Bé gái 8 tuổi bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày vì sai lầm của mẹ từ khi còn bé

Ngay từ nhỏ, mẹ cháu Hà đã dùng phim hoạt hình, điện thoại để lừa cho cháu ăn, lâu dần khiến cháu bị đau và đi khám thì phát hiện bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày.

Viêm toàn bộ dạ dày vì vừa ăn vừa xem tivi

Hiện nay, tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày. Trong đó, tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (Hp) là chủ yếu.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân do nhiễm H.pylori thì nhiều trường hợp trẻ bị đau dạ dày còn do chính nguyên nhân từ các bậc phụ huynh, trong đó sai lầm trong cách cho ăn uống và sinh hoạt chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.

Tại khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiều phụ huynh khi cầm kết quả trên tay bần thần vì không hiểu nguyên nhân vì sao con mình lại mắc bệnh viêm dạ dày trầm trọng đến như vậy. Chỉ đến khi các bác sĩ hỏi về cách chăm sóc dinh dưỡng cho con các phụ huynh mới “ngã ngửa” vì nguyên nhân là do chính mình.

Rất nhiều trẻ đến khám tại BV Nhi Trung ương có kết luận viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày.

Điển hình là trường hợp của cháu Vương Minh Thu Hà (Sóc Sơn – Hà Nội), 8 tuổi bị chẩn đoán viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và cần phải điều trị cũng như thay đổi chế độ ăn uống nếu không muốn bệnh càng trầm trọng hơn.

Chị Hồng (mẹ cháu Hà) cho biết, nguyên nhân đưa cháu đi khám vì cháu liên tục kêu đau bụng, mặc dù được gia đình bồi bổ khá chu đáo nhưng cháu Hà không có chuyển biến về cân nặng. Đỉnh điểm nhất là ngày 8/8, cháu ăn vào liên tục bị nôn trớ kiểu trào ngược thức ăn.

“Quá lo lắng, gia đình đưa thẳng cháu về bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, không ngờ cháu lại bị nặng như vậy”, chị Hồng buồn bã chia sẻ.

Khi bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống, chị Hồng cho biết, con chị ăn uống bình thường, mỗi bữa ăn được hơn 1 bát cơm, thức ăn cũng như bao trẻ em khác và có uống sữa. Tuy nhiên, chị Hà cũng thừa nhận, từ khi cháu tập ăn cho đến tận bây giờ, mỗi bữa ăn cháu đều phải xem điện thoại, quảng cáo hoặc hoạt hình thì cháu Hà mới ăn, nếu không lại phải cho đi ăn rong.

“Đến tận bây giờ, ngoài giờ ăn ở lớp thì gia đình không nắm rõ, chứ ở nhà buổi tối khi gia đình ăn cơm, cháu cứ đòi phải xem kênh hoạt hình thì mới ăn nhanh, nếu không phải ngồi hết cả tiếng đồng hồ không xong”, chị Hồng nói.

Vừa ăn vừa xem tivi sẽ làm trầm trọng thêm bệnh

Tình trạng của cháu Hà không phải là hiếm trong số các bậc phụ huynh đến khám tiêu hóa ở Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết, tình trạng này xảy ra do sai lầm trong cách chăm trẻ của các bậc phụ huynh. Theo đó vì muốn con ăn nhiều hơn, nhanh hơn nên bố mẹ làm mọi cách để cho con ăn, trong đó việc vừa cho con ăn vừa xem tivi, quảng cáo, điện thoại…đang xảy ra khá phổ biến.

TS Nguyễn Thị Út đang khám cho một bệnh nhi rất nhỏ tuổi tại phòng khám tiêu hóa - BV Nhi
TS Nguyễn Thị Út đang khám cho một bệnh nhi rất nhỏ tuổi tại phòng khám tiêu hóa – BV Nhi

TS.BS Nguyễn Thị Út – khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc trẻ mắc bệnh viêm dạ dày chủ yếu là do nhiễm Helicobacter pylori. Tuy nhiên, những nguyên nhân do sai lầm trong cách ăn uống, sinh hoạt cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể và làm trầm trọng hơn bệnh viêm dạ dày.

“Việc trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại là những tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm dạ dày tá tràng, đồng thời khiến cho dạ dày phải làm việc quá mức, quá trình tiêu hoá không được lưu thông, thức ăn bị ứ trệ khiến cho dạ dày phát tiết nhiều acid để tiêu hoá thức ăn, việc tiết dịch acid quá mức của dạ dày sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần đã tới viêm loét dạ dày tá tràng”, TS Út phân tích.

Cùng quan điểm trên, Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan – phụ trách phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) cho rằng, việc vừa cho trẻ ăn, vừa xem ti vi, điện thoại là sai lầm phổ biến nhất mà nhiều phụ huynh gặp phải hiện nay.

“Nhiều người cứ nghĩ làm như vậy trẻ ăn được nhiều là tốt, nhưng đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm vì khi trẻ vừa ăn, vừa xem trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn mà không biết món ăn đó có ngon hay không, vị giác không cảm nhận được và như vậy việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề và kết quả là dù trẻ ăn được nhiều nhưng vẫn suy dinh dưỡng, thậm chí mắc cả bệnh dạ dày”, BS Lan cho biết.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Theo Khám phá

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận