1.Định nghĩa
Bướu cổ dịch tễ còn gọi là bướu giáp địa phương hay bướu giáp lưu hành: Khi nhu cầu sinh lý của iode không đủ trong quần thể dân chúng, thì sẽ phát sinh hàng loạt bất thường, bao gồm tổn thương chức năng tuyến giáp va, khi thiếu iode trầm trọng gây ra bướu cổ dịch tễ hay đần độn dịch tễ, giảm thông minh và tăng tử suất chu sinh và sơ sinh. Những biến chứng này thật sự là 1 trở ngại lớn cho sự phát triển của quần chúng và được nhóm lại thành một tên chung là rối loạn do thiếu iode.
Từ đó người ta định nghĩa bướu cổ dịch tể như là sự phì đại của tuyến giáp khu trú hay toàn thể trong hơn 10% quần chúng.
Định nghĩa bướu cổ rải rác là sự phì đại tổ chức tuyến giáp có tính chất lành tính toàn bộ hay từng phần không có triệu chứng suy hay cường giáp, không do viêm, không có tính chất địa phương (tức vùng không có dịch tễ), các yếu tố gây bệnh không ảnh hưởng trong quần thể chung.
Nhiều nguyên nhân khác nhau làm tuyến giáp lớn có lẽ là chung cho cả bướu cổ lẻ tẻ và bướu cổ dịch tễ.
2.Dịch tễ học
Bướu giáp đơn thường gặp ở nư nhiều hơn nam, tỉ lệ mắc bệnh cao ở một số địa phương. Trên thế giới có những vùng địa dư thiếu iode: như vùng núi có nguy cơ bướu cổ rất cao: vùng tuyết phủ, Hy mã lạp sơn (Himalaya, Andes)
Tuy nhiên người ta cũng thấy thiếu iode ở những vùng có biên độ thấp, rất xa đại dương như lục địa vùng Trung Phi, lục địa Châu Âu hiện nay. Không có con số chính xác cho biết số lượng nhân loại có nguy cơ phát triển rối loạn do thiếu iode.
Một đánh giá được xem là có thể đang kiểm chứng > 800 triệu, trong đó có 3 triệu bị đần độn dịch tễ.
Tại Việt nam, theo điều tra của Bộ Y tế (1993) về iode niệu ở trẻ em 9 – 11 tuổi, có 94% thiếu iod.
3.Bệnh nguyên
Thiếu iode
Gặp trong vùng địa dư đặc biệt như vùng núi và một số vùng đã nêu đã trên.
Rối loạn kích thích tố nữ: xảy ra ở phụ nữ dậy thì, có thai, tiền mãn kinh.
Do chất kháng giáp
Bắp cải trắng hay thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc chất ngăn cản sự tải iode như Thiocyanate, Perchlorate.
Sắn cũng gây bướu cổ dịch tễ, vì sắn có chứa Glucoside cyanogénique, Linamarin, chất này khi bị thủy phân giải phóng cyanure, trong cơ thể cyanure bị khử độc thành thiocyanate, mà thiocyanate ức chế bơm iode tuyến giáp và gia tăng sự thanh thải iode ở thận, hậu quả là thiếu iode cơ thể.
Do bất thường tổng hợp KTT tuyến giáp
Do thiếu enzyme ảnh hưởng đến sự sinh tổng hợp KTT tuyến giáp.
Do sự sai lệch bẩm sinh trong sự tổng hợp thyroxin sản xuất ra iodoprotein bất thường.
Dùng iode liều cao gây ức chế tổng hợp hormon giáp do hiệu quả Wolff Chaikoff (tác dụng thoáng qua).
Mất iode
Tiêu chảy kéo dài, hội chứng thận hư (giảm protein tải iode), thai nghén (tăng thải iode nước tiểu).
Cơ chế bệnh sinh
Trong bướu cổ, giảm thyroxin sẽ kích thích tuyến yên tăng tiết TSH gây bướu giáp và tăng sản xuất hormon giáp, đây chỉ là hiện tượng bù trừ, phản ứng để cung cấp cho cơ thể đủ thyroxin, do đó tuyến giáp không bị suy hay giảm chức năng.
Nồng độ iode trong máu và trong tuyến giáp giảm, làm tuyến giáp phì đại để bù trừ cũng qua cơ chế trên.
Vấn đề bướu nhân chưa được giải thích rõ rệt lắm, người ta cho rằng bắt đầu to toàn bộ tuyến giáp và sau đó thu lại còn một hay nhiều nhân. Có ý kiến khác cho rằng TSH tác dụng lên một số nhỏ nang tuyến giáp, và bướu dạng keo là hậu quả của bướu hay phì đại tế bào.
4.Triệu chứng
4.1.Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng cơ năng:
Đối với bướu giáp đơn thuần: bệnh nhân thường có tình trạng bình giáp.
Đối với bướu cổ dịch tễ thì ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể nhất là ở trẻ em, giảm thông minh, đần độn.
Triệu chứng thực thể:
Đối với bướu giáp đơn đều: chỉ tình cờ thấy bướu lớn, hoặc do người khác phát hiện có một khối u ở giữa cổ, sờ có ranh giới rõ, không dính vào da, không đau, mềm hay chắc, di động theo nhịp nuốt lên xuống, khi bướu to có thể gây chèn; không có tiếng thổi tại đỉnh bướu.
Đối với bướu giáp nhiều nhân: gồm nhiều khối tròn đường kính từ 0,5 – vài cm.
Phân độ bướu cổ có tính dịch tễ:
Kích thước bình thường của mỗi thùy TG: 2,5-4cm chiều cao, 1,5-2cm chiều rộng,1- 1,5 chiều dày; trọng lượng của TG 10-20g.
4.2.Triệu chứng cận lâm sàng
Định lượng FT3, FT4 bình thường.
Bình thường FT4 = 0,8 – 2,4ng/dl, hoặc 8 – 18pg/ml, hoặc 10 – 30nmol/L.
FT3 = 0,4ng/dl, hoặc 3 – 4pg/ml
Bình thường tuyến giáp tiết T4 được chuyển dạng thành T3 ở mô ngoại biên dưới tác dụng của désiodases. T3 là hormone hoạt động trên thụ thể tế bào đích. Vì thế tốt nhất là đo FT3, FT4, phản ảnh hoạt tính sinh học, và nhất là FT4 đánh giá trung thực sự sản xuất TG, còn FT3 đặc hiệu cho sự điều hòa ngoại biên.
Còn T3 và T4 toàn phần ít trung thực, do dễ bị biến đổi bởi các yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến chất tải protein:
Yếu tố tăng protein tải hay tăng T4 toàn phần: oestrogen, thai nghén, viêm gan nhiễm trùng, u tủy, collagenose.
Yếu tố làm giảm T4: suy dưỡng, giảm protid máu, xơ gan, thuốc androgene, corticoide liều cao.
Yếu tố ngăn cản sự kết hợp với protein tải: hydantoin, clofibrate, héparine, phenylbutazone.
TSH cực nhạy (TSH us) bình thường (TSH = 0,3 – 4mUI/L).
TSH kiểm soát TG, sự tiết TSH được điều hòa rất nhạy bởi nồng độ hormone giáp ngoại biên qua cơ chế hồi tác (feed back).
Dùng kỹ thuật cực nhạy thế hệ II hiện nay là 0,1mUI/L, thì TSHus < 0,1mUI/L là cường giáp. Thế hệ III là 0,01mUI/L thì TSH us < 0,01mUI/l là cường giáp.
Độ tập trung I131 bình thường, trừ trường hợp bướu đơn háo iode, cần làm thêm nghiệm pháp Werner để loại trừ cường giáp.
Bình thường độ tập trung I131 tại tuyến giáp ở các thời điểm 2 giờ là 15%, 6 giờ là 25%, sau 24 giờ là 40%.
Chụp nhấp nháy xạ hình giáp (Sintigraphie): cho biết hình thái tuyến giáp, chức năng tuyến giáp, khả năng bắt giữ phóng xạ I131 hoặc 99 Technétium của chủ mô giáp (xét nghiệm này cần thiết trong chỉ định bướu hòn): trong bướu đơn, iode phân bố đều khắp tuyến giáp.
Định lượng T3, T4 tự do bình thường.
TSH cực nhạy bình thường.
Độ tập trung I131 bình thường, trừ trường hợp bướu đơn háío iode.
Sinh thiết: có khi cần thiết, cho thấy các biến đổi lành tính như trong phần giải phẫu bệnh.
Đối với bướu cổ dịch tễ hay bướu cổ địa phương, cần đo iode niệu/ngày, hoặc tỉ lệ iode niệu/créatinine niệu để đánh giá sự trầm trọng của thiếu hụt iode:
Mức độ nhẹ: 50 – 99 (g/ngày hoặc 50 – 99 (g/g créatinine niệu.
Mức độ trung bình: 25 – 49 (g/ngày hoặc 25 – 49 (g//g créatinine niệu.
Mức độ nặng < 25 (g/ngày hoặc 25 (g/g créatinine niệu.
Thể tích tối đa tuyến giáp (giới hạn trên) ở người trưởng thành 18 ml.
5.Chẩn đoán
5.1.Chẩn đoán xác định
Dịch tễ và lâm sàng cũng đủ để chẩn đoán.
Trường hợp bướu cổ lẻ tẻ, nên khám kỹ hơn về lâm sàng và xét nghiệm để thăm dò chức năng tuyến.
5.2.Chẩn đoán phân biệt
Bướu giáp có suy giáp: chỉ khác nhau về triệu chứng suy giáp.
Bướu giáp có cường giáp như Basedow, bướu giáp độc lâm sàng có dấu cường giáp, tính chất đặc biệt của bướu và cận lâm sàng giúp cho chẩn đoán dễ.
Bướu giáp đơn kết hợp với rối loạn thần kinh thực vật: có triệu chứng giống nhau là có bướu cổ, kèm dễ mệt hay hồi hộp, nhịp tim nhanh nhưng nhịp tim dễ trởlại bình thường khi nghĩ ngơi hay dùng an thần, lòng bàn tay có nhiều mồ hôi nhưng không nóng, các XN thăm dò chức năng tuyến giáp bình thường.
Bướu giáp đơn háo iode: không có dấu hiệu cường giáp, chỉ có độ tập trung I131 cao, nhưng nghiệm pháp Werner > 50%, các XN khác bình thường.
K tuyến giáp: rất cứng, có thể có triệu chứng chèn ép và hạch di căn, không tập trung I131, sinh thiết đểloại trừ.
Viêm tuyến giáp bán cấp và mạn (Hashimoto, Riedel), bướu giáp lan tỏa, có khi nhiều nhân, cứng, tốc độ máu lắng tăng, (globulin tăng, tự kháng thể kháng giáp cao, KT kháng TPO, sinh thiết tổ chức giáp để loại trừ.
U ngoài tuyến giáp: không di động theo nhịp nuốt.
6.Biến chứng
Xuất huyết trong bướu: bướu to nhanh, đau và nóng, dấu chèn ép cấp.
Cường giáp: Thường xảy ra ở bướu nhiều nhân, bướu lâu năm, Basedow hóa phần tuyến bình thường xen kẽ giữa các nhân, thường do cung cấp iode quá nhiều (iode- Basedow).
Ung thư hóa.
Riêng đối với bướu cổ do thiếu iode ở người mẹ mang thai: có thể ảnh hưởng đến sự chậm phát triển về tinh thần và thể chất của thai nhi
7.Điều trị
7.1.Nguyên tắc điều trị
Nhằm bình thường hóa nồng độ hormonee tuyến giáp, mà không đòi hỏi tuyến giáp phải tăng hoạt và phì đại, do đó nếu bệnh nguyên:
Thiếu iode thì cung cấp iode, không do thiếu iode, cung cấp thêm hormonee giáp tổng hợp.
Trong bướu giáp đơn do thiếu iode, điều trị bằng iode hay hormonee giáp làm tuyến giáp nhỏ lại nhiều hay ít thay đổi tuỳ thuộc nhiều yếu tố, như thời gian xuất hiện bướu, kích thước bướu, độ xơ hoá của bướu.
Trong những nguyên nhân khác gây bướu giáp đơn lan toả không độc, Levothyroxine có thể được dùng với mục đích nhằm giảm kích thước tuyến giáp
7.2.Điều trị cụ thể
Điều trị bướu giáp đơn lan toả (không độc):
Điều trị ngoại khoa:
Hạn chế tối đa phẩu thuật vì bướu giáp trong trường hợp này lớn là do hoạt động bù, nếu cắt bỏ dễ bị suy giáp, nhất là hiếm khi chỉ định đối với các bướu lớn lan toả. Tuy nhiên can thiệp phẩu thuật có thể đặt ra trong những trường hợp sau:
Bướu giáp quá lớn gây chèn ép (khó nuốt, khó thở, nói khàn). Bướu giáp lâu năm dễ bị ung thư hoá hoặc nghi ngờ ung thư hoá. Bướu nhiều nhân
Vì lý do thẩm mỹ.
Sau khi phẩu thuật, phải thường xuyên kiểm tra FT4, TSH để phát hiện suy giáp kịp thời
. Điều trị nội khoa:
Đối với bướu giáp do thiếu iode hay bướu giáp địa phương:
Phần lớn không hoặc ảnh hưởng rất ít đến chức năng tuyến giáp, nhưng nguyên nhân chính là do thiếu iode, nên tốt nhất là đưa iode vào điều trị và dự phòng, Iode có nhiều dạng:
Iode dưới dạng iodur de potassium (IK) (Lugol) 1 mg muối KI/ngày, tối thiểu trong 6 tháng, hoặc iodat de potassium (KIO3).
Cần theo dõi biến chứng Iode-Basedow.
Tuy nhiên vì cơ chế Feedback còn bình thường, nên có thể sử dụng hormonee giáp
để làm giảm thể tích tuyến giáp. L. Thyroxine viên được chỉ định khi:
Lâm sàng và siêu âm xác định bướu giáp lớn.
Nồng độ Thyroxine giảm và TSH huyết tương tăng.
Thể tích tuyến giáp có nhỏ lại so với trước khi điều trị
Thyroxin (Levothyroxine, L-Thyroxine, Levothyrox) (T4), viên 50μg, 75μg, 100μg, liều tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân 0.5- 2 viên/ng
Levothyroxine có 1/2 đời là 7 ngày, hấp thu tốt, dùng buổi sáng để tránh mất ngủ.
Triiodothyronine (Liothyronine) (T3) viên 25 μg, 1- 2 viên/ng, ít dùng vì hấp thu nhanh, 1/2 đời ngắn, hiệu quả chỉ thoáng qua. Không dùng ở bệnh nhân THA, bệnh mạch vành.
Ở người trẻ, liều bắt đầu 100 μg/ngày, và ngưng khi TSH ở mức bình thường-thấp
Theo dõi cho tăng liều dần để đạt hiệu qủa tốt, theo dõi biến chứng cường giáp (mạch nhanh, gầy).
Ở bệnh nhân già, liều khởi đầu 50 μg/ngày, cần cho liều tăng dần theo dõi cơn đau thắt ngực và đo điện tim.
Kết quả:
Bởi vì có khả năng bệnh tuyến giáp tự miễn tiềm tàng, nên thận trọng không dùng thyroxine đặc biệt khi khi TSH ở giới hạn thấp.
Ở bệnh nhân già, bướu nhân hoặc bướu xơ hoá, khả năng bướu co nhỏ lại chừng 1/3, bệnh thường giảm sau 3-6 tháng điều trị, nếu sau thời gian này không giảm thì khó có hiệu quả tốt.
Đối với bướu cổ lẻ tẻ không do thiếu iode:
Vẫn điều trị bằng thyroxine liều như trên, nhằm giảm phì đại tuyến giáp.
Điều trị bướu giáp đa nhân không độc.
Phần lớn bướu giáp đa nhân không độc có thể để bảo tồn.
Cung cấp thyroxine hiếm khi làm tuyến giáp nhỏ lại.
Nếu dùng Levothyroxine, dùng liều khởi đầu là 50 μg/ngày, có thể tăng dần liều, nhưng theo dõi TSH.
Chất cản quang hoăc các chất chứa iode nên tránh vì có nguy cơ đưa đến cường giáp do iod (iod-Basedow) do tăng sản xuất hormonee giáp của các nhân giáp.
Xạ trị liệu ngày càng được chỉ định vì làm kích thước tuyến nhỏ lại, và có thể cắt bỏ chọn lọc các nhân tự trị. Liều I131 phụ thuộc vào kích thước tuyến giáp, và sự bắt giữ iode phóng xạ. Thường khoảng ≥ 100 μCurie/gram mô tuyến. Điều trị có thể lập lại nếu cần. Phần lớn bệnh nhân, kích thước tuyến giáp giảm khoảng 40-50%.
Khi có sự chèn ép cấp xảy ra, glucocorticoid hoặc phẫu thuật có thể cần thiết được chỉ định.
Suy giáp sau xạ điều trị bướu giáp đa nhân không độc ít xảy ra hơn so sau xạ điều trị Basedow. Tuy nhiên khoảng trên 5% suy giáp tự miễn có thể xảy ra sau điều trị bệnh bướu giáp đa nhân không độc.,.
8.Phòng bệnh
-Đối với vùng thiếu iode
Muối iode hóa:
Nồng độ iode trộn vào muối được đề nghị là 1 phần iode cho 10.000-100.000 phần muối, bằng cách dựa trên sự tiêu thụ khoảng 5g-10g muối/ngày, cung cấp chừng 50- 500μg iode/ng. Hiện nay dùng iodat bền vững hơn iodure (IK) do đặc tính ổn định của nó trong vùng nhiệt đới ẩm thấp,
Dự phòng bướu cổ bằng cách dùng muối iode có kết quả tốt trong một số QG như Hoa kỳ, Thuỵ sĩ, Ấn độ, Mêxico, Phần lan, Tiệp khắc. Tại Hoa Kỳ sau 30 năm cung cấp iode dự phòng đã giảm độ tập trung phóng xạ vào thời điểm 24 giờ từ 40-45% (1960) xuống còn 8-30% (1990). Tuy nhiên theo khuyến cáo của TCYTTG (1996) về sử dụng muối iode cần lưu ý:
Khoảng 20% iode bị mất đi từ khi sản xuất cho đến khi sử dụng.
Khoảng 20% iode bị hư biến trong quá trình chế biến thức ăn.
Lượng muối sử dụng trung bình trong ngày là 10g. Cách trộn Kali iodat (iodate de potassium: KIOμ) hoặc iodure Kali (IK) 20-25 mg/kg muối, tương ứng nhu cầu trung bình là 150- 300 μg/ngày.
Sự cung cấp được đánh giá tốt khi nồng độ iode trong nước tiểu trung bình từ 100-200μg iode/l
Dầu iode:
Lipiodol:
Đường uống: 1ml chứa 480mg iode, liều duy nhất bằng 1ml, dự phòng 1-2 năm.
Tiêm bắp: liều 0,5-1ml (1ml chứa 480mg iode), dự phòng bướu cổ và chứng đần địa phương trong 3 – 5 năm.
Trẻ em <1tuổi: liều 0.5ml, TB ở mông.
Trẻ em >1tuổi và người lớn TB ở tay, liều 1ml.
Nuớc pha iode:
Iode loại dung dịch đậm đặc I2, IK hay KIO3 cho vào nước uống đạt nhu cầu 150μg /ngày.
Lugol:
5g I2 + 10g IK trong 100ml (hoặc 6mg iode chứa trong 1 giọt Lugol). Thời gian tác dụng ngắn hơn so với loại dầu iode, nên cho nhiều lần trong ngày
Có nhiều cách bổ sung iode, nhưng iode hóa muối là phương pháp được ưa chuộng nhất trong việc bổ sung iode ở quần thể thiếu hụt iode.