Nhử… chim ăn nốt chai không được, chị Hòa lại ra bãi tha ma gần nhà “chạm” nốt chai vào quan tài cho “bay”.
Vào mùa lạnh là nhiều người bị chai chân, đau đớn từng bước đi. Đến bệnh viện khoét bỏ thì sợ đau, cho là chân có quá nhiều dây thần kinh và cái đau, theo lời đồn, là rất khó chịu và khó tả. Vì vậy họ tìm cách chữa mẹo.
Có người dùng kìm bấm cắt và rút nốt chai, nhưng bị chảy máu và đau nên phải dừng lại. Lần sau lại lấy hương, đầu mẩu thuốc lá gí vào nốt chai cháy khét lẹt cho nhân trồi lên. Không ngờ bị bỏng và phải bỏ cách chữa này. Có người thì dùng kìm cắt chai và bôi thuốc tây chống nhiễm trùng. Nhưng vùng chai chân vẫn cứng, còn mọc thêm nhiều nốt mới và đau nhức khi đi lại nhiều hơn…
Chị Thu Hòa (Hà Nội) cũng bị chai chân, nghe lời đồn chữa mẹo nên chị quyết thử. Đầu tiên, 9 buổi sáng liền chị lên sân thượng chìa nốt chai gọi: “Chim ơi đến đây ăn đi”… Nốt chai không hết, chị nén sợ để 9 buổi sáng nữa ra bãi tha ma gần nhà “chạm” nốt chai vào quan tài cho “bay”. Nốt chai vẫn không “bay”, còn nở thêm vài nốt xung quanh nữa. Lần cuối cùng, chị nhặt “vàng” trong đám ma… lén quệt xuôi 9 cái vào những nốt chai chân…
Tổn thương chai chân rất đau đớn. Ảnh minh họa.
Cách chữa dân gian
Theo các bác sĩ, chai chân (mắt cá, ránh cơm, mụn ké) là chứng dày sừng xuất hiện ở vị trí dễ cọ sát, có bề mặt phẳng, hoặc lồi lên khỏi mặt da, bề mặt có vảy, có thể lây lan và hay bị nhiễm trùng. Ấn vào nốt chai thấy đau, đi lại bị cộm cứng, đau nhói. Nhìn thì thấy cục chai còn có ngòi nổi lên, hay mọc ở nơi xương bàn chân tiếp xúc với giày dép (gan bàn chân, ngón cái, ngón út, gót chân, kẽ ngón chân.
Tùy vùng miền mà có những mẹo chữa chai dân gian khác nhau:
1. Người Tây Nguyên lấy thân và lá cây xấu hổ, loại mọc lan vệ đường, có thân và hoa màu tím về cắt khúc, sao vàng hạ thổ. Mỗi ngày lấy 200g đun sôi, ngâm chân khi nước còn hơi nóng rát. Ít ngày sau nốt chai chân tự rụng, các nốt bé cũng dần bong.
2. Đồng bào dân tộc thiểu số có cách lấy củ hành tím giã thật nhuyễn rịt vào vết chai, băng lại (làm trước khi đi ngủ). Sau 3 ngày là nốt chai bớt buốt, rụng và lên da non. 10 ngày sẽ hết đau.
3. Ở nông thôn Bắc bộ hay dùng lá tía tô và vôi ăn trầu trị chai chân. Lấy lá tía tô đã rửa sạch, giã nát lấy nước bôi vào nốt cộm – sẽ có cảm giác hơi nóng rát. Chờ nước tía tô khô đi, lại bôi lần nữa. Khi nước tía tô khô hẳn thì bôi tiếp lớp vôi ăn trầu mỏng lên. Ngày làm 2 lần. Sau 1 tuần vết chai dần rụng hết.
– Hay trộn 4 thìa đường đỏ, 4 thìa dầu hạnh nhân (hoặc dầu ô liu), thêm vài giọt dầu bạc hà (hoặc bạc hà tươi) trộn đều, bôi lên vùng da chân bị chai vài lần, nốt chai sẽ mềm và đỡ đau.
– Với vết chai phồng rộp quanh gót chân thì ngâm chân vào chậu nước nóng, hoặc dùng nước đá chườm rồi bôi kem dưỡng da cho mềm chai.
– Dùng một chiếc khăn mềm hay bông gòn thấm nước cốt chanh rồi sau đó thấm lên chỗ sần.
– Dùng bột nghệ trộn lẫn với mật ong đắp lên chỗ chai.
Nhưng theo các bác sĩ, các mẹo dân gian phải làm hàng ngày, và cũng chỉ dùng cho những nốt chai nhỏ, mới mọc, và có người khỏi, có người không khỏi. Vì vậy, nếu chỗ chai chân tiếp tục gây đau, cần tới bệnh viện khám để được tiểu phẫu, diệt trừ tận gốc mới hết đau đớn.
Cao dán chữa chai đang được ưa chuộng, nhưng giá thành từ 280.000 – 600.000 đ/hộp. Ảnh minh họa.
Cao dán chữa chai
Tại các bệnh viện, các bác sĩ cho rằng chai chân, mụn cóc, cần phải lấy được nhân ra mới khỏi. Có thể phẫu thuật, hay đốt điện, plasma, laser… CO2. Bác sĩ sẽ dùng thuốc mỡ làm bong chai và mềm da, rồi phẫu thuật loại bỏ nhân.
Nhưng theo nguyên bác sĩ Nguyễn Văn Thi (Bệnh Viện Giao Thông Vận Tải TW) thì cách trị chai chân bằng cao dán, giúp chai “bay” dễ dàng và khỏi hẳn đang được nhiều người dùng hơn. Ông thường trị chai chân, mụn cơm, mụn cóc bằng cao dán. Cách này giúp bệnh nhân không bị đau, chảy máu, không phải uống kháng sinh, không để lại sẹo, và bệnh nhân vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường.
Trên thị trường có nhiều loại cao dán khác, giá 280.000 – 600.000 đ/hộp, giúp bong nhanh lớp sừng hóa và cần dán tới rụng hết chai. Nhưng cao dán có tác dụng “bay” chai chân nhanh hay chậm còn tùy cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người.
Vì vậy tốt nhất khi các nốt chai xuất hiện, cần đi khám chuyên khoa da liễu để các bác sĩ hướng dẫn điều trị.
Mùa lạnh nên ngâm chân hàng ngày để ngừa chai chân. Ảnh minh họa.
Ngăn ngừa bị chai chân
– Dùng kem chứa vitamin A thoa hàng ngay cho da chân, da tay mềm mại, tăng độ đàn hồi cho da.
– Đi giày, dép mềm, vừa chân để ngăn mọc chai. Nếu buộc phải đi giày dép cứng, đi đường dài cần dùng lót đệm vào những chỗ dễ bị chai chân.
– Tránh đi chân đất, giữ sạch và dưỡng ẩm cho chân để chấm dứt bệnh chai chân.
– Không nên dùng kìm cắt chai chân, hay dùng vật nhọn chọc, cậy chai chân vì rất dễ chảy máu, kích thích tái chai, nhiễm trùng…
Ngọc Hà
Nguồn: giadinh.net.vn