Bệnh ung thư là gì? nguyên nhân gây ung thư

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH UNG THƯ

Ung thư là một bệnh của tế bào cho nên khắp nơi trong cơ thể đều có thể mắc bệnh ung thư. Tế bào ung thư có hình dáng đặc biệt khác với tế bào bình thường, to hơn, nhân lớn hơn, bờ nét không đều. Đặc biệt sinh sản nhanh, phát triển vô tổ chức, xâm lấn và phá hoại các tổ chức xung quanh, làm ngưng trệ, rối loạn chức năng sinh lý của các cơ quan tổ chức đó, làm cho cơ thể suy kiệt và đi đến tử vong. Theo các nhà ung thư học thì quá trình phát triển ung thư là một quá trình tiềm tàng trong cơ thể lâu dài có khi đến 10 – 15 năm (gọi là thời kỳ tiền ung thư) và khi đã xuất hiện trên lâm sàng mà ta thấy được thì nó đã phát triển rất nhanh để gây chết người.

II. TỶ LỆ CÁC LOẠI BỆNH UNG THƯ THƯỜNG GẶP:

1. Ở nước ta: Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo số liệu của Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh có thể biết được như sau:

a. Nam giới: Ung thư phổi 13,2%, vòm 12,7%, miệng 7,7%, da 7,5%, lưỡi 7,1%, xương 4,3%, hạch 4,1%, hạ họng 3,6%, sinh dục nam 3,6%, gan 3,5%.

b.Nữ giới: Ung thư cổ tử cung 53,3%, vú 10,4%, miệng 4,2%, buồng trứng 3,9%, da 3,6%, vòm 2,9%, máu 2,4%, phổi 2%, ung thư tế bào môi 2%, xương 1,8%.

2.Một vài số liệu về ung thư trên thế giới:

(Theo tài liệu của O.M.S năm 1984)

– Tổng số ung thư mới hằng năm: hằng năm trên toàn thế giới ước khoảng 5,9 triệu, trong đó 2,9 triệu ở các nước phát triển, và 3 triệu ở các nước đang phát triển.

Tám vị trí ung thư phổ biến nhất trên thế giới với số trường hợp ước đoán hằng năm là:

– Ung thư bao tử : 680.000

– Ung thư phổi : 590.000

– Ung thư vú : 540.000

– Ung thư đại – trực tràng : 510.000

– Ung thư cổ tử cung : 460.000

– Ung thư miệng – hầu : 340.000

– Ung thư thực quản : 300.000

– Ung thư gan : 260.000

Nhiều nhà nghiên cứu về ung thư cho rằng không bao lâu nữa ung thư phổi sẽ chiếm hàng đầu, ung thư gan, ung thư vùng miệng, ung thư cổ tử cung và ung thư thực quản chủ yếu là ở các nước đang phát triển và đối với mỗi loại, hằng năm có khoảng từ 100.000 đến 300.000 người mắc bệnh.

– Tử vong do ung thư: Hàng năm, số người chết do bệnh ung thư trên toàn thế giới ước khoảng 4,3 triệu, trong đó 2 triệu ở các nước phát triển và 2,3 triệu ở các nước đang phát triển.

Số tử vong do ung thư ước tính ở các châu như sau:

– Châu Á : 1.858.000
– Châu Âu : 1.398.000
– Bắc Mỹ : 447.000
– Châu Mỹ La tinh : 291.000
– Châu Phi : 268.000
– Châu Đại Dương : 32.000
Trung bình 1/10 trường hợp chết là do ung thư và ước tính đến năm 2000, tổng số tử vong do ung thư trên toàn thế giới sẽ vào khoảng 8 triệu mỗi năm.

III. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH UNG THƯ:

Cho đến nay, có thể nói chưa có thể xác định được một loại nguyên nhân chung của các loại ung thư, nhưng người ta đã biết được nhiều yếu tố gây bệnh ung thư như sau:

1. Các chất phóng xạ, tia X, tia cực tím có thể gây các loại ung thư da, xương, máu và ung thư phổi.

2. Các hóa chất gây ung thư:

– Khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư, cho nên người hút thuốc dễ bị mắc ung thư phổi, thanh quản, miệng, hầu, thực quản, hạ họng, bàng quang…

– Rượu có thể gây ung thư: người nghiện rượu dễ bị các loại ung thư thực quản, hạ họng hầu, miệng, thanh quản. Thường người nghiện rượu đi đôi với nghiện thuôc lá nên có người cho rằng khoảng 50% ung thư ở nam giới là do thuốc lá và rượu, nhưng có thể nói khắp trên thế giới, bỏ thuốc lá và rượu vẫn còn là vấn đề nan giải.

– Một số sản phẩm công nghiệp như amiăng có thể gây ung thư phổi, chất cloruapolivityl dùng trong kỹ nghệ chất dẻo có khả năng gây ung thư gan, chất nitrosamin dùng trong kỹ nghệ thực phẩm màu dùng làm bánh mứt, một số thuốc ngừa thai, kích thích tố như DES (diethystilboostrol), thuốc trừ sâu rầy như DDT cũng bị nghi ngờ là có thể gây ung thư, chất thạch tín có thể gây ung thư phổi, da, gan, nhựa than đá có thể gây ung thư da, phổi, thanh quản, bàng quang v.v…

3. Chế độ ăn uống, môi trường sống cũng ảnh hưởng đến phát sinh bệnh ung thư như ăn quá nhiều chất mỡ dễ gây ung thư vú, ăn ít chất bã dễ mắc ung thư đại tràng, sống trong môi trường có nhiều nhà máy xả khói nhiều, sống ở thành thị nhiều bụi thì khả năng mắc bệnh ung thư đường hô hấp tăng.

4. Yếu tố virút: Các nhà nghiên cứu ung thư học có tìm thấy loại virút siêu vi khuẩn gây ung thư máu ở mèo chuột, ung thư vú ở chuột lắt nhưng ở người thì chưa xác định được, cho nên việc lây lan của bệnh ung thư chưa có bằng cớ và không đáng lo ngại.

5. Yếu tố di truyền: Chưa có bằng cớ đáng lo ngại tuy có một số trường hợp ung thư gặp ở người cùng một gia đình nhưng không thể nói là do di truyền, vì có thể do họ cùng chịu ảnh hưởng của môi trường sống.

IV. PHÒNG BỆNH UNG THƯ:

Nhằm 2 mục đích: bảo vệ cơ thể tránh các tác nhân gây bệnh ung thư và phát hiện sớm bệnh ung thư để chữa trị đạt được hiệu quả cao nhất.

1. Phòng tránh các tác nhân gây bệnh: cần chú ý các mặt:

– Tốt nhất là không nghiện thuốc lá và rượu hay chỉ dùng ở mức ít nhất. Người thầy thuốc cần chú ý bảo vệ bệnh nhân trong lúc sử dụng tia xạ, tia tử ngoại, các chất phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhà nước có chế độ và kế hoạch bảo hộ những người lao động, trong các ngành có tiếp xúc với chất phóng xạ, chất hóa học độc hại, có qui hoạch xây dựng các nhà máy hóa chất công nghiệp để không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Chú ý công nghiệp thực phẩm không dùng những chất phẩm màu có hại cho cơ thể. Trong chế độ ăn chú ý có nhiều chất rau quả và ít ăn mỡ động vật.

2. Nhà nước có tổ chức màng lưới y tế rộng khắp, cán bộ y tế xuống tận mỗi người dân khám bệnh thường xuyên và có định kỳ để có thể phát hiện bệnh kịp thời, trong đó có bệnh ung thư. Ngành y tế có kế hoạch phổ cập những kiến thức bảo vệ sức khỏe cho mỗi gia đình mỗi người dân, trong đó có kiến thức phát hiện sớm bệnh ung thư.

Nếu chúng ta làm được cả hai mặt: Nhà nước có kế hoạch cụ thể lo sức khỏe cho dân và người dân có kiến thức để tự lo sức khỏe cho mình thì chắc chắn bệnh ung thư cũng như các bệnh khác sẽ được phát hiện sớm, được chữa trị kịp thời, hiệu quả chữa bệnh sẽ cao và sẽ ít tốn kém.

Có một điều rất quan trọng mà người thầy thuốc cũng như bệnh nhân cần chú ý là lúc hỏi và khám bệnh phải toàn diện (điều mà người thầy thuốc nhiều khi không quan tâm) và người bệnh cũng phải kể hết những gì mà mình thấy khác thường cho thầy thuốc nghe, không nên giấu giếm (nhiều bệnh nhân lúc khám bệnh chỉ kể chứng bệnh mà mình quan tâm nên dễ để lọt lưới những bệnh quan trọng hơn cần phát hiện sớm, trong đó có bệnh ung thư).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận