[Bài thuốc] Bài thuốc hay trị viêm phế quản

SKĐS – Viêm phế quản là bệnh thường gặp trong mùa đông và thời tiết thay đổi. Khi phế quản bị viêm, niêm mạc của các phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra ho và có thể kèm theo đờm đặc.

Viêm phế quản là bệnh thường gặp trong mùa đông và thời tiết thay đổi. Khi phế quản bị viêm, niêm mạc của các phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra ho và có thể kèm theo đờm đặc. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc, món ăn, trà thuốc dùng khi mắc bệnh viêm phế quản như sau:

Bài thuốc

Bài 1: Chữa viêm phế quản, ho, khó khạc đờm: Tang bạch bì, tiền hồ, đào nhân, bối mẫu, mỗi vị 10g; Khoản đông hoa 8g, cát cánh 5g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 1 tuần.

Bài 2: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản trong giai đoạn cấp tính: Kim ngân, lá dâu, mỗi vị 12g; Bạc hà, cúc hoa, lá ngải cứu, mỗi vị 10g, xạ can 8g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Tía tô 12g; Lá hẹ, kinh giới, mỗi vị 10g; Bạch chỉ, rễ chỉ thiên, mỗi vị 8g; Xuyên khung, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang. Uống 5 – 7 ngày.

Bài 3: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính: Vỏ rễ dâu, mạch môn, rau má, bách bộ, mỗi vị 10g; Trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Lá dâu sao vàng 15g, cát cánh 16g, tía tô 16g, cam thảo 16g, mơ muối 10g, rau tần dày lá 12g, sa sâm 16g, bối mẫu 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 7 ngày là một liệu trình.

Bài 4: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn tính (người bệnh có biểu hiện ho, khạc nhiều đờm, họng khô đau, sốt, nhức đầu,…): Tang diệp 16g, rễ cây chanh 8g, rễ cây dâu 12g, bán hạ chế 6g, bạc hà 8g, cúc hoa 8g, rau má 12g, xạ can 4g, lá hẹ 8g, rễ chỉ thiên 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 1 tuần.

Bài 5: Chữa ho do viêm phế quản: Bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, thiên môn đông 10g, tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, nước 1.000ml. Sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Uống 5 -7 ngày.

Món ăn

– Cháo bách hợp, hạnh nhân: Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cháo, đến khi gần được cho bách hợp và hạnh nhân (bỏ vỏ) vào, cho thêm ít đường, ăn trong ngày, có công dụng nhuận phế, trừ ho, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản, khí quản. Lưu ý: Không dùng bách hợp trong trường hợp cảm lạnh, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn.

– Cháo ý dĩ, hạnh nhân: Ý dĩ nhân 30g, hạnh nhân 10g, đường phèn vừa đủ. Cách làm: Lấy ý dĩ nhân nấu cháo, đợi khi gần chín cho hạnh nhân vào, để lửa nhỏ nấu đến khi chín, cho đường phèn, ăn vào buổi tối, sáng. Tác dụng: Hóa đờm bình suyễn.

– Cháo phổi lợn, ý dĩ: Phổi lợn 500g, ý dĩ nhân 50g, gạo lức 100g. Cách làm: Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, cho 1 chút rượu, nấu chín vớt ra, thái miếng nhỏ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, ý dĩ nhân, hành, gừng tươi, gia vị vừa đủ, đun to lửa cho sôi sau nhỏ lửa, hầm đến khi gạo chín nhừ là được. Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên rất có hiệu quả đối với người bệnh viêm phế quản.

– Cháo hạnh nhân: Hạnh nhân 15g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Hạnh nhân bỏ vỏ, nghiền mịn, rồi nấu với gạo thành cháo, khi ăn nêm gia vị. Ăn nóng, vào sáng sớm và chiều tối. Dùng cho người bệnh viêm phế quản, ho, khó thở, ngực bứt rứt.

– Cháo bí đao, ý dĩ: Bí đao 30g, ý dĩ nhân 15g, gạo lức 100g. Cách làm: Bí đao rửa sạch, nấu lấy nước bỏ bã; ý dĩ, gạo lức đãi sạch. Cho tất cả vào nồi nấu thành cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm ho, tan đờm.

– Lê hấp đường phèn: Lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Cách làm: Quả lê ngâm rửa sạch, khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần (sáng, tối) trong ngày. Công dụng: Trị viêm phế quản cấp, họng khô đau, ho khan ít đờm.

Lê hấp đường phèn.

Trà dược

– Trà phật thủ: Phật thủ 30g, đổ nước vừa đủ đun sôi chắt lấy 200ml nước, hòa 20ml mật ong uống thay trà trong ngày. Công dụng: Nhuận phế, giảm ho, tiêu đờm, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản mạn tính.

Trà quất: Trà mạn 2g, vỏ quất khô 2g. Cho cả hai thứ vào nước sôi hãm 10 phút. Ngày uống 2 lần, uống nóng sau các bữa ăn. Công dụng: Trị ho có đờm, giảm kích thích phế quản phổi, dạ dày trướng hơi không tiêu.

– Trà trám, mơ: Quả trám tươi 50g (có thể dùng trám khô 10g), quả mơ 10g, đường trắng vừa đủ. Bổ quả trám và mơ ra, cho nước vào đun 20 phút, bỏ bã lấy nước, thêm chút đường trắng, uống thay trà trong ngày. Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, trị ho, nhuận táo, hóa đờm.

– Trà la hán quả: Quả la hán 20g, nước 500ml. Cho quả la hán vào cốc, cho nước sôi đậy lại, ngâm 30 phút, uống ấm thay trà trong ngày. Công dụng: Trị ho, hóa đờm, thanh nhiệt, nhuận phế.

Trà la hán quả.

– Trà mật ong, trứng gà: Mật ong 30g, trứng gà 1 quả. Mật ong cho thêm một ít nước đun sôi; đập trứng vào, lấy đũa đánh cho tan. Ngày uống 1 – 2 lần, uống nóng. Công dụng: Nhuận phế, trị ho, chữa viêm phế quản mạn tính, khản tiếng.

Bác sĩ Nguyễn Thúy An

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận