GiadinhNet – Mới đây, nhiều báo lớn và mạng xã hội Trung Quốc đăng tải thông tin về một bé gái 12 tuổi mang thai 12 tuần đi khám bệnh ở bệnh viện thành phố Từ Châu, (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Mang thai ở tuổi này nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và thai nhi như thế nào?
Theo thông tin từ công an Trung Quốc, nạn nhân được gọi là bé Lan Lan (người Việt Nam, tự khai 12 tuổi) bị 2 người Việt Nam khác bán sang tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) từ năm 2014.
Sau khi bị mua bán qua tay nhiều người, bé được bà Tạ (47 tuổi, người Từ Châu, Trung Quốc) nhận làm con nuôi. Tầm khoảng tháng 5- 6 năm 2016, vì ham tiền nên bà Tạ bán bé gái cho người đàn ông họ Lưu (35 tuổi, người Từ Châu) để làm vợ với giá 3 vạn tệ (hơn 100 triệu VNĐ).
Bé gái này không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Tại trụ sở công an (Trung Quốc) bé cho biết tên là Mai, từng sống ở đường Đào Cam Mộc, (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội và đường Cảm Hội quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trước đó, một bé gái 12 tuổi ở Nghệ An cũng bị hiếp dâm đến mang bầu. Theo các bác sỹ, việc mang thai sớm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ sau này.
Bé gái Việt 12 tuổi mang thai khi bị bán sang Trung Quốc, bụng vừa nổi nhưng đã xuất hiện các vết nứt sưng và căng trên da. Ảnh: Asiawire.
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, GS Nguyễn Đức Vy – nguyên giám đốc bệnh viện phụ sản trung ương cho biết: “Ở nữ giới, về mặt sinh lý, 12 tuổi là nhiều bé đã bước vào tuổi dậy thì, có kinh nguyệt hàng tháng, đồng nghĩa với việc có khả năng mang thai. Tuy nhiên, ở tuổi này các bộ phận khác như ngực, cổ tử cung chưa phát triển nên mang thai tuổi này rất nguy hiểm, tốt nhất là phá bỏ”.
Ông cho biết thêm, mang thai ở độ tuổi này có nhiều rủi ro với thai nhi và người mẹ. Người mẹ dễ bị sẩy thai, nhiễm độc thai nghén, thai chết lưu, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ. Nếu giữ được thai thì cùng không thể sinh thường vì cổ tử cung chưa phát triển hết.
Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao. Đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Nếu sinh sẽ gây tổn thương cơ quan sinh sản, rách cổ tử cung, thủng cổ tử cung. Nhiễm trùng ở vùng chậu hay nhiễm trùng toàn thân dẫn đến nhiễm trùng huyết. Hơn nữa, tuyến vú chưa phát triển, người mẹ không có sữa nuôi con.
Theo một nghiên cứu ở Matlab, Bangladesh cho thấy tỷ lệ tử vong ở mẹ khi sinh nở ở độ tuổi 10 – 14 cao gấp 10 lần so với độ tuổi 20 – 24, và tỉ lệ tử vong mẹ ở độ tuổi 15 – 19 thì cao gấp 2 lần so với độ tuổi 20 – 24. Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên cũng tử vong trong năm đầu đời nhiều hơn 40% so với trẻ sinh từ các bà mẹ lứa tuổi hai mươi.
Ngọc Thi
Nguồn: giadinh.net.vn