[Chứng trạng] Chứng Đại trường kết nhiệt

Chứng Đại trường kết nhiệt là tên gọi chung cho những chứng trạng do táo nhiệt thực hỏa kết ở Đại trường làm cho bế tắc đường ruột, thông thường gọi là chứng Đại trường thực nhiệt. Chứng này đa số do thể chất vốn dương thịnh hỏa vượng hoặc ăn quá nhiều cay nóng nồng hậu hoặc do Phế nhiệt chuyển xuống Đại trường gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có các chứng đại tiện khô ráo bí kết, giang môn nóng rát, miệng khô phiền khát, tiểu tiện sẻn đỏ, bụng trướng rắn đầy thậm chí đau bụng cự án, mình nóng mặt đỏ, rêu lưỡi vàng khô thậm chí đen sạm nổi gai, mạch Hồng Sác có lực.

Trong các bệnh Tiện bí, Phúc thống, Thương hàn Dương minh bệnh và Ôn bệnh thường gặp chứng Đại trường kết nhiệt.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Đại trường thấp nhiệt, chứng Khí trệ, chứng Trường táo do tân dịch ở Dương minh bị tổn thương.

Phân tích

– Trong bệnh Tiện bí, chứng Đại trường kết nhiệt thường gặp các chứng trạng miệng khô phiền khát thích uống, giang môn nóng rát, tiểu tiện vàng đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Hồng Sác có lực, đây là táo nhiệt câu kết với nhau, úng tắc đường ruột, khí cơ bị vít lấp gây nên; Điều trị nên thanh tả kết nhiệt, cho uống Lương Cách tán (Hòa tễ cục phương) gia giảm.

– Chứng Đại trường kết nhiệt gặp trong bệnh Phúc thống, phải có chứng bụng rắn đầy mà đau, thậm chí cứng rắn và đau, thân thể và bụng đều nóng, đại tiện không thông, miệng khát nôn lợm, tiểu tiện đỏ và rít; Đây là táo nhiệt úng tắc ở đường ruột, khí cơ vít lấp không thông “bất thông thì đau”, nên dùng phép tả nhiệt thông Phủ, cho uống Đại sài hồ thang (Thương hàn luận) gia giảm.

– Thương hàn Dương minh bệnh gặp chứng Đại trường kết nhiệt phần nhiều do bệnh ở Thái dương điều trị không thỏa đáng, hàn tà vào lý hóa nhiệt, tà nhiệt quấn quít ở Vị t rường, tổn hại tân dịch, hóa táo, đến nỗi Đại tiện khô kết không thông. Điều 181 trong Thương hàn luận viết: “Bệnh Thái dương, nếu phát hãn, nếu hạ, nếu lợi tiểu tiện, đó là mất tân dịch, trong Vị khô ráo, do đó truyền vào Dương minh; Bên trong có thực tà, không đại tiện hoặc đại tiện khó khăn, gọi là Dương minh”. Chứng Đại trường kết nhiệt trong bệnh Thương hàn Dương minh chỉ có chứng trạng ố nhiệt không ố hàn, mình nóng đau bụng, đại tiện bí kết, phép trị nên dùng thuốc đắng lạnh để công hạ, tả hỏa thông tiện, cho uống Tiểu thừa khí thang (Thương hàn luận). Nếu nhiệt kết có xu thế nặng, thì bụng cứng rắn đầy, đau và cự án, phát nhiệt phiền táo, nói sảng, nôn mửa, hoặc phân táo kết ở trong ruột, ỉa chảy ra nước loãng rất hôi, đây là chứng nhiệt kết bàng lưu, rêu lưỡi vàng khô nổi gai, mạch Trầm Thực có lực, điều trị nên dùng phép hạ mạnh để quét bỏ thực nhiệt, cho uống Đại sài hồ thang(Thương hàn luận).

– Ôn tà cảm nhiễm ở trên, trước tiên phạm Phế, Phế biểu lý với Đại trường, Ôn bệnh nhiệt tà ở Phế Vệ chưa giải được thì Phế nhiệt chuyển xu ống Đại trường, táo nhiệt kết ở đường ruột, thì thành chứng Đại trường kết nhiệt, chứng này thường gặp ở giai đoạn sau c hứng P hế Vệ nhiệt, tức l à trước ti ên thấy sốt nặng, ố hàn nhẹ, đau họng, khái thấu, thậm chí khái suyễn thở gấp, tiếp theo là đại tiện bí kết, phát nhiệt không ố hàn, vùng bụng ấn đau, thậm chí nhiệt quấy rối thần minh mà hôn mê nói sảng; Điều trị nên thanh tả thực nhiệt ở Đại trường kiêm thanh Phế hỏa, cho uống bài Can cát thang(Chứng nhân mạch trị) gia Hoàng cầm, Tang bạch bì, Qua lâu.

– Nếu tuổi cao thể lực yếu, phụ nữ sau khi đẻ hoặc sau khi bị mất huyết mà bị chứng Đại trường kết nhiệt, t nhiệt kết, nhưng chứng trạng không Thực lắm, bụng không đau nặng lắm, ấn vào bụng không rắn, bụng cũng trướng vừa phải, thì không được dùng thuốc quét rửa hạ mạnh, nên dùng phép thanh nhiệt nhuận trường, cho uống bài Ma tử nhân hoàn (Thương hàn luận).

– Nếu thương thực tích nhiệt, táo nhiệt kết ở Đại trường, có chứng đại tiện khô ráo bí kết, nôn mửa ra chua hăng, vùng bụng trướng đau cự án, điều trị theo phép thanh nhiệt đạo trệ, dùng bài Chỉ thực đạo trệ hoàn (Nội ngoại thương biện hoặc luận).

Ngũ tạng biệt luận sách Tố Vấn viết: Thủy cốc vào miệng thì Vị đặc mà Trường rỗng, ăn vào thì Trường đặc mà Vị rỗng. Trên lâm sàng, Vị với Đại trường thường ảnh hưởng lẫn nhau; Chứng Đại trường kết nhiệt có thể kiêm cả chứng Vị nhiệt, ngoài các chứng trạng bí kết, bụng trướng, giang môn nóng rát, còn có thể kiêm chứng Vị nóng rát, phiền khát thích uống, hay đói và ăn nhiều, chân răng sưng đau.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Đại trường thấp nhiệt với chứng Đại trường kết nhiệt: Cả hai tuy đều thuộc Thực chứng nhiệt kết ở Đại trường, có thể thấy các chứng trạng thực nhiệt như bụng trướng đầy, mình nóng phiền táo, giang môn nóng rát, rêu lưỡi vàng, mạch Sắc có lực v.v… Nhưng chứng Đại trường thấp nhiệt là một loạt hiện tượng về thấp nhiệt như thấp nhiệt nung nấu uất kết, đại tiện tiết tả hoặc đại tiện ra dính nhớt, miệng khát không muốn uống nước, lý cấp hậu trọng hoặc đại tiện ra mủ máu, mạch Hoạt Sác, rêu lưỡi vàng nhớt. Còn chứng Đại trường kết nhiệt là táo nhiệt câu kết với nhau, đại tiện khô táo bí kết, đồng thời thấy hàng loạt chứng trạng táo nhiệt kết ở trong như môi miệng khô ráo, phiền khát thích uống, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Hồng Sác có lực.

– Chứng Khí trệ với chứng Đại trường kết nhiệt, cả hai đều thuộc Thực chứng, nhưng nguyên nhân và cơ chế bệnh khác nhau. Loại trên phần nhiều do ưu tư quá độ, tâm tình không thoải mái, hoặc là ngồi lâu lười hoạt động, khí cơ không thư sướng khiến cho đường ruột mất chức năng truyền đạo, cặn bã ứ đọng gây nên đại tiện bí kết; Đây là chứng khí trệ ngăn trở lấn át, hắn phải thấy ngực sườn đầy tức, trướng bụng ợ hơi, trung tiện thì dễ chịu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Huyền. Chứng Đại trường kết nhiệt thì phải có hiện tượng nhiệt, mình nóng phiền táo, đại tiện bí nóng giang môn, rêu lưỡi vàng khô, mạch Hồng Sác. Chứng trên trọng yếu là Khí trệ; Chứng sau trọng yếu ở chỗ nhiệt kết, đó là cơ sở để chẩn đoán phân biệt.

– Chứng Dương minh tân dịch tổn thương Trường táo với chứng Đại trường kết nhiệt. Chứng Dương minh tân dịch tổn thương Trường táo là chỉ “Bệnh Dương minh, tự ra mồ hôi”, thày thuốc lại dùng thuốc ra mồ hôi để phát hãn nữa, khiến cho tân dịch ở Dương minh khô cạn thêm một bước nữa, biểu hiện đại trường khô ráo mà xuất hiện chứng Đại tiện kết rắn khó bài tiết, thường kèm theo các chứng trạng phát nhiệt, tự ra mồ hôi, tiểu tiện tự lợi, ngủ nhiều, bề mặt lưỡi khô ráo ít rêu, mạch Hừ Đại. Chứng này với chứng Đại trường kết nhiệt đều có thể xuất hiện trong Dương minh nhiệt bệnh; Một là vì bệnh giảm nhiệt lui, nhưng tân dịch hao thương quá nhiều, đại trường khô ráo mà gây nên táo bón; Hai là vì táo và nhiệt câu kết với nhau, nội nhiệt hun đốt quá thịnh, đại tiện khô kết, hai chứng tuy đều thấy bí đại tiện, nhưng nhiệt tà ở chứng Dương minh tân dịch tổn thương gây nên táo kết đã giảm, chỉ còn chứng trạng hơi phiền. Còn nhiệt tà của chứng Đại trường kết nhiệt còn thịnh, mình nóng phiền khát, rêu lưỡi vàng, mạch Hồng.

Trích dẫn y văn

– Nghĩ như Đại trường thực, Thực thì sinh nhiệt, nhiệt thì Trường kết mà trướng đầy, hay ho suyễn, mình và mặt nóng, họng bị nghẹn… Đại trường có túc trệ thì phát nhiệt rét run như bị sốt rét, bí rít không thông, đó là chứng hậu Đại trường thực nhiệt (Trị Đại trường Thực nhiệt chư phương – Thái bình thánh huệ phương).

Đại trường thực nhiệt, bụng trướng không thông kiêm chứng đau vùng rốn, ăn không tiêu hóa, suyễn không ngồi được lâu, miệng phá lở (Phế Đại trường kinh hư thực hàn nhiệt chứng trị – Tam nhân phương).

– Đại trường thực là Vị thực chuyển nhiệt đến, mạch Hữu Xích phải Hồng Thực, và có chứng trạng bế đại tiện… (Bút hoa y kính).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận