Hiện nay, thời tiết cả nước nóng lạnh thất thường, áp suất khí quyển thay đổi, độ ẩm ướt cao… khiến bệnh khớp gia tăng, nhất là ở người lớn tuổi. Không ít bệnh nhân do hiểu chưa đúng hoặc điều trị theo thói quen, truyền miệng, tùy tiện sử dụng các thuốc đông, tây… mà không có tư vấn chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dẫn đến bệnh ngày càng diễn tiến xấu.
1. Các biện pháp hỗ trợ khi đau khớp cấp tính
Việc sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau: Trong những trường hợp đau khớp cấp tính (chủ yếu là do viêm khớp), các chuyên gia thường chỉ định sử dụng nhóm chống viêm không steroid (NSAID’s) có tác dụng chống viêm (chống hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp) và giảm đau. Tuy nhiên, các thuốc chống viêm giảm đau này lại có tác hại đến niêm mạc dạ dày (đau, viêm, loét dạ dày…) nên chỉ dùng liều thấp, thời gian ngắn và thận trọng với đối tượng bệnh nhân có vấn đề viêm loét dạ dày và các vấn đề về hệ tiêu hóa. Các bệnh nhân có bệnh sử cao huyết áp, bệnh về tim mạch, gan, thận… cũng rất thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm khớp vì có nhiều khả năng biến chứng bất lợi có thể xảy ra.
Việc chườm nóng/lạnh, bôi thuốc, ngâm nước: thường được áp dụng tùy tiện khi có đau khớp. Nguy hiểm ở chỗ là trong trường hợp đau khớp có viêm, tuyệt đối không chườm nóng, không bôi, xoa, đắp các thuốc gây nóng (dầu cao, cao dán, lá cây…) tại chỗ vì sẽ làm tăng cơn đau do kích thích tình trạng viêm. Có thể chườm lạnh, bôi các loại gel lạnh khi sưng đau nhiều. Trong trường hợp đau nhức do thoái hóa khớp nếu không có dấu hiệu viêm sưng, có thể ngâm chân nước ấm kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng để làm dịu cơn đau.
2. Khắc phục lâu dài – ngăn ngừa tận gốc thoái hóa sụn khớp
Đa số các cơn đau nhức khớp là do tình trạng thoái hóa khớp dẫn đến viêm khớp hoặc ngược lại, vì vậy ngăn ngừa tận gốc thoái hóa sụn khớp chính là cách thức khắc phục lâu dài cho những cơn đau nhức.
Hiện nay, nhiều thuốc và sản phẩm được quảng cáo là có thể có tác dụng chữa bệnh xương khớp nhưng chưa được chứng minh đầy đủ và khoa học về công dụng, độ an toàn nên chưa mang lại độ tin cậy cho thầy thuốc và người dùng. Chỉ có một số ít được nghiên cứu lâm sàng và được chứng minh có tác dụng tăng cường, bổ sung tái tạo sụn khớp, giúp ngăn ngừa tình trạng đau nhức khớp do thoái hóa khớp, viêm khớp.
Viện Nghiên cứu InterHealth (Mỹ), bằng công nghệ chiết xuất thủy phân nhiệt độ thấp, đã phát minh ra dưỡng chất sinh học UC-II đặc hiệu cho khớp trong việc ngăn ngừa phá hủy sụn khớp và kích thích khả năng tái tạo mô sụn tại các khớp. Khi vào cơ thể qua đường uống, 53% UC-II được hấp thụ để trở thành nguyên liệu quan trọng trong việc phục hồi tổn thương các mô sụn. Còn lại 47% UC-II vẫn duy trì cấu trúc phân tử và các đặc tính sinh học (không bị biến đổi) tồn tại ở ruột non, tác động vào hệ miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa quá trình phá hủy sụn khớp tự nhiên, kích hoạt tế bào T – điều hòa thúc đẩy tái tạo các chất căn bản tại mô sụn, giúp phục hồi tổn thương sụn khớp, giảm quá trình viêm gây đau nhức. Các công trình nghiên cứu tại Mỹ và Canada đã chứng minh tính hiệu quả, an toàn và khả năng gia tăng sức bền, sự dẻo dai, cũng như làm tăng biên độ hoạt động của khớp khi sử dụng dưỡng chất UC-II.
3. Tập luyện và duy trì vận động cho khớp
Người có đau khớp thường lười vận động, tuy nhiên trong bệnh khớp lại rất cần vận động để tránh dính khớp và teo cơ. Nhưng cần lưu ý tránh các vận động cường độ nặng và tốc độ nhanh. Với những người thoái hóa khớp gối, háng, nên tập các động tác với tư thế đứng tại chỗ, đạp xe đạp cố định, tập yoga, thái cực quyền. Với những bệnh viêm khớp nói chung: khi đang viêm, sưng, tấy nên cố định khớp ở tư thế cơ năng (bàn tay hơi nắm, khuỷu tay gấp 90 độ, gối duỗi thẳng); khi đã bớt sưng thì kết hợp với xoa bóp, vật lý trị liệu… dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc phục hồi chức năng.
GS-TS-BS Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN)