Cảnh báo từ các chuyên gia y khoa về “Tem giấy”: Loại ma túy gây loạn thần mạnh nhất

Gần đây, một loại ma túy có hình dạng như miếng dán đã xuất hiện tại nước ta khiến người dân rất lo ngại. Theo các bác sĩ, “tem giấy” không phải một loại ma túy mới song chắc chắn là một trong những loại mạnh nhất từ trước đến nay.
Các miếng “tem giấy” có kích thước chỉ 1,5×1,5cm, trong 1 miếng bìa có khoảng 25 tem giấy (ảnh internet)

Nguy cơ rất lớn

Mới đây, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện ma túy “tem giấy”. Em này có triệu chứng ảo thị và rối loạn giấc ngủ sau một thời gian “chơi tem”. Bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp cai nghiện ma túy. Sau 2 liệu trình điều trị, chất gây nghiện LSD được đào thải dần khỏi cơ thể bệnh nhân, triệu chứng ảo giác và rối loạn giấc ngủ đã thuyên giảm.

Tại Hà Nội, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nào sử dụng “tem giấy” phải nhập viện. Dù vậy, trước việc loại ma túy nguy hiểm này đã xuất hiện tại TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương dự báo, nguy cơ có bệnh nhân nghiện “tem giấy” tại Hà Nội trong thời gian tới là rất cao.

Tương tự, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội hiện cũng chưa tiếp nhận bệnh nhân nào nghiện “tem giấy” song theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất, khả năng Hà Nội cũng có loại ma túy này là rất cao. Bác sĩ Tuấn cho biết, không loại trừ việc đã có trường hợp dùng tem giấy nhưng chưa đến mức phải vào viện điều trị.

Phân tích sâu hơn về nguy cơ “tem giấy” sẽ trở thành loại ma túy được giới trẻ, nhất là học sinh sử dụng nhiều, TS Nguyễn Văn Tuấn cho biết, lý do đầu tiên là loại ma túy này có giá rẻ hơn nhiều so với các loại ma túy khác, mỗi miếng chỉ khoảng 20.000 đồng. Hơn nữa, cách thức sử dụng rất đơn giản, chỉ cần dán miếng tem vào lưỡi hoặc liếm.

Mặt khác, do kích cỡ chỉ nhỏ như một miếng tem nên loại ma túy này rất dễ vận chuyển, che giấu… “Ngày càng có nhiều loại ma túy mới xuất hiện. Khoa chúng tôi tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị loạn thần, ảo giác, hoang tưởng do sử dụng ma túy, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, các bạn trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần chủ động giáo dục, cảnh báo giới trẻ về những hậu quả khôn lường của các loại ma túy mới này” – bác sĩ Tuấn nói.

Gây ảo giác cực mạnh

Theo bác sĩ La Đức Cương, “tem giấy” (hay còn được gọi là “bùa lưỡi”) thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Đây là loại ma túy không mới, tái xuất hiện thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) bị ngưng sản xuất. Dù vậy, đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, cũng được xem là chất ma túy nguy hiểm nhất vì chỉ vài chục microgam đã có thể gây ảo giác. Hơn nữa, chất LSD gây loạn thần và gây nghiện rất nhanh.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo, ma túy “ đá” và “tem giấy” có mức độ nguy hiểm như nhau. Với “tem giấy”, người “chơi” sẽ bị ảo giác, thấy những hình ảnh kỳ lạ như nhìn người khác lại tưởng là quỷ dữ, đứng dưới đất lại tưởng mình là siêu nhân bay lượn trên trời…

Điều nguy hiểm nữa là “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Như các loại ma túy khác, “tem giấy” đem lại cảm giác “phê” nên người dùng thích thú và dễ bị phụ thuộc. “Do mức độ nguy hiểm cao của “tem giấy”, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan Công an để cảnh báo về loại ma túy này” – bác sĩ La Đức Cương chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ La Đức Cương, ngoài việc thường xuyên quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, xuất hiện hành vi kỳ quặc… thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Theo An ninh Thủ đô

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận