Tên gọi calci hóa sụn là để chỉ sự có mặt của các muối calci trong sụn khớp, bệnh thường được phát hiện đầu tiên nhờ X quang. Bệnh có thể có tính chất gia đình và thường phối hợp với môt bệnh rối loạn chuyển hóa khác như bệnh nhiễm sắc tố sắt, cường cận giáp trạng, bệnh nhiễm sắc tố ochronose, đái tháo đường, thiểu năng giáp trạng, bệnh Wilson, và bệnh gút thực sự. Bệnh giả gút thường thấy ở những người từ 60 tuổi trở lên. Đặc trưng của bệnh là những đợt viêm khớp cấp tính, tái phát và hiếm hơn là viêm khớp mạn tính của một số khớp lớn (chủ yếu là khớp cổ tay) và luôn luôn đi kèm hiện tượng calci hóa sụn của khớp bị tổn thương. Việc tìm thấy những tinh thể calcium pyrophosphat trong dịch khớp giúp cho chẩn đoán xác định bệnh. Dưới kính hiển vi quang học, tinh thể calcium pyrophosphat trong bệnh giả gút có hình thoi, khác với những tinh thể hình kim trong bệnh gút. Một thiết bị chiếu sáng đặc biệt được sử dụng để chẩn đoán dương tính, những tinh thể giả gút có màu xanh khi nằm song song và có màu vàng khi vuông góc với trục của thiết bị này. Các tinh thể urat có màu ngược lại. X quang không những cho thấy sự calci hóa của tổ chức sụn mà còn cho thấy những dấu hiệu của bệnh khớp thoái hóa. Không giống bệnh gút, bệnh nhân bị bệnh giả gút thường có nồng độ acid uric huyết thanh bình thường, và kém đáp ứng với điều trị bằng colchicin.
Điều trị bệnh calci hóa sụn chủ yếu là điều trị bệnh lý tiên phát, nếu có. Một số thuốc chống viêm không steroid (salicylat, indomethacin, naproxen và những thuốc khác) có tác dụng tốt trong điều trị đợt cấp. Colchicin với liều 0,6mg uống 2 lần mỗi ngày có tác dụng dự phòng hơn là điều trị trong đợt cấp tính. Chọc hút dịch khớp và tiêm tại khớp triamcinolon 10 – 40 mg (tùy theo kích thước khớp) cũng có hiệu quả trong một số trường hợp không đáp ứng với biện pháp điều trị trên.