[Chứng trạng] Can khí uất kết

Chứng Can khí uất kết là tên gọi chung cho những chứng trạng tạng Can vì tình chí không thư sướng, uất giận tổn thương làm mất đi sự sơ tiết dẫn đến khí cơ uất trệ, mộc không điều đạt gây nên bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tinh thần ức uất, ngực sườn đau hoặc đầy tức, hay thở dài, hoặc bầu vú và bụng dưới trướng đau, đại tiện thất thường, kinh nguyệt không đều, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền.

Chứng Can khí uất kết thường gặp trong các bệnh có liên quan chặt chẽ với tinh thần và thần trí như chứng Điên, Hiếp thống, Vị quản thống, Phúc thống, Mai hạch khí, Tích tụ, bệnh về Kinh nguyệt…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Can khí hoành nghịch và chứng Tỳ thấp Can uất.

Phân tích

Chứng Can khí uất kết có thể gập trong nhiều loại tật bệnh, đều có đặc điểm lâm sàng và điều trị cũng khác nhau.

Chứng này xuất hiện trong Điên chứng thường có những chứng trạng tinh thần ức uất hoặc nói lảm nhảm một mình, nói năng lẫn lộn vô luân hoặc cười khóc bất thường, lúc vui lúc buồn, hoặc như ngơ ngẩn, không thiết ăn uống, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Huyền hoặc Huyền Hoạt, phần nhiều do tư lự thái quá, mong muốn không đạt, uất giận không tháo gỡ được, Can khí uất kết, Mộc không sơ Thổ, Tỳ khí không thăng, đàm thấp chất chứa ở trong, đàm khí uất kết gây nên; điều trị nên khai uất hóa đàm, dùng bài Tiêu giao tán (Hòa tễ cục phương) phối hợp với bài Ôn đởm thang (Thiên kim phương).

Trong các bệnh Hiếp thống, Vị quản thống, Phúc thống biểu hiện chủ yếu là trướng đau, hoặc trướng nặng hơn đau, hoặc có luồng hơi xiên suốt, cơn đau thường có quan hệ chặt chẽ với tình chí, theo sự biến hóa của tình tự mà tăng giảm, có kiêm chứng vàng ngực khó chịu, bụng bĩ đầy, kém ăn, đó là tổn hại do thất tình, khí cơ của Can bị uất không điều đạt gây nên; điều trị nên sơ Can lý khí chỉ thống, cho uống Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) kết hợp với Kim linh tử tán (Tố Vấn bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập).

Trong bệnh Mai hạch khí thì có biểu hiện trong họng vướng tắc như bị nghẹn, khạc không ra, nuốt không trôi, lúc tụ lúc tan, đó là khí uất kết hợp với đàm gây nên; điều trị theo phép sơ khí hóa đàm, cho uống bài Bán hạ hậu phác thang (Kim Quỹ yếu lược).

Trong bệnh Tích tụ thì có biểu hiện trong bụng tích hòn khối lúc tụ lúc tan, hoặc trướng đau, đó là do ưu tư uất giận lâu ngày không tháo gỡ được, Tạng Phủ mất điều hòa, khí cơ bị ngàn trệ, huyết đi không lưu thông gây nên bệnh; Điều trị nên hành khí tiêu tích, hoạt huyết thông lạc, dùng bài Đại thất khí thang (Y học nhập môn).

Trong bệnh Nguyệt kinh thì có biểu hiện hành kinh sớm, muộn không nhất định, hành kinh không thư sướng, ngực khó chịu, hai vú, hai bên sườn, và bụng dưới trướng đau, khi đang hành kinh, tính tình nóng nảy hoặc ức uất không vui, chất lưỡi đỏ sạm, mạch Huyền, đó là do khí cơ uất trệ, Xung Nhâm không điều hòa gây nên; điều trị nên sơ Can giải uất, lý huyết điều kinh, dùng bài Định kinh thang (Hòa tễ cục phương).

Chứng Can khí uất kết phần nhiều phát sinh ở tuổi đã trưởng thành, nhiều nhất là phụ nữ, đặc biệt là ở tuổi 49, vì mạch Nhâm hư, mạch Thái xung giảm sút, thiên quí cạn, địa đạo không thông, thường biểu hiện tình tự dễ bị kích động, mừng hoặc lo, thương muốn khóc, phiền táo không yên, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, tai ù, chóng mặt v.v… Chứng Can khí uất kết có quan hệ chặt chẽ với sự biến hóa của tình chí, có thể tái phát khi tình chí không ổn định; sau khi tình tự được ôn định thì bệnh giảm nhẹ, cho nên những người tính tình luôn thay đổi, không dễ mắc chứng này.

Trong quá trình biến hóa và phát triển về bệnh cơ của chứng Can khí uất kết, vì khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, khí uất thì huyết trệ, có thể thấy ngực sườn nhói đau, nơi đau cố định. Can khí uất trệ thì Mộc thịnh khắc Thổ, Tỳ Vị bị tổn thương, vận hóa thất thường mà thành thực trệ, có thể xuất hiện các chứng trạng ăn uống không tiêu hóa, bụng trướng đầy, nôn mửa ợ hơi, hoặc đau bụng ỉa chảy. Khí uất thì tân dịch ngưng tụ mà sinh đàm, có thể có các chứng trạng ngực bụng bĩ đầy, kém ăn, rêu lưỡi nhớt. Khí uất không khai thông lâu ngày hóa nhiệt, có thể gây nên chứng Tâm phiền, đắng miệng, chất lưỡi đỏ

Chẩn đoán phân biệt.

Chứng Can khí hoành nghịch với chứng Can khí uất kết, cả hai đều do tinh thần bị kích thích, khí cơ của tạng Can không điều đạt gây nên. Nhưng tình thế bệnh, biểu hiện lâm sàng đều có chỗ khác nhau.

Chứng Can khí uất kết là do khí cơ của tạng Can bị uất mà không được thoải mái và phát tiết, vì thế kết tụ và ứ trê ở trong cơ thể, tình thế bị ức chế làm cho mất sơ tiết, tác dụng bất cập, cho nên biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tinh thần bị ức uất, ý chí tiêu cực, ít nói năng, hay thở dài, ngực sườn đầy tức hoặc đau.

Chứng Can khí hoành nghịch là do khí cơ ở tạng Can không hòa mà rối loạn, đầu tiên khởi bệnh từ bản kinh, tiến thêm bước nữa là hoành nghịch xâm phạm các tạng khác, lấn Tỳ, phạm Vị, xung Tám, vũ Phế, quấy rối Thận, tình thế bệnh hưng phấn, lấn Tỳ thì bụng trướng đau, ỉa chảy, phạm Vị thì đau bụng, nôn mửa và nấc; xung Tâm thì ngực khó chịu, đau vùng Tâm muốn chết; vũ Phế thì ngực đầy, suyễn khái, đàm thấu; Quấy rối Thận thì tinh quan không bền mà di tinh tiết tinh di niệu.

Chứng Can khí uất kết với chứng Can khí hoành nghịch đều có biểu hiện Tỳ không kiện vận, nhưng cơ chế bệnh lý phát sinh ra hai chứng này khác nhau. Căn cứ vào nguyên tắc ngũ hành sinh khắc, Mộc khắc Thổ, “khắc” là quan hệ ức chế bình thường, tức là sự vận hóa của Tỳ thổ cần phải nhờ vào công năng sơ tiết điều đạt của Can mộc mới hoàn thành, như sách Huyếuận nói: “tính của Mộc chủ về sơ tiết, đồ ăn vào Vị hoàn toàn phải nhờ vào khí của Can mộc để sơ tiết thì thủy cốc mới biến hóa được”.

Vì vậy, chứng Can khí uất kết mà xuất hiện chứng trạng trung tiêu không vận chuyển, đó là do sau khi khí cơ của tạng Can bị uất kết mà mất đi chức năng sơ tiết điều đạt bình thường, không hỗ trợ cho công năng vận hóa của Tỳ thổ, tức là mộc không sơ thổ mà tạo thành. Can khí hoành nghịch mà xuất hiện chứng trạng trung tiêu không vận hành, đó là do Can tạng sơ tiết thái quá, khí cơ hoành nghịch, xâm lấn Tỳ thổ, tức là Can mạnh Tỳ yếu gây nên, rõ ràng là hai chứng khác nhau. Chứng Can khí uất kết có thể phát triển, chuyển hóa ra chứng Can khí hoành nghịch, mà chứng Can khí hoành nghịch nói chung không chuyển hóa ra chứng Can khí uất kết.

Chứng Tỳ thấp Can uất với chứng Can khí uất kết: Chứng Can khí uất kết là do khí cơ của tạng Can bị uất trệ, vị trí bệnh nguyên phát là ở tạng Can. Như Vương Húc Cao nói: “đó là Can khí tự uất ở bản kinh” (Vương Hức Cao y thư lục chủng – Tây khê thư ốc dạ thoại lục). Chứng Tỳ thấp Can uất thì do thấp trọc sinh ra từ bên trong làm khốn đốn Tỳ thổ, Tỳ mất sự kiện vận, khí trệ ở Trung tiêu, mất chức năng thăng giáng, ảnh hưởng tới sự điều đạt sơ thông của khí cơ tạng Can mà hình thành chứng này, vị trí bệnh nguyên phát là ở tạng Tỳ, Can uất chỉ là chứng thứ phát. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Tỳ thấp Can uất, trước tiên là có những chứng trạng thấp khốn Tỳ thổ như ăn kém, bụng trướng, đại tiện nhão, rêu lưỡi nhớt v.v… sau đó lại xuất hiện các chứng trạng Can uất như hai bên sườn trướng đau, tinh thần bị ức uất… tức là chứng Thổ úng mộc uất, khác xa với chứng Can khí uất

Y văn trích dẫn

Nam thuộc dương, đắc khí mà dễ tan; Nữ thuộc âm, đắc khí phần nhiều uất (Ngoại đài bí yếu).

Khí uất: ngực sườn đau, mạch Trầm sắc. Thấp uất: đau toàn thân hoặc đau các khớp, thời tiết âm u trở lạnh thì đau, mạch Trầm Tế. Đàm uất: hễ động làm là suyễn, mạch Thốn khẩu Trầm Hoạt. Nhiệt uất: khó chịu bức bối, tiểu tiện đỏ, mạch Trầm Sác.Huyết uất: tứ chi vô lực, ăn được, tiểu tiện hồng, mạch Trầm. Thực uất: ợ hơi ứa nước chua, bụng đầy không ăn được, mạch Nhân nghinh bình hoà, mạch Khí khẩu rất thịnh (Lục uất Đan Khê tâm pháp).

Bản khí của năm Tạng tự sinh chứng uất. Tâm uất, thần khí hôn muội, vùng Tâm hung hơi khó chịu, làm việc hay quên, nên dùng các vị như Nhục quế, Hoàng liên, Thạch xương bồ để điều trị. Can uất, hai bên sườn căng to, ợ hơi, liên tục phát tiếng ợ- điều trị nên dùng các vị như Thanh bì, Xuyên khung, Ngô thù du Tỳ uất: vùng Trung quản hơi đầy, nhiều nước dãi, kém ăn, tứ chi vô lực, dùng các vị như Trần bì, Bán hạ, Xương truật để điều trị. Phế uất: bì mao khô không nhuận, muốn ho mà không có đàm; điều trị nên dùng các vị như Cát cánh, Ma hoàng, Đậu sị. Thận uất: bụng dưới hơi rắn, tinh tủy thiếu ít, hoặc có chứng Trọc, chứng Lâm, không đứng được nên dùng các vị như Nhục quế, Phục linh, Tiểu hồi hương để điều trị. Còn có loại Đởm uất, đắng miệng, mình mẩy có triều nhiệt qua lại, sợ sệt như có người đến bắt, dùng các vị như Sài hồ, Trúc nhự, Can khương để điều trị(Xích thủy huyền châu).

Tính của Can mộc thăng tán không chịu nổi uất át; Nếu uất thì Kinh khí nghịch, là ợ, là trướng, là nôn mửa, là cáu giận đau sườn đột ngột, là ngực đầy kém ăn, là Sôn tiết, là Hội sán… đều là do Can khí hoành nghịch gây sự(Can khí – Loại chứng trị tài).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận