[Nội khoa] Bệnh học cầu thận

Đại cương

Định nghĩa

Bệnh cầu thận là sự thương tổn chức năng hay thực thể biểu hiện ở cầu thận với đặc điểm lâm sàng là phù, Protéine niệu, tăng huyết áp, diễn tiến mạn tính và thường đưa đến suy thận mạn. Chẩn đoán bệnh cầu thận chủ yếu dựa vào sinh thiết thận. Tiên lượng của bệnh tuỳ thuộc vào nguyên nhân và tổn thương mô học trên sinh thiết.

Phân loại

Có nhiều cách phân loại bệnh cầu thận, có thể kể đến các phân loại của Hambuger 1980, Brenner 1985 và của Cohn 1991. Dưới đây chúng tôi đề cập đến cách phân loại đơn giản nhất được giới thiệu bởi hiệp hội các giáo sư thận học Pháp 2003, phân loại này chia bệnh cầu thận làm hai nhóm chính, tuỳ thuộc vào diễn tiến cấp hoặc mạn tính của bệnh:

Các bệnh cầu thận cấp tính:

Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu.

Viêm cầu thận thể tiến triển nhanh.

Bệnh cầu thận do nhiễm độc thai nghén.

Bệnh cầu thận do Lupus.

Các bệnh cầu thận mạn tính:

Bệnh cầu thận có tổn thương tối thiểu (thận hư nhiễm mỡ).

Bệnh cầu thận xơ hoá ổ và đoạn.

Viêm cầu thận màng (trên màng hoặc ngoài màng).

Viêm cầu thận tăng sinh màng.

Bệnh cầu thận IgA (bệnh Berger).

Bệnh cầu thận đái tháo đường.

Amylose thận.

Hội chứng Alport.

Các thể bệnh chính

Viêm cầu thận cấp

Nguyên nhân do liên cầu khuẩn Beta tan máu nhóm A, type 12 điển hình cho một viêm họng, type 49 điển hình sau viêm da mủ. Lâm sàng cuả thể thông thường xuất hiện sau 10 – 21 ngày viêm họng đột ngột xuất hiện đau vùng thắt lưng hai bên, thiểu niệu, phù chủ yếu hai mí mắt, mắt cá chân và thường có sốt kèm theo. Nước tiểu ít, dưới 500 ml/24 giờ, màu đỏ nhạt do nước tiểu có nhiều hồng cầu, có màu đỏ sẫm khi tiểu máu đại thể.

Tăng huyết áp cả tối đa lẫn tối thiểu là thường gặp ở mức vừa phải.

Xét nghiệm có ASLO tăng trên 400 đơn vị Todd, Proteine niệu từ 0,2 – 3 g/24 giờ, cặn Addis có hồng cầu từ 100.000-500.000/1 phút, nhưng bạch cầu dưới 20.000/ 1 phút (còn gọi là tình trạng phân ly hồng – bạch cầu trong nước tiểu). Thường thấy trụ hồng cầu, trụ hạt.

Tiến triển thường tốt: lành bệnh 75-95 % ở trẻ em và 50-70 % ở người lớn.

Viêm cầu thận cấp thể tiến triển nhanh hay ác tính

Đặc điểm lâm sàng thường nặng tiến triển nhanh đến suy thận thường không hồi phục. Về giải phẫu bệnh lý có sự tăng sinh rộng ra ngòai mao quản xâm lấn khỏang Bowman, bóp chẹt các vi huyết quản. Bệnh chiếm khoảng 1% bệnh cầu thận viêm, có thể gặp bất cứ ở lứa tuổi nào, có thể khởi đầu sau một viêm họng hay viêm da.

Phân lọai theo các type sau:

Type I: Lắng đọng IgG trên màng đáy + Kháng thể kháng màng 20%.

Type II: Đặc hiệu với sự lắng đọng phức hệ miễn dịch với IgG và bổ thể 40%.

Type III: Không có lắng đọng miễn dịch trên cầu thận.

Dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là thiểu niệu rồi nhanh chóng đưa đến vô niệu với suy thận nặng. Phù kín đáo huyết áp bình thường hoặc tăng nhẹ, trong máu đôi khi tăng (globulin. Bệnh tử vong trong vài tuần đến vài tháng. Trong một số trường hợp hiếm có thể trở về bình thường, thường gặp sau nhiễm liên cầu,giải phẫu bệnh lý thấy thương tổn cả trong và ngoài mao quản, các cầu thận bị phá hủy hoàn toàn trong vài ba ngày, trên miễn dịch huỳnh quang lắng đọng lan tỏa chất fibrin trên các thương tổn hình liềm, IgG lắng đọng trên màng đáy tương ứng với kháng thể kháng màng đáy.

Viêm cầu thận mạn

Theo quan niệm hiện nay, viêm cầu thận mạn sau nhiễm liên cầìu khuẩín chỉ chiếm 10 %, còn lại là thứ phát sau một bệnh lý khác và vô căn.

Viêm cầu thận mạn nguyên phát:

Đó là viêm cầu thận không rõ nguyên nhân. Do thiếu dữ kiện về căn nguyên, phân loại dựa trên giải phẩu bệnh và lâm sàng.

Hội chứng thận hư do tổn thương tối thiểu:

Hậu quả của mất Protein niệu nhiều chủ yếu là Albumin, có thể bắt gặp sau những thương tổn thận hoàn toàn khác biệt nhau. Thường gặp là một hội chứng thận hư đơn thuần xuất hiện đột ngột, Protein niệu nhiều, phù, giảm Protit máu, tăng Lipit, Cholesterol máu. Bệnh xuất hiện không có một nguyên nhân rõ rệt, thường gặp ở trẻ em, nam nhiều hơn nữ, ở người lớn thì tỷ lệ hai giới như nhau.

Thương tổn tối thiểu khi sinh thiết thận, thấy bình thường trên kính hiển vi quang học, trên kính hiển vi điện tử thành mao mạch biến đổi xâm nhập lan tỏa vào chân màng đáy của các tế bào hình liềm, có hiện tượng hoà màng của các tế bào có chân. Miễn dịch huỳnh quang không phát hiện bất kỳ một sự lắng đọng nào, không có globuline miễn dịch hay bổ thể lắng đọng trên màng đáy.

Tiến triển của bệnh thường khó xác định, tuy nhiên người ta thấy có 10% tự thoái lui, 80% lui bệnh hoàn toàn (Proteine niệu dưới 0,10 g/24 giờ, các dấu hiệu khác trở về bình thường) nhờ điều trị với Corticoide sau vài tuần hoặc vài tháng nhưng có 40% trong số đó tái phát một lần trong 6 tháng, 60% tái phát nhiều lần trong 1 năm, và có thể phụ thuộc vào Corticoide, nghĩa là dừng thuốc bệnh tái phát trở lại. Nếu bệnh đề kháng với Corticoide thì tiên lượng xa sẽ rất dễ dẫn đến suy thận.

Viêm cầu thận thể màng (ngoài màng và trên màng):

Biểu hiện lâm sàng là hội chứng thận hư với đái máu vi thể.

Thương tổn giải phẫu bệnh lý bao gồm các chuỗi hạt gián đoạn với dạng chất màng thẳng góc với thành mao quản tạo nên hình bàn chải trên kính hiển vi. Miễn dịch huỳnh quang thấy có sự lắng đọng của các IgG và bổ thể C3. Bệnh thường gặp ở người lớn hơn trẻ em, tổn thương này chiếm hơn 50% hội chứng thận hư nguyên phát ở người lớn của Mỹ. Tiến triển tương đối tốt, bệnh có thể thoái lui sau vài tháng, các dấu hiệu lâm sàng mất hoàn toàn, trên sinh thiết mất các chất lắng đọng, một số khác tiến triển đến suy thận. Người lớn tiên lượng xấu hơn ở trẻ em, khoảng 66% bệnh nhân sống sót sau 10 năm khởi bệnh.

Viêm cầu thận tăng sinh màng:

Là thể ít gặp của viêm cầu thận mạn, lâm sàng bao gồm protein niệu, tiểu máu vi thể, đôi khi có hội chứng thận hư điển hình kèm theo suy thận, tăng huyết áp, dễ đưa đến suy thận mạn giai đọan cuối.

Tổn thương giải phẫu bệnh lý là tăng sinh tế bào đệm, tế bào thượng bì của nang Bowman (có thể cả tế bào nội bì) tạo nên hình liềìm, tăng sinh kèm theo với lắng đọng trong màng đáy tạo nên hình 2 bờì còn gọi là tăng sinh thành. Trên miễn dịch hùynh quang phát hiện có lắng đọng các bổ thể C1 q, C4, C3, IgG đôi khi là IgM, có thể thấy kháng huyết thanh C3 trong cầu thận, nồng độ bổ thể trong máu luôn luôn thấp so với các thể khác.

Tiên lượng xấu, thường tiến triển đến suy thận mạn, sống sót sau 10 năm chỉ có khoảng 20-50%.

Viêm cầu thận thể lắng đọng IgA ở tổ chức đệm:

Biểu hiện lâm sàng là các đợt đái máu đại thể tái diễn nhiều lần, proteine niệu vừa phải, không kèm với hội chứng thận hư, ít khi dẫn đến suy thận. Trên miễn dịch huỳnh quang thấy lắng đọng IgA đôi khi cả IgG lên vùng đệm có thể phát hiện qua kính hiển vi thường, một số cầu thận thấy thương tổn đoạn, chồng các quai mao mạch dính vào nang Bowman. Bệnh sinh chưa được rõ, thường gặp ở người trẻ. Có thể thấy IgA trong huyết thanh tăng nhưng không hằng định. Khi bệnh nhân được ghép thận thì thận ghép cũng có những biểu hiện giống như bênh thận cũ vì vậy người ta nghĩ có khả năng là nguyên nhân ngoài thận.

Viêm cầu thận thể xơ cứng ổ và đọan:

Chiếm 5-10% hội chứng thận hư ở trẻ em, và 15-20% trong hội chứng thận hư ở người lớn, nam hay gặp hơn nữ. Bệnh nhân thường có biểu hiện tiểu máu vi thể, tăng huyết áp, suy thận mạn. Protein niệu ở thể này luôn luôn cao và là Protein niệu không chọn lọc. Tổn thương giải phẩu bệnh: trên kính hiển vi quang học thấy có lắng đọng chất Hyalin và tổn thương xơ hoá từng ổ, từng đoạn, trên kính hiển vi miễn dịch huỳnh quang thấy có lắng đọng của IgM và của C3 từng đoạn.

Tiên lượng thường xấu, đưa đến suy thận tiến triển trong 25% trường hợp ở trẻ em và trong 70% trường hợp ở người lớn. Thường đưa đến suy thận mạn giai đoạn cuối trong vòng 5 đến 20 năm

Viêm cầu thận thứ phát ở một bệnh toàn thể

Viêm cầu thận cấp ở bệnh nhân Lupus ban đỏ:

Viêm cầu thận chiếm khoảng 70% trong lupus ban đỏ, thường gặp ở phụ nữ trẻ với đặc điểm hồng ban da, dị cảm, với ban hình cánh bướm ở mặt, gầy sút, sốt, đau khớp…, xét nghiệm thấy có tế bào Hargraves, nhất là kháng thể kháng nhân trong máu. Lâm sàng gồm có hội chứng thận hư không có tăng huyết áp, thương tổn không đặc hiệu với sự lắng đọng làm dày màng đáy tạo nên vòng sắt, thể hematoxylie trong vùng đệm. Tiên lượng có thể suy thận và thường không có tăng huyết áp.

Hội chứng Good Pasture hay viêm cầu thận thể đoạn hoại tử với viêm phế nang xuất huyết:

Thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, khởi đầu bằng ho ra máu, hình ảnh phổi mờ hai bên không rõ rệt, sau đó gây thương tổn ở thận, sau vài tháng gây suy thận, tăng huyết áp dẫn đến tử vong. Các phế nang viêm xuất huyết chứa đầy các đại thực bào sắc tố sắt, thận họai tử dạng fibrin rồi dạng trong hóa. Người ta đã chứng minh những thương tổn này phối hợp với tự kháng thể họat động đồng thời chống cả phế nang và màng đáy cầu thận.

Viêm cầu thận do ban dạng thấp hay ban Schonlein-Henoch:

Thương tổn thận chiếm 35% trong bệnh này. Lâm sàng thường có đái máu, cầu thận thương tổn đoạn, Miễn dịch huỳnh quang thấy lắng đọng IgA ở vùng đệm và thành. Bệnh gây thương tổn hầu hết các cầu thận, tiên lượng xấu, tiến triển dần sang suy thận.

Bệnh Amylose thận:

Thường gặp trong bệnh Amylose phủ tạng, thứ phát sau các bệnh nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm kéo dài như viêm xương, lao, viêm khớp dạng thấp, phong, liệt hai chi dưới. Bệnh có thể nguyên phát. Tại Việt nam chưa ghi nhận trường hợp nào, nhưng ở vùng Địa trung hải có thể gặp ở các lứa tuổi nhiều nhất từ 50-60 tuổi.

Lâm sàng biểu hiện là hội chứng thận hư, có thể chỉ có proteine niệu đơn thuần kèm gan lách to, có thể đái máu vi thể, tăng huyết áp ít gặp, dẫn đến suy thận. Về tiêu hóa biểu hiện bằng đi chảy, táo bón, xuất huyết, lưỡi to, gan to nhưng chức năng gan bình thường.

Giải phẫu bệnh thấy lắng đọng các chất dạng bột (amyloide) bắt màu đỏ sang màu tím óng ánh với cấu trúc sợi đặc hiệu trên kính hiển vi điện tử, chất này bản chất là Protein, được tìm thấy ở ngoài tế bào, trong gian chất và thành.

Bệnh cầu thận do đái tháo đường:

Là tổn thương cầu thận do đái tháo đường gây ra, có hiện tượng xơ cứng cầu thận lan tỏa, biểu hiện ban đầu là dày không đều màng đáy mao quản cầu thận với lắng đọng nội bì. Lâm sàng giai đọan đầu là có proteine niệu, có hay không kèm theo hội chứng thận hư, đái máu vi thể có xu hướng chuyển sang suy thận có tăng huyết áp.

Giai đoạn hội chứng Kimmelstien-Wilson thương tổn thành nốt giữa mao quản thành khối tròn kèm các thương tổn các động mạch thận.

Theo Mogensen chia bệnh lý cầu thận do đái tháo đường ra làm 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Giai đoạn tăng chức năng và phì đại, xảy ra ngay khi đái tháo đường được chẩn đoán, trước khi điều trị Insulin. Kích thước thận gia tăng, các cầu thận phì đại nhưng cấu trúc của chúng thì bình thường. Mức lọc cầu thận tăng, lưu lượng máu qua thận tăng.

Giai đoạn 2: Có thể tồn tại dai dẵng trong nhiều năm và kéo dài suốt đời. Mức lọc cầu thận có thể tăng. Albumine niệu âm tính nhưng có thể dương tính khi bị stress. Bề dày của màng đáy cầu thận tăng, chất nền gian mạch tăng nhiều hơn và những tổn thương này không hồi phục.

Giai đoạn 3: Giai đoạn bệnh thận đái tháo đường khởi đầu, chỉ xảy ra ở 40% bệnh nhân đái tháo đường, kéo dài từ 10 đến 20 năm, biểu hiện quan trọng nhất trong giai đoạn này là sự xuất hiện của Microalbumine niệu (vi đạm niệu, Protein niệu vi thể).

Giai đoạn 4: Giai đoạn bệnh thận đái tháo đường đã xác lập với protein niệu thường xuyên trên 0,5g/24giờ, thường có tăng huyết áp, hội chứng thận hư. Mức lọc cầu thận giảm trung bình 1ml/tháng. Tổn thương cầu thận: xơ hoá cầu thận lan toả, gồm dày màng đáy và tăng chất nền gian mạch. Trong 10-20% trường hợp tồn tại những nốt bắt màu bởi chất PAS tích tụ ở gian mạch xung quanh các cầu thận (gọi là xơ hoá cầu thận dạng nốt của Kimmelstiel và Wilson).

Giai đoạn 5: Giai đoạn bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Điều trị bệnh cầu thận

Điều trị viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu

Bệnh nhân thiểu và vô niệu có tăng urê, creatinine máu: nước vào 500-600ml, muối 2g/24h, protein 20g/ngày.

Bệnh thiểu và vô niệu có phù tăng huyết áp, urê, creatinine máu không tăng: muối 0,5 – 1g/24h, protein 40g/ngày.

Nghỉ ngơi tuyệt đối từ 3 tuần đến 1 tháng. Sau đó trở lại hoạt động từ từ ngay khi còn protein niệu và đái máu vi thể từ 6 tuần đến 2 tháng.

Kháng sinh:

Chỉ cho khi còn dấu hiệu nhiễm liên cầu.

Pénicilline 1 triệu đv/người lớn, 1/2 triệu đơn vị / trẻ em. Nếu dị ứng Penicilline thì dùng Erythromycine 0,2 x 5 viên/ngày ở người lớn hoặc Tetracyline. Kháng sinh dùng trong 10 – 12 ngày.

Điều trị biến chứng:

Tăng huyết áp: Kiêng mặn, nghỉ ngơi, thuốc như Aldomet (0,25g x 2 – 4 viên/ngày).

Phù phổi: Lasix liều cao, Uabain tĩnh mạch, thở oxy, Morphin khi cần thiết.

Phù não: Truyền glucose ưu trương, Manitol.

Thể vô niệu: Furosemid (Lasix) liều cao.

Tốt nhất cho cả phù phổi, não, vô niệu là lọc ngoài thận.

Các triệu chứng khác:

Tăng urê máu, creatinine máu, hạn chế lượng protid đưa vào nhưng phải đảm bảo đủ năng lượng 1200-1600 calo để chống dị hóa, có thể cho Durabulin hoặc Testosterone 25 – 50mg/ngày.

Điều trị tăng K máu bằng glucose 20 – 30%, 300 – 500ml + 10 – 20đv insulin truyền tĩnh mạch trong 1 giờ đến 1g30 phút hay truyền dung dịch kiềm.

Tiến triển thường tốt: lành bệnh 75-95 % ở trẻ em và 50-70 % ở người lớn.

Điều trị viêm cầu thận cấp thể tiến triển nhanh hay ác tính

Lâm sàng thường nặng, tiến triển nhanh đến suy thận không hồi phục.

Type I: Prednisolone, viên 5 mg, 2 – 3 mg/Kg/ 24 giờ, phối hợp với Cyclophosphamid (Endoxan) viên 50 mg, 1 – 3 mg/kg/24 giờ hoặc Chlorambucil (Chloraminophene) viên nhộng 2 mg, liều 0,15- 0,2 mg/Kg/24 giờ. Thời gian điều trị thuốc chống miễn dịch từ 2 – 4 tháng.

Phối hợp với lọc plasma 2 – 4 lit.

Type II: Methyprednisolone 30 mg/Kg/ 24 giờ tiêm tĩnh mạch x 3 lần trong 2 ngày.

Sau đó duy trì Prednisolone 1 – 3 mg/Kg/ ngày trong nhiều tháng.

Type III: Điều trị như type II + phối hợp thêm với Heparin, cyclophosphamide (Endoxan).

Ngoài ra còn phối hợp với Heparin 5000 – 10.000 đv trong 4 – 8 tuần.

Điều trị viêm cầu thận mạn nguyên phát

Hội chứng thận hư:

Điều trị bao gồm: Presnisolone 1 mg/Kg/24 giờ ở người lớn 1,5 – 2 mg/Kg/24 giờ ở trẻ em.

Nếu đáp ứng tốt thì giảm liều theo bậc thang cứ 5 ngày giảm 10 mg rồi duy trì gián đọan mỗi 20 – 30 mg/ 2 ngày, uống một lần ở người lốn 10 mg/ 2 ngày.

Khi có hiện tượng kháng hay phụ thüuộc corticoide thì dùng thêm cyclophosphamide 2 – 3 mg/Kg/ 24 giờ, hoặc chlorambucil 0,2 – 0,3 mg/Kg/ 24 giờ ít nhất trong 2 tháng, phải theo dõi các biến chứng về máu và các tai biến khác.

Viêm cầu thận thể màng (ngoài màng và trên màng):

Theo trường phái Anh, Mỹ chỉ định Presnisolone liều cao 1,5-2 mg/Kg/48 giờ uống một lần vào các buổi sáng trong 8 tuần thấy có hiệu qủa tốt, người ta có thể cho thêm 4 tuần nữa hoặc phối hợp với methylpresnisolone 1g trong 3 ngày liên tục, sau đó 0,5mg presnisolone/kg/ngày/tháng rồi 0,2 mg/Kg/ ngày chlorambucil tổng cộng trong 6 tháng. Điều trị này tốt hơn là điều trị đơn thuần với steroide. Khi tái phát thì dùng như cũ, thuốc giảm miễn dịch có tác dụng sau đó vài ngày.

Điều trị viêm cầu thận tăng sinh màng

Tiên lượng xấu, tiến triển đến suy thận, sốïng sau 10 năm chỉ có 20 – 50%.

Điều trị phối hợp corticoide và thuốc giảm miễn dịch với thuốc chống đông hay chống ngưng tập tiểu cầu.

Điều trị viêm cầu thận thể lắng đọng IgA ở tổ chức đệm

Ở những bệnh nhân có tổn thương mô học vừa phải, có Protein niệu trên 3g/24 giờ thì điều trị Corticoides trong vòng 4 dến 6 tháng. Khi Protein niệu không cải thiện thì có thể điều trị ức chế miễn dịch như trong hội chứng thận hư.

Ở các nước phương Tây, người ta dùng Acide béo Oméga 3 (dầu cá) trong trường hợp bệnh tiến triển, để hạn chế sự sản xuất và hoạt tính của Cytokines do sự lắng đọng của IgA ở cầu thận gây ra.

Trong trường hợp có tăng huyết áp thì ức chế men chuyển được ưu tiên sử dụng để giảm Protêin niệu và làm chậm sự tiến triển của suy thận.

Một số thuốc khác được một số tác giả sử dụng trong bệnh cầu thận do lắng đọng IgA là các thuốc chống kết tập tiểu cầu, Urokinase, hoặc các Globuline miễn dịch dùng liều cao qua đường tĩnh mạch vẫn chưa được kết luận có hiệu quả chắc chắn trong bệnh này.

Viêm cầu thận thể xơ cứng ổ và đọan

Tiên lượng sống trên 15 năm chiếm 50%.

Điều trị corticoide như presnisolone liều thấp 1/3 – 1/2 mg/kg/24 giờ trong 1-2 tháng, hoặc dùng như trong thể màng.

Khi có tái phát có thể điều trị với các thuốc giảm miễn dịch.

Viêm cầu thận thứ phát ở một bệnh toàn thể

Viêm cầu thận cấp ở bệnh nhân Lupus ban đỏ:

Điều trị: Presnisolone liều cao 2 – 3 mg/kg/24 giờ.

Thuốc giảm miễn dịch Chlorambucil 0,2 – 0,3 mg/Kg/24 giờ trong 4-8 tuần có hiệu qủa rõ rệt.

Hội chứng Good Pasture hay viêm cầu thận thể đoạn hoại tử với viêm phế nang xuất huyết:

Điều trị cũng bằng corticoide 2 – 3 mg/Kg/24 giờ trong 4-6 tuần nhưng đáp ứng lâm sàng kém.

Viêm cầu thận do ban dạng thấp hay ban Schonlein-Henoch:

Bệnh gây thương tổn hầu hết các cầu thận, tiên lượng xấu, tiến triển dần sang suy thận. Điều trị bằng corticoide và giảm miễn dịch.

Hội chứng Kimmelstiel-wilson:

Điều trị đái tháo đường: rất khó khăn, vì tính nhạy cảm với Insulin không ổn định. Điều trị bệnh thận chỉ là điều trị triệu chứng, không dùng Corticoide. Khi đã có suy thận mạn giai đoạn cuối do đái tháo đường thì điều trị thay thế thận suy có một số khó khăn, nhất là rất hay gặp các biến chứng tắc mạch và nhiễm trùng trong quá trình lọc máu.

Ghép đôi thận – tụy được chỉ định trong trường hợp này, tuy kết quả rất khả quan về cả hai phương diện đái tháo đường và suy thận nhưng thực tế ít được thực hiện vì khó khăn về kỹ thuật và người cho.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận