[Chứng trạng] Biện chứng và phân biệt Chứng Phế Tỳ Thận dương hư

Chứng Phế Tỳ Thận dương hư là chỉ một loại chứng hậu phức hợp trên lâm sàng đồng thời xuất hiện Phế khí hư, Tỳ khí hư (hoặc Tỳ dương hư).Thận dương hư (hoặc Thận khí hư). Phần nhiều do Phế khí hư hoặc Tỳ khí hư phát triển thêm một bước mà hình thành chứng này Chứng Phế Tỳ Thận dương hư có thể chia làm ba nhóm chứng trạng biểu hiện lâm sàng chủ yếu, một là chứng trạng Phế khí hư như ho, suyễn đoản hơi, mửa đờm, tự ra mồ hôi, mặt nhợt, tiếng nói thấp; Hai là biểu hiện Tỳ hư như kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão, mệt mỏi, nhiều đờm trắng loãng; Ba là nhóm chứng trạng Thận bất túc như cơ thể lạnh, chân tay mát, mỏi lưng, tiểu tiện trong dài hoặc không lợi thậm chí thủy thũng, lưỡi nhạt bệu hoặc có vết răng, mạch Nhược v.v… Chứng trạng xuất hiện theo thứ tự cũng từ Phế khí hư trước tiên; tiếp theo là Phế Tỳ khí hư, cuối cùng là xuất hiện Phế Tỳ Thận dương hư.

Chứng Phế Tỳ Thận dương hư phần nhiều gặp trong các bệnh Suyễn bệnh Háo, biểu hiện cơ chế bệnh của hai loại này đại thể giống nhau. Cho nên cần thảo luận kỹ.

Cần chẩn đoán phân biệt chứng Phế Tỳ Thận dương hư với các chứng Phế Tỳ khí hư, chứng Phế Thận khí hư.

Phân tích

Chứng Phế Tỳ Thận dương hư xuất hiện trong bệnh Suyễn hoặc bệnh Háo có nguyên nhân không hoàn toàn giống nhau. Mục Suyễn xúc sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Suyễn có gốc rễ lâu bền, gặp lạnh thì phát cơn, gặp mệt nhọc cũng phát cơn, cũng gọi là Háo Suyễn”. Mục Khái thấu Háo Suyễn nguyên lưu sách Thẩm Thị tôn sinh thư viết: “Phần nhiều ở tuổi ấu trĩ, phạm phải muối dấm thâm nhập vào khí quản, mỗi khi gặp phong hàn sẽ tắc họng thở, hơi gấp gáp”. Nhưng về cơ chế bệnh và biểu hiện lâm sàng của hai chứng này đại thể giống nhau, vả lại do chứng Phế Tỳ Thận dương hư đều xuất hiện ở giai đoạn cuối của Suyễn hoặc Háo. Mục Suyễn xúc sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Phế là chủ của Khí, Thận là gốc của Khí”, mà Tỳ lại là cái nguồn sinh ra Khí; Phế Tỳ Thận cả ba tạng đều bất túc thì sinh ra Hư Suyễn. “Nếu Tỳ Phế khí hư, chẳng qua là ở bộ vị thượng tiêu và trung tiêu, nguồn sinh hoá chưa kém lắm, phát bệnh còn nông. Nếu Can Thận khí hư thì bộ vị bệnh ở Hạ tiêu, cả gốc và ngọn đều mắc bệnh, phát bệnh đã nặng”.

Khái, Suyễn, Háo vốn là chứng bệnh của Phế liên lụy đến Tỳ Thận; Tỳ khí (Tỳ dương) bất túc, thủy thấp không hoá ra tàn dịch mà hoá thành Đàm ẩm; Thận dương bất túc, Mệnh môn hoả suy thì Tỳ Thổ hư yếu mất chức năng vận hoá sự thăng giáng trong đục trở ngại, thủy dịch kết tụ ở trong cơ thể biến thành Đàm ẩm, vì vậy nguồn sinh ra Đàm là ở Tỳ, chứa đựng Đàm là ở Phế, vai trò chủ yếu vẫn là ở Thận; nguyên tắc điều trị chủ yếu phải giúp chính khí mới gọi là bồi bổ căn nguyên củng cố từ gốc. Khi phát cơn, có thể dùng các phương Ma hoang thang, Tiểu thanh long thang, Sạ can ma hoàng thang (Kim Quỹ yếu lược); Khi cơn đã đỡ, có thể dùng các phương Kim quĩ Thận khí hoàn(Kim Quỹ yếu lược ) Hữu qui hoàn, Đại bổ nguyên tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) v.v…

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Phế Tỳ khí hư với chứng Phế Tỳ Thận dương hư cả hai đều là hư chứng phức hợp, chẳng qua loại trên chỉ can thiệp tới hai tạng Phế Tỳ mà chứng dưới ngoài cái Hư của hai tạng Phế Tỳ lại có kiêm cả Thận khí hoặc Thận dương bất túc. Phế khí hư, khí mất sựiểu Vệ không bền; Tỳ khí hư mất chứng năng kiện vận, không hoá được thủy thấp cho nên hai chứng đều biểu hiện ho hoặc suyễn, đoản hơi, mặt nhợt, tự ra mồ hôi, kém ăn, chướng bụng, đại tiện nhão, mệt mỏi, đờm nhiều sắc trắng; Còn chứng Phế Tỳ Thận dương hư chính vì Thận dương bất túc, nên còn có các chứng trạng sợ lạnh tay chân lạnh, mỏi lưng, tiểu tiện trong dài hoặc không lợi, thậm chí mặt và chân tay phù thũng thuộc loại Dương hư thì hàn, Dương không làm mạnh khí. Tóm lại, yếu điểm để chẩn đoán phân biệt giữa hai chứng chỉ ở chỗ có hay không chứng Thận dương bất túc.

– Chứng Phế Thận khí hư với chứng Phế Tỳ Thận dương hư: Phế Thận khí hư tức là chứng Thận không nạp khí; Bởi vì Suyễn gấp lâu ngày, Phế khí bất túc, bệnh lấn sâu vào Thận, Thận khí(chủ yếu là Thận dương) hư yếu, hạ nguyên không bền, khí mất chức năng nhiếp nạp cho nên biểu hiện các chứng trạng hư suyễn thở gấp, thì thở ra nhiều, thì hút vào ít, đoản hơi, hễ động làm thì bệnh tăng, khí khiếp thở nhẹ, tự ra mồ hôi, sợ lạnh, chân tay lạnh, mỏi lưng lưỡi trắng, mạch Trầm… Những chứng trạng này cũng có đầy đủ trạng chứng Phế Tỳ Thận dương hư. Nhưng chứng Phế Tỳ Thận dương hư nên có chứng trạng Tỳ khí (Tỳ dương) bất túc rõ rệt như đờm nhiều sắc trắng, kém ăn, chướng bụng, đại tiện nhão, chân tay bứt dứt v.v… Nhưng Tỳ khí (Tỳ dương ) cần phải dựa vào Thận khí (Thận dương) để sưởi ấm và bay hơi. Cho nên chứng Phế Thận khí hư cũng có thể thấy một số chứng trạng của Tỳ hư chỉ là biểu hiện mức độ nặng nhẹ khác nhau, nên phân biệt cho kỹ càng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận