Nhiều người chưa già đã mắc chứng hay quên, và chứng bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều khi phát ngượng.
Khổ vì quên
Chứng quên khiến người cao tuổi (NCT) vừa ăn cơm xong đã ra nói với xóm giềng cả ngày chưa được ăn. Ra chợ mua cái gì thì tính mãi chẳng trả được tiền… Đi lại chậm chạp, ngơ ngác, thấy người quen không nhận ra… Chứng quên khiến người giả khổ, họ gặp khó khăn khi sử dụng các vật dụng hàng ngày như tiền nong, giao thông, điện thoại, mất khả năng làm theo lời hướng dẫn…
Theo BS Nguyễn Tiến Trường, khoa Khám bệnh, BV Lão khoa TƯ, chứng quên có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống, nguyên nhân do não bắt đầu thoái hóa, nơron thần kinh giảm và hay quên…
Nguyên nhân quên thì nhiều. Nếu do tuổi tác NCT sẽ mất dần nét hóm hỉnh trong giao tiếp, tốc độ suy nghĩ chậm dần, nhân cách biến đổi, dễ quên việc mới xảy ra, nhưng lại nhớ các việc trong quá khứ. Nếu quên do nguyên nhân tâm thần thường kết hợp với rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, thiếu năng lực trong công việc, ăn không ngon và hay lo âu… thường kèm theo các khiếm khuyết thần kinh.
Thời tiết quá nắng nóng khiến người già dinh dưỡng kém, mất nước, mất muối gây rối loạn điện giải cũng là một nguyên nhân khiến NCT hay quên.
Các kiểu quên
Theo các bác sĩ lão khoa, có 2 kiểu biểu hiện rối loạn trí nhớ thường gặp là chứng loạn trí nhớ về không gian (hay nơi chốn) và chứng quên thoáng qua.
Chứng loạn trí nhớ về không gian (nơi chốn) làm người bệnh khó nhận ra nơi mình đang ở và những nơi đã biết. Chứng này kỳ lạ là làm người bệnh cứ tin họ ở chỗ khác, không phải nơi họ đang ở thật sự dù cho có bàn ghế, giường nệm… của họ.
Chứng quên toàn bộ thoáng qua là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương, trong đó có mất trí nhớ đột ngột, đặc biệt là mất khả năng kể về những việc gần đây mà không kèm các triệu chứng thần kinh. Bệnh nhân cứ hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc đoạn cuối của câu.
Chứng quên ở NCT chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn sớm NCT hay phải tìm những đồ dùng cá nhân (mũ, chìa khóa nhà, chìa khóa xe…), khó nhớ tên người mới gặp, hay lặp đi lặp lại một câu hỏi, thậm chí quên việc định làm… Nếu không được phát hiện và điều trị thì chứng quên có thể tiến triển thành giai đoạn trung gian và giai đoạn nặng.
Giai đoạn trung gian NCT hay quên những từ ngữ thông thường nên gặp khó khăn khi giao tiếp, quên những động tác sinh hoạt cá nhân, mất định hướng về thời gian và không gian…
Ở giai đoạn nặng, chứng quên rất trầm trọng, họ mất toàn bộ khả năng sinh hoạt hàng ngày và phải sống lệ thuộc vào người thân, có khi không thể tự ăn uống,vệ sinh cá nhân…
Tập yoga giúp người già giảm chứng quên. Ảnh minh họa.
Nên ăn gì?
Để duy trì cho NCT không quên nhanh, không bị mất trí nhớ cần:
– Tăng cường tuần hoàn não để máu lên nuôi não nhiều hơn. Nên bổ sung vitamin khoáng chất như tảo Nhật, tảo Việt Nam…
– Tập thể dục để các đốt sống cổ di chuyển, giúp màu lên não tốt hơn. Nên tập thiền yoga bởi thở và thiền giúp luyện trí nhớ và dẻo dai rất tốt.
– Hàng ngày nên xoa hai tay vào nhau rồi xoa đều lên mặt, bấm các huyệt ở mắt, mũi tai… giúp máu lưu thông tốt hơn.
Sau đó xoa cổ, gáy, và dùng 10 đầu ngón tay chải ngược lên đầu giúp ô xy tưới lên não nhiều hơn bởi chứng quên là do não thiếu oxy tới các tế bào và làm ảnh hưởng vùng trí nhớ.
Người già nên chơi tam cúc, tổ tôm, tú lơ khơ… để giúp không bị quên. Nên có tiếp xúc giao lưu, ôn nghèo kể khổ với người cùng lứa… giúp phục hồi trí nhớ.
Nên ăn nhiều rau củ quả, cá tôm cua để cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng.
Các món ăn cải thiện trí não như óc lợn hấp cách thủy (hoặc phối với kỷ tử và hoài sơn) chữa kiện vong (hay quên), tâm căn suy nhược, chóng mặt hoa mắt.
Trứng chim bồ câu 5 quả, long nhãn 15g, kỷ tử 15g và đường phèn 25g hấp cách thủy, ăn 2 lần/ngày để chữa chứng hay quên, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi…
Trứng chim cút luộc ăn mỗi ngày vài quả, kho thịt, nấu canh bóng… rất tốt cho não.
Mật ong đều đặn uống 2 thìa/tối trước khi đi ngủ giúp mạnh thần trí, cải thiện khả năng ghi nhớ.
Đông trùng hạ thảo chế biến với thịt vịt, ba ba, tôm nõn, thịt lợn nạc… giúp trấn tĩnh, tăng cường tập trung, nâng cao năng lực ghi nhớ.
Hồ đào nhân ăn hàng ngày 1-2 quả, hoặc 30g hồ đào nhân nấu cháo ăn với gạo tẻ rất cần cho não, cải thiện khả năng ghi nhớ, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện.
Các món long nhãn, hạt sen, kỷ tử, nấm linh chi, nhân sâm… đều có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), thất miên (mất ngủ), kiện vong (hay quên)… do tâm tỳ hư nhược.
Người có tuổi thường không cảm thấy ngon miệng khi ăn thịt, nhưng protein rất cần cho cơ thể, có thể ăn những thức ăn giàu đạm khác như đậu, bơ lạc và trứng. Bổ sung các vitamin, trong đó có cả vitamin B12.
Phòng ngừa, điều trị
Để phòng ngừa chứng quên, người già cần hoạt động trí não thường xuyên như đọc báo, tham gia các buổi sinh hoạt, kể lại câu chuyện vừa đọc, hoặc một bộ phim vừa xem xong, chơi một loại nhạc cụ… sẽ làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ.
Hàng ngày cần luyện tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng, duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau, củ.
Hạn chế ăn chất béo, chất ngọt và các đồ uống kích thích như rượu bia…
Có rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho chứng quên, một số thuốc có tác dụng duy trì trí nhớ, thuốc bổ thần kinh, các thuốc tăng cường chuyển hóa tuần hoàn não.
Các thuốc làm chậm quá trình tiến triển chứng bệnh này là thuốc chống thoái hóa não như vitamin E, C, những thuốc có tác dụng chống ôxy hóa, giúp bảo vệ tế bào, đặc biệt là tế bào não tránh tác hại quá trình thoái hóa não, cải thiện tuần hoàn não (thuốc tuần hoàn não có nhiều loại).
Dùng thuốc nào cũng cần có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc chữa chứng quên. Còn thuốc bổ chỉ sử dụng 20 ngày/tháng là nghỉ để thuốc còn đào thải.
Ngọc Hà
Nguồn: giadinh.net.vn