1. Đại cương:
Bí đái cơ năng là tình trạng trong bàng quang có chứa nhiều nước tiểu mà bệnh nhân không đi tiểu được hoặc đi tiểu với 1 lượng rất ít. Y văn y học cổ truyền mô tả bệnh này thuộc chứng long bế
2. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh:
Chủ yếu do 3 nguyên nhân sau:
– Thận khí bị tổn thương, tinh huyết hao tổn, mệnh môn hỏa suy làm cho bàng quang khí hóa thất thường
– Thấp nhiệt ở trung tiêu, không hóa được, dồn xuống bàng quang, làm cho khí cơ của bàng quang bị trở ngại
– Sau mổ, sau đẻ, ngộ độc 1 số loại thuốc, làm cho khí cơ bàng quang bị suy tổn
Hậu quả, gây nên bí tiểu tiện.
3. Triệu chứng:
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà người ta chia bệnh làm 3 thể:
– Thận khí bất túc: tiểu tiện khó, bụng dưới căng tức, muốn đi tiểu mà không có sức, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mỏi yếu, đau lưng, tay chân lạnh yếu, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế, bộ xích nhược… kèm theo có thể có di tinh, liệt dương.
– Thấp nhiệt dồn xuống: bụng dưới căng tức, không đi tiểu được hoặc đi tiểu khó khăn, có thể có sốt, khát nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
– Do sang chấn (bệnh thường xảy ra sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật vùng bụng): tiểu khó, thậm chí không đi tiểu được, bụng dưới căng tức, sắc mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi.
4. Điều trị:
a, Châm cứu:
– Pháp điều trị: điều hòa khí cơ, sơ thông thủy đạo
+ Nếu do thận khí bất túc thì thêm: bồi bổ thận khí.
+ Nếu do thấp nhiệt dồn xuống thì thêm: thanh lợi thấp nhiệt.
+ Nếu do sang chấn thì thêm: điều hòa khí cơ, hành khí hoạt huyết, thông lâm
– Công thức huyệt: Khí hải, quan nguyên, trung cực, bàng quang du, tam tiêu du, tam âm giao,
– Dùng phương pháp châm tả, hoặc bình bổ bình tả, kết hợp với điện châm
b, Thủy châm: Dùng các dung dịch thuốc Vitamin B (B1, B6, B12) thủy châm vào huyệt thận du, bàng quang du, túc tam lý
c, Nhĩ châm: điểm bàng quang, thận du, giao cảm, nội tiết.