ” (Tổ chức Y tế Thế giới WHO 1990).
Tử vong của bà mẹ
Tình hình bệnh tật và tử vong mẹ
Các biến chứng của thai nghén và quá trình sinh đẻ là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các nước đang phát triển. Thống kê trên thế giới cho thấy một con số ước tính 529.000 phụ nữ chết hàng năm do các nguyên nhân liên quan tới thai nghén. Bên cạnh đó số trường hợp phụ nữ khác bị các ảnh hưởng sức khoẻ như tổn thương đường sinh dục, nhiễm khuẩn và tàn tật trong quá trình mang thai hoặc khi sinh đẻ cao gấp 20 lần so với tử vong mẹ. Điều này có nghĩa ít nhất 10 triệu phụ nữ mỗi năm bị ảnh hưởng đến sức khoẻ do sinh đẻ.
Những phụ nữ đã từng bị suy dinh dưỡng mãn tính trong quá trình phát triển dễ có nguy cơ đẻ khó khi chuyển dạ. Thiếu máu cũng là yếu tố chỉ báo nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng máu trong khi sinh nở và đã được xác định ít nhất trong 20% các trường hợp tử vong mẹ ở các nước đang phát triển.
Các yếu tố gây ra bệnh tật và tử vong ở mẹ cũng ảnh hưởng tới khả năng sống sót của bào thai và trẻ sơ sinh, dẫn tới khoảng 8 triệu tử vong sơ sinh hàng năm (khoảng một nửa số này là tử vong bào thai).
Bảng: Tỉ lệ tử vong mẹ theo vùng
Vùng |
Tỉ lệ tử vong( /100.000 trẻ sơ sinh sống) |
Toàn Thế giới |
400 |
Châu Phi |
830 |
Châu A |
330 |
Châu Âu |
24 |
Tây Âu |
17 |
Châu Mỹ La tinh |
190 |
Bắc Mỹ |
8 |
Úc và New Zealand |
6 |
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ năm 2000 được ước tính 130 ca tử vong trên 100.000 ca sinh sống. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các vùng sâu, vùng cao. Sự khác biệt giữa các vùng tử vong mẹ cũng rất cao: Tây Nguyên: 418/100.000, vùng núi phía Bắc 298/100.000, vùng ven biển phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long là 200/100.000. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do năm tai biến sản khoa, đứng đầu là băng huyết sau sinh (41%) và nhiễm trùng hậu sản (20%).
Nguyên nhân gây tử vong mẹ
Nguyên nhân trực tiếp:
Băng huyết:
Băng huyết trước khi sinh xảy ra vào khoảng giữa tuần thứ 28 và 40 của thời kỳ mang thai, có thể do rau bong non, rau tiền đạo… .
Băng huyết trong khi sinh: thường do vỡ tử cung và tổn thương đường sinh dục,
Băng huyết sau sinh: thường xuất hiện trong những giờ đầu sau sinh. Đây thường là kết quả do chảy máu thời kỳ sổ rau, tổn thương đường sinh dục.
Băng huyết do thủng tử cung trong nạo phá thai.
Nhiễm trùng:
Thường dẫn đến bệnh cảnh nặng nề gây tử vong do nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng hậu sản.
Nhiễm trùng sau nạo phá thai.
Tiền sản giật nặng – Sản giật:
Bệnh nhân có thể tử vong trong bệnh cảnh phù phổi cấp, hội chứng HELLP, sản giật, băng huyết sau sinh…
Bảng: Nguyên nhân tử vong của người mẹ.
Nguyên nhân |
Tỷ lệ (%) |
Số người chết/năm |
Băng huyết |
21 |
111.090 |
Nạo thai không an toàn |
14 |
74.060 |
Tăng huyết áp (sản giật) |
13 |
68.770 |
Đẻ khó |
8 |
42.320 |
Nhiễm trùng huyết |
8 |
42.320 |
Biến chứng phụ khoa |
11 |
74.060 |
Nguyên nhân gián tiếp |
25 |
132.250 |
Nguyên nhân gián tiếp:
Nguyên nhân gián tiếp gây ra tử vong cho người mẹ có thể từ trước và do có thai nên là trầm trọng thêm, chiếm khoảng 15 – 20 % tỷ lệ tử vong.
Ví dụ: Bệnh tim và thai nghén, Basedow và thai nghén, đái tháo đường và thai nghén, viêm gan siêu vi cấp, thiếu máu, bệnh sốt rét, HIV/AIDS.
Tỷ lệ tử vong các bà mẹ ở các nước đang phát triển:
Trước khi sinh: 23,9 %.
Trong khi sinh: 15,5 %.
Sau khi sinh: 60,6 %.
Tử vong của trẻ sơ sinh
Hàng năm trên toàn thế giới có 7,3 triệu thai nhi và trẻ sơ sinh chết vào những tháng cuối thai kỳ, lúc sinh và trong vòng 4 tuần sau sinh, trong đó có khoảng 3,3 triệu trẻ em chết khi mới sinh và 4 triệu chết trong giai đoạn sơ sinh và 4 triệu trẻ em khác chết trong năm đầu tiên của cuộc đời (WHO, 2005). Nguyên nhân chủ yếu là do suy hô hấp, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng.
Yếu tố ảnh hưởng
Các yếu tố ảnh hưởng đến tử vong mẹ
Dân trí: thực hiện quản lý thai nghén trước sinh chưa đầy đủ; chăm sóc trước, trong và sau sinh chưa chặt chẽ; Sinh đẻ tại nhà…
Kinh tế: Chất lượng cuộc sống không đảm bảo, dinh dưỡng kém
Mạng lưới y tế địa phương: Công tác tư vấn sức khỏe sinh sản, nạo phá thai không an toàn…
Các yếu tố ảnh hưởng đến tử vong trẻ sơ sinh
Bảng: Ảnh hưởng của một số bệnh của mẹ đối với trẻ sơ sinh.
Mẹ bị bệnh |
Ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thai nhi và sơ sinh |
Thiếu máu nghiêm trọng |
Nhẹ cân, ngạt thở chết khi lọt lòng |
Băng huyết |
Ngạt thở, giảm lưu lượng máu, chết sau khi lọt lòng |
Tăng huyết áp khi mang thai |
Nhẹ cân, ngạt thở chết khi lọt lòng |
Nhiễm trùng máu |
Trẻ sơ sinh nhiễm trùng huyết |
Đẻ khó |
Ngạt thở, con chết khi lọt lòng, nhiễm trùng máu, thương tổn, khuyết tật |
Nhiễm trùng trong khi mang thai (STDs; HIV) |
Đẻ non, sơ sinh nhiễm khuẩn mắt, mù mắt, viêm phổi. Chết ngay khi lọt lòng, nhiễm bệnh giang mai, lây truyền HIV trực tiếp từ mẹ sang con |
Viêm gan |
Viêm gan |
Sốt rét |
Nhẹ cân, đẻ non, chậm lớn |
Có thai ngoài ý muốn |
Phát triển nguy cơ tật bệnh do sự sỉ nhục ngược đãi và sự bất chấp |
Sinh đẻ không đảm bảo vô khuẩn |
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng, uốn ván |
Mô hình 3 chậm
Chậm quyết định tìm kiếm sự chăm sóc (nhân tố văn hoá/ kinh tế xã hội/ trình độ giáo dục).
Chậm xác định và đi đến cơ sở y tế (khả năng tiếp cận với cơ sở y tế).
Chậm tiếp nhận điều trị đầy đủ và thích hợp (chất lượng chăm sóc).
Biện pháp khắc phục
Tăng cường quản lý thai nghén trước đẻ để tuyên truyền giáo dục vận động các bà mẹ mang thai phải được khám đầy đủ tối thiểu 3 lần.
Tăng cường chăm sóc trong khi đẻ, bắt buộc theo dõi chặt chẽ sản phụ từ khi chuyển dạ tới khi đẻ. Thực hiện vô khuẩn sản khoa nghiêm túc.
Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên khoa sản – nữ hộ sinh tại tuyến cơ sở. Tăng cường bổ sung trang thiết bị.
Giảm nạo phá thai không an toàn.
Nâng cao vị thế của phụ nữ.
Giảm tử vong mẹ có thể thực hiện được bằng cách ngăn ngừa thai nghén không mong muốn ngăn ngừa các biến chứng xảy ra trong khi mang thai, xử trí thích hợp với bất kỳ một biến chứng nào xảy ra.
Nâng cao kỹ năng cho nữ hộ sinh bao gồm nâng cao năng lực xử trí ban đầu các biến chứng sản khoa và cấp cứu sản khoa.
Dịch vụ cấp cứu sản khoa phải đảm bảo chất lượng phương tiện chuyển tuyến lâm sàng.
Cung cấp đầy đủ thuốc thiết yếu và trang thiết bị.