[Châm cứu học thuật] Vượng (Vựng) Châm trong châm cứu

Vượng (Vựng) Châm

Vừa châm kim xong, người bệnh bỗng nhiên cảm thấy khó chịu, hoa mắt, buồn nôn, tay chân lạnh, toát mồ hôi, trụy tim mạch, có khi bị ngất, hiện tượng này gọi là Vượng Châm hoặc Say Kim. Nguyên nhân có thể do suy nhược, quá sợ hãi, yếu tim, dễ kích động, mới đến chưa được nghỉ, đói hoặc do bị châm quá đau, kích thích quá mạnh….

Trong thiên “Kinh Mạch” ghi: “Trường hợp thiếu khí quá nặng mà châm tả, sẽ làm cho người bệnh bị bứt rứt, bứt rứt nhiều quá sẽ ngã xuống và sẽ không nói được nữa. Nên nhanh chóng đỡ người bệnh ngồi dậy ngay” (L. Khu 10, 132).

Trương-Cảnh-Nhạc khi chú giải đoạn này đã giải thích: “Khi nào người bệnh ngã xuống, phải đỡ cho họ ngồi lên, nhằm làm, cho người bệnh chuyển khí hồi phục, nếu để cho nằm thì làm cho khí bị trệ, e rằng sẽ đi đến tình trạng không cứu được”.

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng hiện nay, cách giải quyết trường hợp vượng châm như sau: Lập tức rút kim ra (nhanh bao nhiêu có thể, tránh bị thoát khí nhiều hơn), cho người bệnh nằm dài trên giường ở tư thế thoải mái. Châm hoặc bấm mạnh huyệt Nhân Trung, Cứu h. Bá Hội, Khí hải, Quan Nguyên (nếu thoát khí nhiều, chân tay lạnh và ra mồ hôi nhiều).

Ở đây, có một vấn đề cần bàn là, tại sao trong Nội Kinh lại không cho nằm (bắt ngồi dậy) nhưng ngày nay lại thấy nằm có hiệu quả hơn, vì người bệnh ở tư thế nằm cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể hiểu như sau: sách Nội Kinh là tài liệu viết cách đây hơn 2000 năm, lúc đó vật dụng như hiện nay chưa có, vì thế, thường ngồi ở đất để châm. Khi người bệnh té xỉu, hiểu là té xuống đất. Đất thuộc âm, cơ thể đang trong trạng thái Vượng châm cũng là trạng thái âm (sách Nội Kinh cho là thiếu khí, thiếu khí là biểu hiện dương hư) Âm chứng, gặp âm của đất, theo nguyên tắc tương sinh, âm sinh âm, làm âm thêm lên, âm khắc dương, càng làm cho dương khí suy thêm gây ra nặng hơn. Chính vì thế, sách Nội Kinh khuyên dựng người bệnh dậy, để cho âm khí không xâm lấn thêm vào, giúp cho khí không bị suy thoát thêm. Ngày nay, trang bị vật dụng của một phòng châm tương đối tiện nghi hơn, người bệnh thường ngồi trên ghế, khi choáng (vượng châm), liền được đem đặt trên giường do đó không sợ bị âm khí xâm lấn thêm. Ngoài ra khi nằm, máu luôn dồn về tim và não nhiều hơn, giúp cho người bệnh thấy thoải mái hơn.

Để đề phòng hiện tượng vượng châm:

Đối với người mới châm, sức yếu quá, mệt, đói…. nên cho nghỉ 10-15 phút trước khi châm.

Với người tim yếu, dễ xúc động, thần kinh nhạy cảm, cần giải thích trước khi châm để cho họ an tâm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận