Châm cứu và thay đổi âm dương trong cơ thể
Khái niệm về âm dương:Âm dương là hai mặt đối lập nhau trong cơ thể con người. Tuy nhiên, chúng có những tác động tương hỗ qua lại nhằm duy trì hoạt động sống cho cơ thể. Âm dương trong cơ thể con người có sự thay đổi và biến động theo những yếu tố như dinh dưỡng, lối sinh hoạt trong cuộc sống, môi trường sống, sự tập luyện thân thể, thuốc men và châm cứu.
Xem xét nhiệt độ tại lòng và mu bàn tay giúp phân biệt giữa dương chứng và âm chứng:
Thiết chẩn (sờ nắn và bắt mạch) là một trong những phép chẩn đoán quan trọng của Y học cổ truyền. Phương pháp sờ lòng bàn tay, mu bàn tay nhằm cảm nhận nhiệt độ nóng lạnh đã từng được các y gia thời xưa áp dụng từ lâu đời. Sự cảm nhận tinh tế về sự thay đổi về nhiệt độ tại lòng và mu bàn tay có thể giúp các y gia phân biệt dương chứng và âm chứng. Chẳng hạn như sự gia tăng nhiệt độ của mu bàn tay so với lòng bàn tay, đó thường là biểu hiện của dương chứng (ngoại cảm). Ngược lại, lòng bàn tay nóng thường là biểu hiện của âm chứng (nội thương), có thể là chứng âm hư sinh nội nhiệt. Lòng bàn tay lạnh có thể là biểu hiện của dương hư…
Công trình nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng của châm cứu lên âm dương trong cơ thể con người :
Các nhà khoa học Đài Loan, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu trên người được áp dụng châm cứu trị liệu với mục đích chứng minh rằng châm cứu sẽ tạo ra thay đổi âm dương trong cơ thể con người.
Phương tiện kỹ thuật hỗ trợ: Theo dõi dòng chảy của máu tại bàn tay(bằng máy đo lưu lượng laser doppler) và sử dụng máy đo nhiệt độ tại lòng bàn tay, mu bàn tay bên phải để thông qua đó đánh giá sự biến đổi âm dương trong cơ thể con người (chắc chắn sự theo dõi nhiệt độ bằng máy sẽ chính xác hơn nhiều so với cách mà các y gia hồi xưa dùng bàn tay của mình để cảm nhận nhiệt độ trên người bệnh nhân)
20 người tình nguyện tham gia nghiên cứu, đều được nhận 4 hình thức châm cứu trị liệu:
Châm cứu giả
Châm cứu bằng thao tác tay của thầy thuốc
Châm cứu điện, tần số 2 Hz. Thuật ngữ tiếng Anh là electroacupuncture (EA), hoặc còn được gọi là Percutaneous Electrical Nerve Stimulation (PENS)
Kích thích thần kinh bằng điện qua da, tần số 2 Hz. Thuật ngữ tiếng Anh là Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation, viết tắt là TENS.
Châm cứu trị liệu được thực hiện trên hai huyệt túc tam lý (Zusanli) và thượng cư hư (Shangjuxu) ở cả hai bên. Khoảng cách thời gian của mỗi hình thức trị liệu ít nhất là 3 ngày.
Tất cả được theo dõi 3 giai đoạn; trước châm cứu, khi châm cứu và sau châm cứu. Mỗi giai đoạn kéo dài 15 phút.
Kết quả cho thấy:
Lưu lượng máu chảy ở lòng bàn tay nhiều hơn lưu lượng máu chảy ở mu tay tại giai đoạn trước châm cứu.
Sự thay đổi nhiệt độ ở mu bàn tay trên những người được châm cứu điện và kích thích thần kinh bằng điện qua da rõ ràng hơn những trường hợp được châm cứu bằng thao tác tay của thầy thuốc và châm cứu giả.
Công trình nghiên cứu đã xác nhận châm cứu bằng điện có tác động hiệu quả hơn là châm cứu chỉ bằng thao tác tay của thầy thuốc (manual acupuncture). Châm cứu bằng điện có tác dụng tương tự như kích thích thần kinh bằng điện qua da (transcutaneous electric nerve stimulation).
Kết luận chung : Qua công trình nghiên cứu trên, có thể kết luận châm cứu, đặc biệt sự châm cứu điện tạo ra sự thay đổi âm dương trong cơ thể con người.
THÔNG TIN VỀ HAI HUYỆT: Túc tam lý và thượng cư hư
Vị trí huyệt túc tam lý (Zusanli) : Túc tam lý nằm trên kinh vị (Stomach channel) ở vị trí thứ 36, nên cũng còn được ký hiệu là ST36. Huyệt nằm mặt ngoài cẳng chân, cách mào xương chày một bề ngang ngón tay. Khi xác định đúng huyệt, day ấn vào sẽ có cảm giác ê tức. Huyệt túc tam lý có tác dụng bồi bổ khí huyết, dùng trị các chứng như suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, ăn không tiêu, đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy.
Vị trí huyệt thượng cư hư (Shangjuxu): huyệt cũng nằm trên kinh vị (Stomach channel) ở vị trí 37, nên còn được ký hiệu là ST37. Huyệt dưới túc tam lý 3 thốn (Cách đơn giản để xác định độ dài của một thốn đó là đo bề rộng của đốt đầu ngón cái của bệnh nhân). Huyệt thượng cư hư dùng trị chứng sôi bụng, tiêu chảy, táo bón, đau chi dưới.