[Châm cứu] Châm cứu điều trị chứng Trúng phong (tai biến mạch máu não)

Trúng phong Nội kinh gọi là thốt trúng. Đây là loại bệnh chứng khá nguy cấp, phát bệnh rất nhanh.

Trúng phong bao gồm nội phong và ngoại phong. Thời Kim và Nguyên có sự phân biệt: loại trúng phong và chân trúng phong. Chân trúng phong chỉ vào phong tà của ngoại giới trúng vào thân thể con người, biểu hiện ra hàn nhiệt thuộc lục kinh minh chứng. Loại trúng phong là nói đến phong sinh ra từ bên trong, hiện ra hình chứng ở tạng phủ, đây thuộc về tạng khí tự bệnh. Cả hai trường hợp tuy đều có chữ phong nhưng vẫn có sự phân biệt nội và ngoại phong. Bệnh cũng phân làm khinh và trọng (nhẹ: khinh; nặng: trọng). Nội kinh nói đến trúng phong là thuộc ngoại phong (tức là chân trúng phong). Sự phân biệt khinh trọng này đã được Trương Trọng Cảnh phân loại thành trúng lạc, trúng kinh, trúng phủ, trúng tạng. Ngoài ra ông còn chú ý các chứng hậu : “Khi tà khí ở tại lạc thì cơ nhục và bì phu bị bất nhận (mất cảm giác đau), tà khí ở tại kinh thì bệnh rất nặng, tà nhập vào phủ thì không còn nhận ra người khác, tà nhập vào tạng thì lưỡi khó nói chuyện, miệng sùi nước dãi”.

Người xưa luận về nguyên nhân bệnh có rất nhiều, nhưng không ngoài phong, hàn, đàm, hoả, khí mà khí được xem như là căn bản. Nội kinh nói: “Tà khí đánh vào khí sẽ bị hư”, khí là nơi quy về của huyết, huyết và nơi phòng thủ của khí, khí mà hư thì âm huyết không còn chỗ quay về, do đó nó sẽ ứ trệ không lưu hành nữa, thêm vào đó tà khí xâm nhập vào để gây bệnh.

TRỊ LIỆU

Triệu chứng của bệnh trúng phong là đột nhiên bị tối tăm mặt mũi rồi ngã xuống, thần trí mơ hồ, bất tỉnh nhân sự.

Nhưng chân trúng phong và loại trúng phong đều có những chứng khác nhau: chân trúng phong phải có hiện ra lục kinh hình chứng, loại trúng phong thì không có, căn cứ vào triệu chứng người ta phân biệt được hai tình trạng bế và thoát.

Chân trúng phong (trúng kinh lạc)

Chứng trạng : Nếu trúng ở kinh thái dương thì sẽ có phát nhiệt ô hàn, đầu thống, cổ cứng, có mồ hôi hoặc không có mồ hôi. Nếu khí tại kinh dương minh sẽ có thân nhiệt ra mồ hôi, không sợ gió, hoặc có mồ hôi thân nhiệt mà không ố hàn. Nếu tà khí ờ tại kinh thiếu dương sẽ có chứng hàn nhiệt vãng lai, miệng đắng, cổ khô. Nếu tà khí ở tại kinh thái âm sẽ có chứng bụng bị trướng mãn, không có mồ hôi, thân nhiệt lạnh (lương). Nếu tà khí ở tại kinh thiếu âm thì sẽ có mồ hôi mà không nhiệt, lưỡi khô, miệng táo. Nếu tà khí ở tại kinh quyết âm thì sẽ làm cho trong tâm bị phiền mãn, âm nang co rút (bìu dái, âm hộ teo), lưỡi cuốn lại. Nếu những chứng hiện của lục kinh hỗn tạp vào nhau thì chúng ta nên dựa vào hai kinh thiếu dương và quyết âm để luận trị.

Pháp trị : Sơ phong tiết nhiệt

Xử phương và phép châm và cứu : Châm bổ bách hội 2 phân; châm tả phong trì và hợp cốc đều 5 phân; châm bình bổ bình tả phong phủ, nhân trung đều 3 phân; châm tiền bổ hậu tả ngoại quan, đại chùy đều 5 phân, lưu kim 20 phút.

Phép gia giảm : nếu bệnh nhân thiên về hàn thì cứu, nếu thiên về nhiệt thì châm, không cứu.

Loại trúng phong (chủ yếu là nội phong, phân làm bế chứng và thoát chứng)

Bế chứng

Chứng trạng : Cấm khẩu không nói được, 2 tay nắm chặt, hơi thở gấp, có đờm, thở kêu khò khè như tiếng cưa sắt, mặt đỏ, mạch hồng đại. Đây là chứng thực.

Phép trị: Khai khiếu, mở bế tắc, sơ thông kinh lạc.

Xử phương và phép châm và cứu: Châm xuất huyết 12 huyệt tỉnh, châm tiền tả hậu bổ bách hội 2 phân; châm tả phong phủ 2 phân, châm tả phong trì 5 phân; châm xuất huyết vùng tam giác huyệt thái dương; châm tả khúc trì, hợp cốc, xích trạch đều 5 phân; châm tả chi câu 3 phân; châm lao cung, dũng tuyền đều 2 phân, làm thông khí của tâm và thận; châm túc tam lý 5 phân; châm thái xung 2 phân, cả 2 đều tả, không cứu; cứu quan nguyên, khí hải đều 3 tráng.

Phép gia giảm : Nếu không nói được thì châm tả á môn, châm bổ thủy câu (nhân trung) 3 phân; châm cả bổ lẫn tả thiên đột 5 phân; châm tiền tả hậu bổ trung xung 5 phân; châm bổ thông lý 5 phân. Nếu can dương kháng lên trên làm cho đầu tối mắt hoa, tai kêu, tâm phiền, mặt đỏ lên thì nên bình can tiềm dương, tả nhiệt tức phong làm chủ; châm cả bổ lẫn tả bách hội 2 ly, châm tả phong tri, hợp cốc đều 5 phân; châm xuất huyết thái dương (rút kim nhanh); châm can du 2 phân tả; tả kỳ môn 5 phân; tả phong thị, dương lăng tuyền đều 5 phân; tả thái xung 2 phân; bổ thái khê 3 phân; bổ tam âm giao 5 phân, sau khi châm cứu 5 tráng, lưu kim từ 5 đến 10 phút.

Thoát chứng

Chứng trạng: Miệng mở, mắt nhắm, tay buông thõng, đái dầm, sắc mặt trắng xanh, mồ hôi lạnh, tay chân và toàn thân lạnh, hơi thở yếu, mạch trầm tế như muốn tuyệt. Đây thuộc hư chứng.

Phép trị: Hồi dương và giữ vững không cho khí bị thoát.

Xử phương: Có thể dùng 4 nhóm huyệt sau:

+ Nhóm 1: Bổ khí hải, quan nguyên đều 5 phân, khi châm vào nên làm kim động nhằm để cho đắc khí mới thôi. Sau đó cứu thần khuyết bằng cây cứu hoặc bằng cách gừng, có thể cứu 3 huyệt trên 1 lúc, hoặc cứu thần khuyết trước để giữ vững không cho thoát khí, sau đó khi nào rút kim ở khí hải và quan nguyên rồi mới cứu 2 huyệt này từ 3 đến 5 tráng.

+ Nhóm 2: Châm bổ bách hội, nhân trung, thừa tương đều 3 phân; cứu bách hội 3 tráng, không cứu nhân trung. Bấy giờ nếu người bệnh có lên tiếng thì xem như cứu được. Sau đó châm thừa tương 2 ly bổ, cứu 3 tráng; tả phong phủ 3 phân, không cứu; châm phong trì 3 phân, cứu 3 tráng; cứu khách chủ nhân 2 tráng không châm; tả thiên đột 3 phân.

+ Nhóm 3: Nếu vẫn chưa nói được, châm tiếp :

Châm cả bổ lẫn tả thính hội, giáp xa, địa thương đều 3 phân; châm khúc trì 5 phân. Nếu thận khí hư nhược thì tiền bộ hậu tả, nếu cường tráng thì tiền tả, hậu bổ nhằm làm thông khiếu; châm bình bổ bình tả 5 phân huyệt xích trạch nhằm hoá đàm; châm lao cung 2 phân cứu 3 tráng nhằm làm thông các khiêu ở đầu và mặt; châm bình bổ bình tả túc tam lý 5 ly nhằm làm giáng vị khí; châm thái xung, tả 3 ly, nhằm làm giáng can dương; châm dũng tuyền 3 phân không bổ tả nhằm làm thông thận khí; châm bổ đại chuỳ 5 phân; châm cả bổ lẫn tả thận du 3 phân; châm bổ trung xung 3 phân; châm bổ phế du 2 phân.

+ Nhóm 4 : Nếu vẫn chưa nói được, dùng phép tức phong giảng đàm để trị: Châm bách hội 1 ly; châm tiền bổ hậu tả phong trì 3 phân, tả đại chuỳ 3 phân; châm thiên đột 3 phân; tả trung xung 5 phân; tả xích trạch 4 phân; tả dương lăng tuyền 4 phân; tả phong long 1 thôn; tả hợp cốc 5 phân; bổ cách du 2 phân; bổ tỳ du 2 phân. Sau khi châm, cứu đều 3 tráng, lưu kim 15 phút.

Hậu di chứng : Sau thời kỳ cấp cứu, tức là các chứng hôn mê, đờm khò khè, cấm khẩu… đã giảm nhưng các chứng trạng ở kinh lạc vẫn còn. Ví dụ như miệng mắt còn bị méo lệch, bán thân bất toại, nói còn lắp bắp.

Cách chữa :

+ Thượng hạ chi của bán thân bên trái hoặc bên phải bị tê dại, không còn cảm giác, không cầm được vật gì hoặc không làm được việc gì.

+ Phép trị: Sơ thông kinh lạc, khu phong, hoạt huyết.

+ Xử phương : Phân làm 3 nhóm huyệt, tuỳ bệnh áp dụng.

. Nhóm thứ nhất: Nhóm huyệt thuộc trên đầu.

Châm bổ bách hội 2 phân cứu 1 tráng; châm tả phong trì 3 phân, cứu 1 tráng; châm tả phong phủ 3 phân, không cứu; châm bổ thái dương 2 phân; châm bổ đầu duy 2 phân; châm bổ đại chuỳ 5 phân. Nhóm huyệt này cách 3 ngày châm 1 lần.

Nhóm thứ hai: Nhóm huyệt thuộc thượng chi.

Châm bổ kiên ngung 5 phân; châm cả bổ lẫn tả khúc trì 5 phân, thủ tam lý, hợp cốc đều 5 phân, dương trì 3 phân, các huyệt này tùy theo tình hình mà cứu trị.

Nhóm thứ ba : Nhóm huyệt thuộc hạ chi.

Châm hoàn khiêu 1 thốn, dương lăng tuyền 5 phân, côn lôn 3 phân, tất cả đều dùng phép cả bổ lẫn tả; châm bổ thân mạch 2 phân; châm tuyệt cốt 3 phân, hạc đính 3 phân, âm lăng tuyền 5 phân, tất cả đều dùng phép cả bổ lẫn tả; châm tả thái xung 3 phân; châm tả quỷ nhãn 5 phân; châm tả giải khê.

Ba nhóm huyệt trên đều là chủ huyệt, nên căn cứ bệnh tình mà chọn huyệt để châm luân lưu. Các huyệt thuộc đầu bộ nên châm cách 3 ngày.

+ Phép gia giảrh : Nếu miệng không ợ ra được, châm thêm bổ giáp xa, thừa tương, đều 3 phân. Nếu can uất hoá hoả châm tả thêm can du 2 phân, châm bổ phế du 2 phân. Nếu người bệnh bị khí nghịch và quyết lãnh, cứu cao hoang du 5 tráng, châm bổ quan nguyên, khí phải đều 5 phân, cứu 3 tráng. Nếu ăn kém châm bổ thêm tỳ du, vị du đều 3 phân, châm bổ trung xung, túc tam lý đều 5 phân. Nếu thượng chi bị bệnh nặng, châm, bổ thêm kiên liêu 3 phân, châm tả kiên tỉnh 2 phân, châm tiền bổ hậu tả ngoại quan từ 3 đến 5 phân; châm bổ trung chữ 3 phân. Nếu hạ chi bị bệnh nặng châm tả thêm âm thị 5 phân. Nếu hạ chi bị bệnh nặng châm tả thêm âm thị 5 phân, châm tả túc tam lý 5 phân, châm tả thừa sơn 1 thốn. Nếu các ngón tay bị co

rút châm tả thêm bát phong 3 phân. Nếu tiếng nói còn lắp bắp châm thêm á mòn 3 phân, đắc khí là được, không dùng phép bổ tả; châm tả liêm tuyền 3 phân; châm tiền tả hậu bổ giản sử 5 phân.

CẤM KỴ

Người bệnh không nên nổi giận, cấm uống rượu, không được buồn sầu.

GHI CHÚ

Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy: Bệnh lúc mới phát, vùng mặt ngoài cẳng tay (phía dưới huyệt thủ tam lý khoảng 4 đến 5 thốn), cho đến các ngón tay cái, ngón trỏ, ngón áp út, ngón út, xương bàn tay, tất cả đều tê không còn cảm giác, 10 ngón tay tự động đậy. Đó là triệu chứng đã bị trúng phong. Phương pháp dự phòng như sau :

Trước hết nên cứu bách hội từ 5 đến 7 tráng; châm bổ đơn điền 3 phân, cứu 10 tráng; châm cả bổ lẫn tả xích trạch 3 phân; châm bổ trung xung, thượng quản 3 phân, cứu 10 tráng; cứu thần khuyết bằng cách gừng 30 tráng. Trước khi bệnh trúng phong xảy ra, cứu 30 tráng chia làm 3 ngày, như vậy có thể ngăn được chứng trúng phong.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận