[Chứng trạng] Chẩn đoán phân biệt Chứng Can Vị bất hoà

Chứng Can Vị bất hoà là tên gọi chung chỉ tình chí không thoải mái, Can uất Vị yếu, Can khí hoành nghịch phạm Vị gây nên một loạt chứng trạng; Biểu hiện chủ yếu là Vị quản trướng đầy đau, đau xiên tới liên sườn, ách nghịch ợ hơi, cồn cào nuốt chua, ăn vào không tiêu hoá, phiền táo dễ cáu giận, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch Huyền.

Chứng Can Vị bất hoà thường gặp trong các bệnh Vị quản thống, Âu thổ, Ách nghịch.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Vị khí thượng nghịch, chứng Đởm uất đàm quấy rối.

Phân tích

Chứng Can Vị bất hoà gặp trong nhiều loại tật bệnh, nhưng biểu hiện lâm sàng không nhất trí, cần phân tích.

Chứng Can Vị bất hoà trong bệnh Vị quản thống biểu hiện là Vị quản trướng đầy, đau xiên tới liên sườn, thậm chí hai bên sườn đau căng không chịu nổi, ợ hơi liên tục, rêu lưỡi phần nhiều trắng mỏng, mạch Trầm Huyền, đa số do tình chí không thoải mái, Can khí uất kết không được sơ tiết, hoành nghịch phạm Vị, Vị mất hoà giáng gây nên; Điều trị nên sơ Can lý khí, hoà Vị giảm đau, cho uống bài Sài hồ sơ Can thang (Cảnh Nhạc toàn thư).

– Trong bệnh Ẩu thổ gặp chứng Can Vị bất hoà có các triệu chứng nôn mửa nuốt chua, ợ hơi liên tục, ngực sườn đầy đau, phiền muộn khó chịu, ven lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Huyền; Đây là tình chí không điều hoà, Can khí uất nén, hoành nghịch phạm Vị, Vị khí không giáng xuống, trái lại nghịch lên gây nên; Điều trị nên sơ Can lý khí hoà Vị, cho uống bài Tứ thất thang (Hoà tễ cục phương).

– Chứng Can Vị bất hoà gặp trong bệnh Ách nghịch, biểu hiện là nấc thành tiếng, lúc phát lúc ngừng nhất là khi tình tự giao động thì nấc càng rõ rệt, có thể kèm theo buồn nôn, ngực sườn trướng đau, miệng khô mà đắng, chất lưỡi đỏ rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Huyền; Đây là do tình chí không thư thái, khí cơ không lợi nghịch lên phạm Vị, Vị mất hoà giáng gây nên; Điều trị nên sơ Can hoà Vị giáng nghịch, cho uống Sài hồ sơ Can thang hợp với Quất Bì Trúc nhự thang (Kim Quỹ yếu lược).

Chứng Can Vị bất hoà phần nhiều gặp ở người thất tình bị uất nén hoặc phần nhiều khi gặp tình tự không thoải mái thì nặng thêm hoặc tái phát; Vì sự hoà giáng của Vị k hí phải nhờ vào sự sinh phát dồi dào và khí sơ tiết của tạng Can; Công năng sơ tiết bình thường lai cần dựa vào tâm tình thoải mái, tình chí thư thái không chút lưởng vưởng bận Tâm. Cho nên chứng Can Vị bất hoà trước khi phát cơn phần nhiều có bệnh sử tình tự không thư sướng, sau khi phát cơn thường biểu hiện tinh thần ức uất hoặc phiền táo, tình tự dễ bị kích động.

Chứng Can Vị bất hoà trong quá trình diễn biến cơ chế bệnh, thường có thể do Can khí uất kết, l âu ngày hoá hoả; tính của hoả cấp bách. Hoả khí khắc phạm Vị thổ, thì biểu hiện là chứng Hoả uất có cơn đau căng thẳng, tâm phiền dễ cáu giận, cồn cào ứa nước chua, miệng khô và đắng, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác. Lại do hoả khí hun đốt ở trong, không những hun đốt tổn hai Can âm lại dễ tổn hại tân dịch của Vị hình thành Can Vị bất hoà mang tính chất Âm hư, thường biểu hiện là vùng sườn đau âm ỉ, Vị quản trướng đau, ợ hơi, nấc, đói mà không muốn ăn, đại tiện khô, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu, hoặc giữa lưỡi có vết nứt, mạch Tế Huyền Sác. Ngoài ra, chung cục của chứng Can Vị bất hoà chủ yếu là ở khí cơ sáp trệ, khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, khí hành thì huyết hành, khí trệ lâu ngày sẽ gây nên chứng Huyết ứ, biểu hiện là sườn và dạ dày đau cố định, đau như dùi đâm, nơi đau cự án; hoặc tiến thêm bước nữa làm tổn thương Lạc mạch mà xuất hiện các chứng trạng thổ huyết, đại tiện phân đen.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Vị khí thượng nghịch với chứng Can Vị bất hoà: cả hai đều xuất hiện chứng trạng của Vị kinh, nhưng nguyên nhân và cơ chế bệnh khác nhau, cũng nên phân biệt.

Chứng Vị khí thượng nghịch do ăn uống không điều độ, đói no thất thường hoặc ấm lạnh không thích nghi, mất chức năng thông giáng của Vị, khí cơ nghịch lên gây nên bệnh, sự biến hoá bệnh lý là ở Vị, Còn chứng Can Vị bất hoà thì do tình chí không thư sướng Can uất không điều đạt hoành nghịch phạm Vị, Vị mất hoà giáng gây nên, bệnh lý biểu hiện nguyên phát là ở Can, thứ phát là ở Vị. Vị vậy mà trên lâm sàng tuy đều xuất hiện chứng trạng của Vị kinh như nôn mửa, nấc, ợ hơi, nhưng chứng Can Vị bất hoà còn biểu hiện cả chứng trạng của Can kinh như đau sườn, trướng sườn, ngực khó chịu, mạch Huyền v.v… vả lại phần nhiều trước có chứng trạng của Can kinh, rồi sau mới lại xuất hiện chứng trạng của Vị kinh.

– Chứng Đởm uất đàm quấy rối và chứng Can Vị bất hoà cả hai trên lâm sàng đều có thể xuất hiện chứng trạng gần giống nhau như nôn mửa, lợm lòng buồn nôn, cần phân biệt.

Chứng Đởm uất đàm quấy rối là do tình chí uất kết, khí uất sinh đờm, đờm và nhiệt quấy rối ở trong, Đởm mất sự sơ tiết, VỊ mất hoà giáng gây nên. Ngoài những chứng trạng của Vị kinh như nôn mửa, buồn nôn, còn có các triệu chứng hồi hộp không yên, phiền táo mất ngủ, choáng đầu hoa mắt, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Hoạt. Còn chứng Can Vị bất hoà thì lấy kinh khí không lợi có chứng trạng chủ yếu là sườn đau trướng. Hai chứng tuy đều có thể xuất hiện chứng trạng của Vị kinh, nhưng chứng Đởm uất đàm quấy rối phần nhiều không xuất hiện chứng đau, mà chứng Can Vị bất hoà thì lấy chứng đau làm chủ yếu; xem xét cho tỉ mỉ thì chẩn đoán phân biệt không khó.

Trích dẫn y văn

– Can khí lấn Vị, đau trung quản và mửa nước chua. Cho uống Nhị trần gia Tả kim hoàn, hoặc Bạch khấu, Kim linh tử (Tây Khê thư ốc dạ thoại lục – Vương Hức Cao y thư lục chủng).

– Chứng Ẩu thổ là do Vị khí mất hoà giáng, mà phần nhiều do Can nghịch xông lên Vị gây nên. Sách Linh Khu viết: “Túc Quyết âm sinh ra bệnh, ngực đầy và ẩu nghịch. Nghĩ như Vhu nhận đồ ăn, chủ về thông giáng, giờ khí nghịch lên mà nôn mửa đó là tà khí ở Can phạm Vị, hoặc Vị hư Can lấn. Cho nên trị nôn mửa phải tiết Can an Vị, thuốc dùng chủ yếu là đắng để giáng cay để thông kèm theo vị chua để tiết Can khí (Ẩu thổ – Loại chứng trị tài).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận